Tàu cháy lớn trên biển cả tuần, không có chủ nhận
Theo thông tin ngày 7/5, trên tờ Bưu điện Hoa Nam, tàu chở dầu Pablo đăng ký tại Gabon xảy ra cháy nổ lớn vào ngày 1/5 tại vùng biển ngoài khơi Malaysia. Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia cho biết, 25 trong số 28 thủy thủ có mặt trên tàu đã được các tàu gần đó giải cứu.
Ngoài ra, Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore cũng phối hợp, đề nghị 20 tàu trong khu vực hỗ trợ, báo tin trong trường hợp phát hiện 3 thủy thủ trên tàu Pablo mất tích.
Đến đêm 5/5, giới chức Malaysia thông báo dừng tìm kiếm do không phát hiện dấu vết các thủy thủ.
Khi xảy ra tai nạn, tàu Pablo với năng lực chở 700.000 thùng dầu thô và đang đi qua Biển Đông sau khi dỡ hàng tại Trung Quốc nên bên trong tàu gần như trống không.
Tàu chở dầu Pablo bốc cháy tại vùng biển ngoài khơi Malaysia ngày 1/5 (Ảnh: AFP)
Nguyên nhân gây hỏa hoạn hiện vẫn chưa được xác định, dù theo hãng tin Bloomberg, có khả năng là do hơi dầu mỏ còn sót lại.
Theo Bloomberg, trong trường hợp xảy ra vụ nổ, hỏa hoạn trên tàu chở hàng, các công ty bảo hiểm, công ty trục vớt cứu hộ, các bên trung gian thường bắt tay vào giải quyết chỉ vài giờ sau khi sự việc xảy ra.
Tuy nhiên, trong trường hợp của tàu Pablo, đã gần 1 tuần sau khi vụ hỏa hoạn xảy ra, quá trình xử lý trên chưa được tiến hành.
Hiện, không có nhiều thông tin về chủ sở hữu tàu Pablo. Tàu Pablo cũng không có tên trong cơ sở dữ liệu về những tàu vận tải đường biển được bảo hiểm. Cơ quan Thực thi Hàng hải Malaysia từ chối trả lời câu hỏi về bảo hiểm đối với tàu.
Trong trường hợp không có nhiều thông tin về chủ sở hữu tàu, giới chức địa phương thường yêu cầu thủy thủ đoàn cung cấp thông tin.
Sau đó, khi không thể liên hệ với chủ sở hữu, theo ông Oon Thian Seng - công tác tại Công ty luật Oon & Bazul của Singapore, giới chức địa phương có thể tịch thu tàu để chi trả những khoản phí trong quá trình khắc phục sự cố.
Điểm đáng chú ý là con tàu này được chế tạo từ năm 1997, tức đã đến tuổi mà hầu hết tàu chở hàng lỏng đã bán sắt vụn.
Đội tàu "ma" tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Trước khi đi qua Biển Đông và xảy ra hỏa hoạn, tàu Pablo đã đỗ 2 tháng ở 1 xưởng đóng tàu ở Thượng Hải, Trung Quốc.
Tuy nhiên, theo dữ liệu theo dõi tàu thuyền của Bloomberg, hai chuyến đi biển gần nhất của con tàu nhằm chở dầu thô tới cảng ở Sơn Đông, Trung Quốc. Công ty phân tích dữ liệu Vortexa xác minh hàng hóa trên 2 chuyến tàu trên là dầu thô nặng của Iran - mặt hàng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Do đó, theo Bloomberg, vụ hỏa hoạn trên tàu Pablo cho thấy nguy cơ rủi ro từ đội tàu "ma" già cỗi đang vận chuyển dầu mỏ từ những quốc gia bị Mỹ và phương Tây áp trừng phạt trên các tuyến vận tải biển đông đúc trên thế giới.
Đặc biệt, sau khi Mỹ và phương Tây áp một loạt lệnh trừng phạt đối với Nga liên quan tới chiến dịch quân sự của Moscow tại Ukraine (bao gồm việc nhóm các nền kinh tế G7, Australia và Liên minh châu Âu áp giá trần với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga), các nhà quan sát trong lĩnh vực thương mại dầu mỏ nhận thấy tình trạng bùng nổ hoạt động mua bán hàng trăm tàu chở hàng cũ, thông tin bên mua không được công khai.
Ông Rolf Thore Roppestad, Giám đốc điều hành Gard AS - Tổ chức bảo hiểm đội tàu chở hàng lỏng trên thế giới trước rủi ro bao gồm tràn dầu cho biết: “Thiệt hại trên tàu Pablo là thảm họa đồng thời là lời nhắc nhở về vấn đề chúng tôi đã cảnh báo từ lâu: Đội tàu "ma" là mối đe dọa nghiêm trọng tới tính mạng con người và môi trường biển”.
Hãng Bloomberg dẫn một số thông tin cho biết, dầu mỏ bị nghi tràn ra biển từ vụ nổ trên tàu Pablo đã lan tới tận bờ biển Indonesia.
“Điều khiến tôi lo ngại là những tàu này đi qua những tuyến vận tải đông đúc mỗi ngày nên khả năng xảy ra tai nạn tương tự là khá cao”, theo ông Roppestad.
Với giới chức Singapore - một trong những trung tâm vận tải hàng hải đông đúc nhất thế giới, vấn đề đặt ra là phải bảo đảm hoạt động vận tải dầu mỏ diễn ra thông suốt trong khi tránh những vụ việc tương tự như với tàu Pablo. Cơ quan Hàng hải và Cảng Singapore cho biết, chưa ghi nhận ảnh hưởng tới hoạt động vận tải biển sau sự việc trên.
Còn với tàu Pablo, vụ nổ đã khiến phần boong tàu hư hại nặng, không đủ an toàn để con người lên tàu. Do đó, một tuần sau khi sự việc xảy ra, tàu vẫn neo tại bờ biển Malaysia.
Thời gian tàu ở lại đây càng lâu thì càng nhấn mạnh nguy cơ về đội tàu "ma" già cỗi ngày càng đông.
“Điều đáng buồn là, chính các thủy thủ, gia đình họ và cộng đồng ven biển mới là bên phải trả giá cho tình trạng này”, theo ông Roppestad.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận