Đường bộ

Hiệp hội Vận tải kiến nghị không giao quản lý, cấp GPLX sang Bộ Công an

14/11/2020, 09:28

Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng quản lý đào tạo, sát hạch, cấp GPLX thuộc lĩnh vực dân sự, chuyển sang Bộ Công an quản lý không phù hợp.

img
Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng việc chuyển quản lý đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho Bộ Công an quản lý khó đảm bảo tính minh bạch - Ảnh minh họa

Tránh "vừa đá bóng vừa thổi còi"

Hiệp hội Vận tải ôtô VN vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội tham gia ý kiến trong quá trình xem xét Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).

Liên quan việc chuyển nhiệm vụ quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe (GPLX) từ Bộ GTVT sang Bộ Công an, Hiệp hội Vận tải ôtô VN nêu quan điểm đây là hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực dân sự, nếu chuyển sang cho Bộ Công an quản lý là không phù hợp.

Mặt khác, Hiệp hội Vận tải ôtô VN cũng phân tích nguyên tắc chế định trong pháp luật nước ta là cơ quan tổ chức thực thi và cơ quan kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm phải độc lập với nhau.

Với mô hình hiện nay, ngành GTVT quản lý còn ngành Công an kiểm tra, giám sát. Nếu có trường hợp sai phạm, tiêu cực thì công an xử lý. Theo Hiệp hội Vận tải ôtô VN, tổ chức quản lý như vậy đảm bảo nguyên tắc việc giám sát giữa các ngành, tránh hiện tượng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, dễ phát sinh tiêu cực.

“Trong trường hợp ngành Công an quản lý công tác này thì cơ quan nào có chức năng kiểm tra, giám sát việc đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe?”, Hiệp hội Vận tải ôtô nêu vấn đề.

Hơn nữa, tổ chức này lo ngại việc chuyển giao thẩm quyền cấp giấy phép lái xe cho lực lượng vũ trang sẽ tạo ra khó khăn khi công nhận và đổi giấy phép lái xe giữa các nước, vì hầu hết việc cấp giấy phép lái xe tại các quốc gia khác do các cơ quan quản lý Nhà nước thuộc lĩnh vực dân sự thực hiện.

Đặc biệt, Hiệp hội Vận tải ôtô VN cho rằng việc này sẽ tác động đến tổ chức bộ máy ngành GTVT và sẽ phát sinh lãng phí.

Theo đó, để thực hiện nhiệm vụ quản lý công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe, ngành GTVT đã xây dựng, đào tạo bộ máy quản lý từ cấp bộ, Tổng cục Đường bộ VN và 63 Sở GTVT. Đồng thời, không ngừng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý. Vì vậy, nếu chuyển nhiệm vụ này sẽ gây xáo trộn và lãng phí.

Phân tích chi phí về ngân sách, Hiệp hội Vận tải ôtô VN nhận định, thay đổi sang cơ quan công an quản lý, tiền chi từ ngân sách cho công tác này sẽ cao hơn nhiều so với ngành giao thông do tiền lương và các chế độ chính sách của lực lượng vũ trang cao hơn nhiều so với dân sự.

Đề xuất giữ nguyên không tách luật

Không đồng tình tách Luật Giao thông đường bộ thành Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, Hiệp hội Vận tải ô tô VN phân tích, trong quản lý hoạt động GTVT và giao thông đường bộ, đảm bảo hiệu quả và an toàn luôn là hai mục tiêu có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Nếu tách ra thành 2 luật sẽ thiếu sự đồng bộ, nhất quán, hài hòa khi xây dựng và ban hành các văn bản dưới luật.

Bên cạnh đó, Hiệp hội cho rằng hầu hết nội dung trong dự thảo Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ đã được quy định trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành. Trong khi báo cáo tổng kết thi hành Luật Giao thông đường bộ 2008 cho thấy, các nội dung của luật về cơ bản được triển khai có hiệu quả, không thấy có nội dung nào vướng mắc đến mức phải tách thành 2 luật.

“Luật Giao thông đường bộ là một trong các luật chuyên ngành GTVT, nếu tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 luật thì có cần tách các luật khác như Luật Đường thủy nội địa, Luật Đường sắt... thành 2 luật không?”, Hiệp hội Vận tải ôtô đặt vấn đề.

Với hàng loạt căn cứ đưa ra, Hiệp hội cho rằng không cần thiết và không thể tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành Luật Giao thông đường bộ và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ.

img
Hiệp hội Vận tải ô tô cho rằng việc tách Luật Giao thông đường bộ thành hai luật sẽ không đảm bảo tính đồng nhất - Ảnh minh họa

Đại biểu Quốc hội chung quan điểm

Trước đó tại các phiên thảo luận ở tổ ngày 11/11 về hai dự án Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và Luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ, nhiều đại biểu Quốc hội không đồng tình việc chuyển đổi cơ quan quản lý Nhà nước về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX từ Bộ GTVT sang Bộ Công an.

Đề cập đến việc chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX sang Bộ Công an quản lý, đại biểu Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội phân tích, đến thời điểm này, chúng ta phải thực hiện xã hội dân sự, việc gì xã hội làm được thì giao cho xã hội.

“Thời gian qua, công tác đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, Bộ GTVT đang làm tốt. Nếu chỉ vì có hiện tượng GPLX giả mà phải chuyển sang Bộ Công an, liệu có tốt hơn không? Đến tiền còn làm giả được, thì có chuyển việc in tiền sang cho công an làm? Vậy chứng minh thư làm giả như Bộ trưởng Công an đã nói, thì chuyển cho ai làm?”, đại biểu Sinh nói.

Cũng theo đại biểu Sinh, chúng ta đang xã hội hóa hàng trăm cơ sở đào tạo và sát hạch GPLX, giờ chuyển lĩnh vực này sang Bộ Công an quản lý, hàng nghìn nhân sự ngành giao thông đang làm công việc này chuyển sang có làm ngành công an tăng biên chế không? Chuyển đào tạo, sát hạch, cấp GPLX cơ giới đường bộ cho Bộ Công an, vậy cấp bằng tàu hỏa, máy bay, thì Bộ Công an có làm không?

"Đặc biệt, khi Bộ Công an quản lý sẽ tạo thành một quy trình khép kín, không minh bạch, khi xảy ra tiêu cực ai là người kiểm tra, xử lý", đại biểu Sinh nêu vấn đề.

Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (đoàn Sóc Trăng) cho rằng, với phương pháp luận xây dựng dự thảo luật Bảo đảm trật tự ATGT đường bộ này, sẽ theo kiểu chúng ta không tin ai cả, chỉ tin mỗi bản thân chúng ta làm tốt, các Bộ khác không làm tốt. Nếu vậy giáo viên đi dạy chất lượng kém, bằng giả nhiều, thì Bộ Công an cũng cấp cả bằng giáo viên hay sao?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.