Lãnh đạo VATA cho rằng cần nhìn nhận đúng bản chất của taxi công nghệ để quản lý đảm bảo công bằng, minh bạch - Ảnh minh họa |
Hiệp hội Vận tải ô tô VN (VATA) vừa có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc kiến nghị về xử lý những tồn tại trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Theo đó, lãnh đạo VATA đề nghị Chính phủ áp dụng phần mềm quản lý vận tải đối với cả 5 loại hình vận tải chứ không chỉ riêng 2 loại hình là xe hợp đồng và xe du lịch. Lý giải rõ hơn vấn đề này, VATA cho rằng, Luật GTĐB quy định có 5 loại hình vận tải. Thực tế đã chứng minh, do nước ta chưa áp dụng phần mềm quản lý vận tải tự động nên các lực lượng chức năng không thể kiểm tra, giám sát, xử lý được các vi phạm. Đồng thời, các doanh nghiệp vận tải và người lái xe cũng không tự giác chấp hành pháp luật, thậm chí có tình trạng tiêu cực, bảo kê cho vi phạm, hoạt động nhập nhèm nhằm thu lời bất chính, gây mất an toàn giao thông.
Vì thế theo VATA, Nghị định mới cần quy định việc ứng dụng nghệ phải được áp dụng cho cả 5 loại hình vận tải; quy định chuẩn về dữ liệu thông tin bắt buộc như lộ trình, chủng loại phương tiện, số lượng hành khách, người lái xe cũng như quy định việc chia sẻ dữ liệu với các cơ quan quản lý nhà nước nhằm chống tình trạng “xe dù, bến cóc”, vi phạm luật giao thông, gây mất ATGT và thất thu cho ngân sách Nhà nước.
Cũng theo lãnh đạo Hiệp hội vận tải ô tô VN, từ khi có loại hình taxi công nghệ, các doanh nghiệp taxi Việt Nam đã có những thay đổi, chuyển biến rất tích cực, mở rộng mạng lưới kinh doanh cả về quy mô, chất lượng dịch vụ để hội nhập và phát triển. Hiệp hội cũng cho rằng, trong khi các hãng taxi đang tự thay đổi để cạnh tranh thì các doanh nghiệp phần mềm công nghệ lợi dụng quyết định 24/QĐ-BGTVT, để vi phạm pháp luật.
Dẫn quan điểm của Viện Kiểm sát nhân dân TP.HCM, VATA cho rằng: “Loại hình taxi công nghệ không đơn thuần là đơn vị cung cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo đề án thí điểm. Thực tế, loại hình này đã lợi dụng đề án thí điểm để điều hành trọn vẹn một quy trình kinh doanh vận tải taxi.
Cụ thể, các doanh nghiệp phần mềm công nghệ tuyển tài xế, điều hành xe, chỉ định tài xế đón khách, quyết định giá cước và tăng giảm giá, thu tiền trực tiếp của khách vào tài khoản của các doanh nghiệp phần mền công nghệ; thực hiện chương trình khuyến mại có cả đi xe giá 0 đồng”. Đại diện Viện kiểm sát, cho rằng: “Đủ cơ sở xác định loại hình taxi công nghệ bản chất là Doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Đối chiếu các quy định của pháp luật, Grab đã vi phạm khoản 4, điều 17 Luật Doanh nghiệp 2014 là kê khai không trung thực, không chính xác nội dung hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và nội dung hồ sơ đăng ký, thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp.
Mặt khác, VATA cho rằng, hiện nay các doanh nghiệp taxi Việt Nam ưu tiên đầu tư cho chiến lược phát triến công nghệ, thu hút nhân tài, xây dựng được nhiều phần mềm quản lý vận tải có chiều sâu với nhiều tính năng tiên tiến. Nhưng do điều kiện kinh doanh khác nhau nên các doanh nghiệp vận tải Việt Nam khó lòng cạnh tranh sòng phẳng với Grab.
"Qua 3 năm thí điểm, Bộ GTVT đã thống nhất xác định các doanh nghiệp phần mềm hoạt động dưới dạng taxi công nghệ là loại hình taxi công nghệ chứ không phải xe hợp đồng điện tử. Chúng ta nên học tập kinh nghiệm quản lý loại hình mới này tại các nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật, Anh, Pháp, Đức cũng như theo đúng kết luận của Tòa án Công lý Châu Âu đây là loại hình taxi công nghệ", lãnh đạo VATA đề xuất và cho biết, taxi truyền thống không cố tình bảo thủ, không bằng mọi giá bảo vệ quyền lợi của riêng mình, mà rất muốn mọi việc phải thật sự khách quan, minh bạch, đúng pháp luật và hợp lý.
“Vì thế, rất mong Thủ tướng tổ chức một buổi đối thoại trực tiếp với tất cả các doanh nghiệp vận tải (trong đó có cả Grab), các chuyên gia giao thông vận tải và lãnh đạo bộ, cơ quan tư pháp, nhằm làm rõ những nội dung cần phải chỉnh sửa, để tránh tình trạng “chạy chính sách”, gây lộn xộn, thiệt hại cho Nhà nước và xã hội”, VATA kiến nghị.
Trước đó, Công ty Grab cũng đã có văn bản gửi tới Thủ tướng Chính phủ bày tỏ một số ý liên quan tới dự thảo thay thế Nghị định 86/2014. Theo đó, ông Lim Yen Hock, Giám đốc Công ty TNHH Grab cho rằng, với quy định trong dự tháo, có nghĩa là tất cả đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối và giao kết hợp đồng điện tử sẽ buộc phải trở thành các đơn vị kinh doanh vận tải. Những quy định này không chỉ đi ngược lại chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ về việc ứng dụng khoa học công nghệ và cải cách thủ tục hành chính, mà còn phủ nhận hoàn toàn những lợi ích và kết quả tích cực mà Đề án thí điểm xe hợp đồng ứng dụng hợp đồng điện tử đã mang lại.
Hãng này cũng cho biết, có nhiều ý kiến cho rằng Grab cạnh tranh không lành mạnh với taxi truyền thống. Tuy nhiên Grab khẳng định rất nhiều doanh nghiệp taxi đã thức thời và hiện đang hợp tác rất tốt với hãng, cũng như nhiều đơn vị cung cấp ứng dụng kết nối khác.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận