Bạn cần biết

Hiểu đúng về xạ trị chữa ung thư

21/08/2018, 09:57

Khi được chỉ định xạ trị, không ít bệnh nhân ung thư đã lắc đầu từ chối vì lo ngại những tác dụng phụ.

14

Với thiết bị hiện đại, tác dụng phụ khi xạ trị hiện đã giảm rất nhiều

Lo lắng tác dụng phụ do xạ trị

Đưa cậu con trai 6 tuổi mắc u thân não trở về sau khi sang Singapore điều trị không thành công, chị Nguyễn Hương G. (Định Công, Hoàng Mai, Hà Nội) lại tiếp tục cho con thăm khám ở Bệnh viện K Trung ương. Tại đây bác sĩ chỉ định con trai chị phải xạ trị. “Gia đình tôi đang cân nhắc vì tôi nghe có nhiều tác dụng phụ khi xạ trị, bởi hiện cháu đã hay đau đầu, buồn nôn và khó ăn, giờ thêm xạ trị không biết cháu có chịu được không”, chị G. lo lắng cho biết. Đây cũng là nỗi lo lắng của không ít bệnh nhân ung thư khi được chỉ định xạ trị.

Theo GS.TS Nguyễn Bá Đức, nguyên Giám đốc Bệnh viện K Trung ương, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, điều trị bệnh ung thư là điều trị đa mô thức, có sự kết hợp chặt chẽ của phẫu thuật, hóa chất và xạ trị, tùy thuộc vào loại bệnh ung thư và giai đoạn bệnh ung thư. Và tùy trường hợp mà các bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể, chứ không có cách riêng biệt điều trị được hết bệnh. Phương pháp nào cũng có tác dụng phụ, tuy nhiên không quá nghiêm trọng. Ví dụ như phẫu thuật cũng bị đau, chảy máu, lâu bình phục. Xạ trị cũng vậy, sử dụng tia phóng xạ có thể là tia gamma, tia photon,... khi chiếu vào cơ thể, các nhà y học đã tính toán dùng tia xạ đó vào vùng khối u hay vùng có hạch di căn để diệt tế bào ung thư. Như thế nó cũng sẽ có tác dụng phụ, ví như toàn cơ thể cũng sẽ ít nhiều mệt mỏi. Với mỗi vùng chiếu sẽ có những tác dụng phụ khác nhau (vùng đầu cổ khác với vùng bụng).

Ông Đức cho biết thêm: “Thông thường, tác dụng phụ sau xạ trị giảm dần và hết chứ không kéo dài hết đời như nhiều người vẫn nghĩ. Ví như, sạm da sau 3-6 tháng là hết. Hoặc tác dụng phụ như mệt mỏi, chán ăn, rối loạn tiêu hóa sau xạ trị ngừng là hết. Hiện nay với máy móc hiện đại, các thầy thuốc đã làm giảm rất nhiều tác dụng phụ”.

Theo khuyến cáo của ông Đức, để giảm tác dụng phụ không mong muốn của xạ trị, các bác sĩ phải hướng dẫn người bệnh trong quá trình xạ trị, chẳng hạn như phải bỏ các phụ kiện bằng kim loại vì làm hấp thụ thêm nặng phần xạ trị. Ngoài ra, hướng dẫn người bệnh dùng thuốc, đảm bảo sử dụng trúng đích các tế bào ung thư, chia nhiều liệu trình xạ trị tránh tổn thương tế bào lành. Người bệnh cần tin tưởng bác sĩ điều trị, cần ăn uống đủ chất để có sức khỏe trong quá trình điều trị.

Còn theo GS.TS Lê Thị Hương, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng, Bệnh viện K Trung ương, chế độ dinh dưỡng rất quan trọng đối với các bệnh nhân ung thư. Trước khi xạ trị bệnh nhân cũng cần chuẩn bị tinh thần và bồi dưỡng cho cơ thể, cần ăn uống đầy đủ các thực phẩm giàu vitamin. Trước mỗi lần xạ trị, bệnh nhân cần ăn nhẹ, uống sữa, trái cây. Sau đó cũng cần ăn các loại thức ăn nhẹ mềm, lỏng, ăn tăng các chất đạm, rau xanh, trái cây và chất béo. “Sau xạ trị, người bệnh sẽ mệt, khó ăn nhưng cần tìm cách khuyến khích bệnh nhân ăn đủ chất. Ưu tiên với bệnh nhân là các thực phẩm có giá trị cao về dinh dưỡng như: sữa, trứng, cá, thịt…”, bà Hương lưu ý.

Có vaccine chống ung thư hay không?

Ước tính, mỗi năm tại Việt Nam có khoảng 126.000 ca mắc ung thư mới và 94.000 ca tử vong do ung thư. Có khoảng 50-60% bệnh nhân ung thư được chỉ định điều trị xạ trị. “Nhiều người bệnh có quan điểm lệch lạc “ung thư là dấu chấm hết” nên từ chối điều trị ngay từ đầu. Đã bị ung thư rồi thì cần tuân thủ điều trị, cần tầm soát sớm bệnh chứ đừng tham công tiếc việc khám muộn sẽ điều trị khó khăn. Vì phát hiện sớm điều trị đơn giản và tỷ lệ thành công rất lớn. Khi bị bệnh cần chia sẻ chứ không nên giấu bệnh và tập trung nguồn lực kinh tế, sức khỏe, dinh dưỡng, luyện tập để được điều trị hiệu quả nhất”, ông Đức lưu ý.

Trước thông tin nhiều người bệnh ung thư đang rỉ tai nhau về “loại vaccine chống ung thư” do Mỹ chế tạo thành công “chỉ một mũi tiêm đã có thể khiến tất cả các tế bào ung thư trên cơ thể biến mất“, ông Đức khẳng định: “Không có vaccine nào phòng được tất cả các bệnh ung thư. Vaccine là cơ chế kháng nguyên kháng thể để sinh ra miễn dịch. Kháng nguyên này đi theo con đường khác nhau thì sinh ra kháng thể khác nhau nên không thể có vaccine phòng được tất cả các bệnh ung thư”.

Ông Đức cho biết thêm: “Vaccine phòng ung thư theo tôi được biết đang ở giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Tuy nhiên thử nghiệm ở trên vật không thể giống như người. Trung bình một năm hàng nghìn nghiên cứu nhưng tỷ lệ thành công rất nhỏ, vì vậy đừng tin và mừng vội”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.