Anh Nguyễn Huy Quang từng được các tình nguyện viên tại điểm sơ, cấp cứu đặt trên đường Quang Trung (quận Hà Đông, Hà Nội) trợ giúp khi không may bị TNGT.
"Hôm đó, trời nhập nhoạng tối, lại mưa, đường trơn nên xe tôi va chạm mạnh với một xe cùng chiều. May mắn được các anh, chị cầm máu, nẹp cố định cánh tay bị gãy trước khi đưa đến bệnh viện nên kết quả điều trị sau đó nhanh hồi phục hơn", anh Quang cho biết.
Những năm qua, các cấp Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội đã xây dựng mạng lưới trạm, điểm sơ, cấp cứu. Các điểm này được trang bị thuốc men, dụng cụ y tế thiết yếu, có người ứng trực thường xuyên. Cũng nhờ vậy, nhiều nạn nhân bị tai nạn thương tích, trong đó có TNGT được hỗ trợ kịp thời.
Không chỉ trực tiếp tham gia hoạt động sơ cứu, Hội Chữ thập đỏ các cấp ở Hà Nội còn tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, tập huấn kiến thức sơ, cấp cứu tới nhiều tầng lớp nhân dân, thanh, thiếu niên, học sinh trong các trường học trên địa bàn. Đồng thời xây dựng mạng lưới cộng tác viên có chứng chỉ sơ, cấp cứu đạt chuẩn, sẵn sàng tham gia ứng cứu khi cần thiết.
Bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, hiện nay, các cấp Hội Chữ thập đỏ các địa phương trên toàn quốc đã đào tạo được gần 300 tập huấn viên, hướng dẫn viên sơ, cấp cứu đạt chuẩn. Đây là lực lượng cán bộ nòng cốt tham gia huấn luyện sơ cấp cứu cho tình nguyện viên làm việc tại hơn 500 trạm, điểm sơ, cấp cứu và cho những người thường xuyên hoạt động tại những khu vực hay xảy ra TNGT (người lái xe taxi, xe ôm...).
Việc tập huấn sơ, cấp cứu cho đối tượng học sinh trong trường học, người dân sinh sống tại các địa bàn có nguy cơ cao xảy ra tai nạn cũng được các cấp Hội Chữ thập đỏ quan tâm. Từ năm 2017 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức huấn luyện cho gần 1 triệu lượt người, truyền thông phổ biến kiến thức cho khoảng 3 triệu lượt người.
Ngoài ra, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã xây dựng, ban hành bộ tài liệu huấn luyện sơ, cấp cứu cho tập huấn viên, hướng dẫn viên, tình nguyện viên và người dân tại cộng đồng…
Với sự góp mặt của các tình nguyện viên của hệ thống sơ cấp cứu cộng đồng của các cấp Hội chữ thập Đỏ, hàng ngàn nạn nhân TNGT đã được hỗ trợ sơ cứu thành công, giúp giảm gánh nặng về chấn thương cũng như thiệt hại về kinh tế nhờ giảm thời gian điều trị.
Bà Hòa cho biết thêm, tai nạn thương tích là vấn đề y tế công cộng mang tính toàn cầu, chiếm 16% gánh nặng bệnh tật trên toàn thế giới. Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm, các tổ chức ghi nhận hơn 5 triệu người tử vong và 10 triệu người tàn tật do tai nạn thương tích.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế), số người bị thương tích trung bình mỗi năm là hơn 1,1 triệu trường hợp, trong đó khoảng 300.000 trường hợp là trẻ em và vị thành niên từ 0 đến dưới 18 tuổi. Số người tử vong vì thương tích trung bình là 33.500 người mỗi năm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận