Thực hiện đề án “Đô thị thông minh” sẽ mang đến cho người dân thành phố chất lượng cuộc sống tốt hơn |
Dùng điện thoại xem đường trước khi đi
Khoảng 15h chiều 12/4, anh Trần Chí Dũng chuẩn bị lái ô tô từ quận 7 về Thủ Đức có việc gấp cho công ty. Việc đầu tiên anh Dũng làm là mở điện thoại xem tình hình đường sá. Trên giao diện phần mềm “Thông tin giao thông TP.HCM” hiện rõ các tuyến đường có những vạch màu đỏ, dấu hiệu của kẹt xe. Ngay lúc đó, anh nhận được tin nhắn từ phần mềm này cập nhật, cho biết cầu Phú Mỹ hướng từ quận 7 sang quận 2 đang ùn tắc, xe xếp hàng nối dài trên cầu. Anh Dũng quyết định chuyển hướng qua quận 1 theo đường Võ Văn Kiệt qua hầm sông Sài Gòn để đi cho thuận tiện.
Chị Châu Thị Mừng đang lái ô tô từ Bình Tân theo đường Võ Văn Kiệt để ra cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đi Vũng Tàu thì thấy ô tô chuẩn bị hết xăng. Xác định trên lộ trình này gần như không có cây xăng nào để đổ, chị Châu vào phần mềm “Thông tin giao thông TP.HCM” trên điện thoại để dò tìm trạm. Phần mềm hiển thị thông tin cho thấy, đường Nguyễn Văn Cừ (Q.5) có 2 cây xăng gần nhất nên chị cho xe rẽ trái vào đổ xăng. “Như một thói quen, cứ lên ô tô, trước khi chuyển bánh là mình mở điện thoại xem trước các thông tin giao thông, các khu vực có biển báo, tuyến đường cấm… để hành trình được thuận tiện hơn”, chị Châu cho biết.
Nếu như hiện nay hành khách đi xe buýt phải sử dụng vé lượt bằng giấy thì trong những năm tới tất cả đều sử dụng thẻ từ thông minh. Ông Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành vận tải hành khách công cộng TP.HCM cho biết, đang tiến hành các thủ tục đấu thầu lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ thẻ từ thông minh, kết hợp sử dụng chung cho xe buýt và cả metro sau này.
Đòn bẩy để TP.HCM phát triển vượt bậc
Ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM cho biết, không phải đợi đến khi thành phố triển khai đề án xây dựng “Đô thị thông minh” mà từ mấy năm qua, ngành GTVT đã triển khai các giải pháp ứng dụng CNTT. Ngay như trong lĩnh vực xử phạt VPHC về chở quá tải, ngành giao thông thành phố cũng đi đầu khi triển khai 4 trạm cân tự động tại các cửa ngõ và các cảng. Kết quả cho thấy, tình trạng chở quá tải ra - vào cảng gần như được kiểm soát chặt chẽ. “Sắp tới, ngành giao thông sẽ tiếp tục ứng dụng CNTT vào việc quản lý bãi đỗ xe, giúp tài xế chọn được vị trí đỗ xe ở trung tâm, quản lý chặt nguồn thu từ các bãi đỗ xe này”, ông Cường cho hay.
Ở lĩnh vực Y tế, hiện nay, người dân mỗi lúc gọi điện đến bệnh viện để đặt lịch khám bệnh, chỉ cần đọc tên là nhân viên đã biết địa chỉ, ngày tháng năm sinh và các thông tin về bệnh lý đã khám trước đây. Bởi, tất cả những thông tin liên quan đến bệnh nhân đều được các bệnh viện lưu để theo dõi tình hình bệnh lý. Thành phố đang hướng đến xây dựng bệnh án điện tử để người dân có thể truy cập bằng thiết bị điện thoại di động để xem, lưu trữ và chia sẻ với đội ngũ chăm sóc y tế. Người bệnh không phải tìm lại các kết quả xét nghiệm, bác sĩ không mất thời gian tra cứu thông tin của người bệnh từ các hồ sơ. Chất lượng khám chữa bệnh sẽ được nâng cao, các sai sót y khoa cũng sẽ được hạn chế.
Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, chị Nguyễn Thị Quỳnh (Q.8) mỗi lần đi mua thịt heo tại các chợ đều có thói quen lấy điện thoại ra để quét mã vạch được gắn trên miếng thịt. Điện thoại sẽ hiển thị các thông tin về nguồn gốc thực phẩm được cung cấp từ đơn vị nào, chất lượng ra sao. “Thực phẩm ngoài chợ hiện nay rất bát nháo nên cứ quét mã dò nguồn gốc cho ăn chắc về chất lượng”, chị Quỳnh cho biết.
Ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, việc triển khai đề án “Đô thị thông minh” sẽ hướng đến việc đảm bảo môi trường sống cho người dân được thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn hơn. Sắp tới, người dân không còn phải photo nhiều giấy tờ như CMND, hộ khẩu, điền tay và thực hiện các thủ tục khi làm việc với các cơ quan chức năng, thay vào đó thông tin cá nhân đã được số hóa và quản lý tập trung.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM đánh giá, việc thành phố triển khai đề án “Đô thị thông minh” trong cùng thời điểm Quốc hội có Nghị quyết 54 cho phép thành phố triển khai cơ chế đặc thù sẽ tạo cho thành phố cơ hội mới, chủ động hơn, năng động hơn để thực hiện đề án này một cách nhanh hơn, tốt hơn. “Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là làn gió mới thu hút đầu tư, tạo ra những giá trị gia tăng cho nền kinh tế. Ngoài những tiện ích mang lại trực tiếp cho người dân, đề án “Đô thị thông minh” khi triển khai vào thực tế sẽ là đón bẩy để phát triển kinh tế thành phố toàn diện và vượt bậc hơn”, ông Phong nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận