Giải ngân cao hơn năm ngoái
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, ước giải ngân vốn đầu tư công cả nước tính đến 30/6/2023 đạt gần 216 nghìn tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (27,75%), số tuyệt đối cao hơn khoảng 65 nghìn tỷ đồng.
Bộ GTVT chỉ đạo làm xuyên đêm để hoàn thanh các tuyến cao tốc Bắc - Nam
Có 6 bộ, cơ quan trung ương và 26 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 35% kế hoạch, như: ngân hàng phát triển Việt Nam (100%), ngân hàng Chính sách xã hội (43,49%), Tiền Giang (56,65%), Đồng Tháp (53,26%), Long An (53,11%), Thành phố Hải Phòng (52,04%)…
Điểm nổi bật và khác biệt so với mọi năm là con số kế hoạch cần giải ngân năm nay rất lớn, cao hơn tới 33% so với năm 2022 và gấp đôi mức bình quân cả giai đoạn 2016-2020. Bởi vậy, kết quả hiện nay đã góp phần là nguồn lực đòn bẩy cho nền kinh tế.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) nhận định, nguồn vốn đầu tư công được giải ngân đẩy một lượng vốn lớn ra nền kinh tế, góp phần hỗ trợ thanh khoản. Giải ngân đầu tư công được xác định là một trong những động lực quan trọng cho tăng trưởng.
Đóng góp lớn từ Bộ GTVT
Báo cáo từ Bộ Tài chính cho thấy, 6 tháng đầu năm, dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 ước giải ngân gần 20.700 tỷ đồng, đạt gần 46% kế hoạch vốn được giao của năm nay. Nhờ các giải pháp tháo gỡ vướng mắc về giải phóng mặt bằng và vật liệu xây dựng, tiến độ giải ngân của dự án đã đạt kết quả tích cực.
Riêng các dự án trọng điểm, dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đạt tỷ lệ giải ngân 54,5% tổng kế hoạch được giao.
Bộ GTVT được giao hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023
Bộ GTVT được giao hơn 95.000 tỷ đồng vốn đầu tư công trong năm 2023. Tính đến hết quý II, con số giải ngân đã đạt gần 36.000 tỷ đồng, bằng hơn 37% kế hoạch năm, cao hơn mức trung bình chung của cả nước. Đáng chú ý, xét về giá trị giải ngân đã đạt gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Do đó, kết quả từ Bộ GTVT, với đặc thù lượng vốn giải ngân lớn nhất trong các bộ, ngành, bao gồm các dự án trọng điểm quốc gia như cao tốc Bắc - Nam, đã đóng góp lớn vào tiến độ chung của cả nước.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn 45 bộ, cơ quan trung ương và 28 địa phương giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Do đó, trong thời gian tới, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thúc đẩy thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy nhanh tiến độ công tác thanh, quyết toán, kiểm soát chi.
Đồng thời, tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc, thủ tục liên quan đến khai thác mỏ vật liệu xây dựng phục vụ các công trình giao thông trọng điểm; thường xuyên rà soát, bổ sung hệ thống định mức và giá xây dựng, tập trung cho định mức giá xây dựng chủ yếu, có ảnh hưởng lớn đến chi phí đầu tư xây dựng, suất vốn đầu tư, đơn giá tổng hợp.
Để thúc đẩy giải ngân năm nay, ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 235 thành lập 5 tổ công tác để đôn đốc thúc đẩy giải ngân đầu tư công, với 3 đoàn do 3 Phó Thủ tướng và 2 đoàn do Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm tổ trưởng. Ngay trong tháng 5, Thủ tướng cũng đã đề nghị 25 thành viên Chính phủ thực hiện đi đôn đốc, thúc đẩy giải ngân vốn và sản xuất kinh doanh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận