Ngày 22/1, UBND tỉnh Hoà Bình tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng phê duyệt, trong đó ưu tiên phát triển cao tốc kết nối vùng Tây Bắc
Phát triển mạng lưới giao thông vận tải
Theo quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, Hoà Bình đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng giao thông nội vùng và liên vùng, kết nối với các tỉnh lân cận thuộc vùng Tây Bắc và Hà Nội; đẩy nhanh tiến độ đầu tư các công trình, dự án động lực, trọng điểm tạo điều kiện thuận lợi để phát triển thương mại, du lịch, công nghiệp, đảm bảo tốt vai trò là trung tâm kết nối Hà Nội với vùng Tây Bắc
Theo phương án phát triển mạng lưới giao thông vận tải tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 sẽ xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối liên hoàn với hệ thống giao thông quốc gia, vùng và nội tỉnh, tạo thành một mạng lưới giao thông thông suốt, hiệu quả.
Trong đó, đầu tư, nâng cấp hai tuyến cao tốc đoạn qua địa phận tỉnh Hòa Bình gồm: Cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT02), đoạn từ xã Hoà Sơn, huyện Lương Sơn đến chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn có chiều dài dự kiến 35,4km với 6 làn xe và đoạn từ chợ Bến, xã Thanh Cao, huyện Lương Sơn đến xã Ân Nghĩa, huyện Lạc Sơn (giáp ranh Thanh Hoá) có chiều dài dự kiến 49,6km với 4 làn xe.
Cao tốc Hà Nội - Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên (CT03), đoạn từ xã Quang Tiến, TP Hoà Bình (giáp ranh Hà Nội) đến phường Trung Minh, TP Hòa Bình có chiều dài dự kiến 16,87km với 6 làn xe (có dự trữ quỹ đất 2 bên đường để xây dựng hệ thống đường bên và đường sắt liên vùng) và đoạn từ phường Kỳ Sơn, TP Hòa Bình đến xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu có chiều dài dự kiến 53km với 4 làn xe.
Đầu tư, nâng cấp 9 tuyến quốc lộ với tổng chiều dài 522km đa số quy mô đạt cấp IV, 2 - 6 làn xe gồm: QL6, QL12B, QL21, QL21C, QL6D, QL32D, QL37C, QL15, QL70B và các tuyến tránh quốc lộ. Có 26 đường tỉnh với quy mô kỹ thuật tối thiểu đạt cấp V. Tiếp tục duy trì 100% các tuyến đường huyện đã được bê tông hóa, nhựa hóa.
Xây dựng hệ thống giao thông đô thị, các tuyến kết nối với các khu, cụm công nghiệp, khu du lịch và các tuyến liên kết giữa các huyện thực hiện theo quy hoạch chung đô thị và quy hoạch xây dựng vùng huyện được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt từ 16% đến 26%.
Về đường thủy nội địa, phát triển một hành lang vận tải thủy quốc gia đi qua địa bàn tỉnh Hòa Bình (hành lang Hà Nội – Việt Trì – Lào Cai); hai tuyến đường thủy nội địa quốc gia gồm: Tuyến đường thủy vùng hồ Thủy điện Hòa Bình – Sơn La – Hòa Bình; Tuyến Việt Trì – Hòa Bình và 8 tuyến vận tải đường thủy nội địa địa phương.
Ông Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Hòa Bình có vị trí chiến lược, nằm ở vị trí cửa ngõ của vùng Tây Bắc, tiếp giáp với thủ đô Hà Nội về phía Đông, là cực tăng trưởng của tiểu vùng phía Tây gồm Hòa Bình - Sơn La - Điện Biên thuộc Vùng Trung du, miền núi phía Bắc.
Với nhiều tiềm năng, lợi thế, nguồn lực phong phú là điều kiện, tiền đề để Hòa Bình bước vào thời kỳ phát triển mới, tạo sự bứt phá vươn lên trở thành tỉnh có trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du, miền núi phía Bắc.
Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và người dân, doanh nghiệp, tỉnh Hòa Bình đã đạt nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực; tiềm năng, lợi thế của tỉnh từng bước được phát huy.
Xây dựng Hoà Bình dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc
Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng trên cơ sở kế thừa những thành tựu quan trọng của giai đoạn trước, kết quả phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay phù hợp với định hướng, tầm nhìn phát triển của đất nước, tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thực hiện mục tiêu tổng quát là tỉnh Hòa Bình đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng Trung du và miền núi phía Bắc, có nguồn nhân lực chất lượng cao, hoàn thành mục tiêu chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực, năng lực cạnh tranh của tỉnh thuộc tốp khá của cả nước.
Kinh tế phát triển với công nghiệp là động lực, du lịch là mũi nhọn, nông nghiệp sản xuất hàng hóa, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ là nền tảng, gắn kết với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại và hệ thống đô thị xanh, thông minh.
Bám sát 7 quan điểm phát triển, với quan điểm xuyên suốt là: Phát triển bao trùm, hài hòa; kinh tế phát triển nhanh và bền vững trên cơ sở phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế liền kề với thành phố Hà Nội, nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội, đồng thời là cửa ngõ kết nối Hà Nội với tiểu vùng Tây Bắc.
Tập trung vào bốn trụ cột bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo, Nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, Du lịch, và Nhà ở vệ tinh gắn với giữ gìn bản sắc và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội, cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân.
Các phương án, định hướng phát triển và giải pháp thực hiện quy hoạch tỉnh Hòa Bình hướng đến mục tiêu phát triển 2 vùng động lực tăng trưởng kinh tế là thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và phát triển đa cực các đô thị là cầu nối giữa Thủ đô Hà Nội và vùng Trung du và miền núi phía Bắc.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đánh giá cao những nỗ lực của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Hòa Bình thời gian qua, đồng thời khẳng định Hoà Bình hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế và cơ hội để biến mục tiêu đến năm 2030 đạt trình độ phát triển khá, có mức thu nhập bình quân thuộc nhóm dẫn đầu vùng trung du và miền núi phía Bắc thành hiện thực.
Hoà Bình cần chuẩn bị chu đáo và triển khai nhanh các dự án trọng điểm về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông kết nối. Đây là điều kiện để các nhà đầu tư, du khách đến với tỉnh Hòa Bình, triển khai mạnh mẽ phát triển du lịch, trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa, tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận