Ai bảo vệ người bị bạo lực mạng?
Chiều 7/11, tại phiên thảo luận, đại biểu Tô Thị Bích Châu (đoàn TP.HCM) đặt câu hỏi, gửi tới Thủ tướng về vấn đề bạo lực mạng: "Giải pháp nào để bảo vệ cá nhân, tổ chức khi bị cộng đồng mạng bạo hành?".
Bà Châu lấy hai ví dụ là Hoa hậu Ý Nhi và phim "Đất rừng phương Nam" và cho rằng hai trường hợp này bị bạo lực mạng với mức độ "đập cho chết".
Bà Châu hỏi: "Ai sẽ bảo vệ họ và bảo vệ như thế nào, hay phải chờ họ kiến nghị làm đơn?"
Liên quan tới câu hỏi này, có hai Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trả lời.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết hiện nay việc quản lý mạng xã hội sẽ được sửa đổi trong Nghị định 72 dự kiến được Chính phủ ký ban hành trong cuối năm nay.
Đây là nghị định căn bản để quản lý các mạng xã hội, trong đó có việc xử lý trường hợp xâm hại đời tư.
Bộ trưởng khẳng định, sau khi có thể chế, cần có thiết chế để hỗ trợ người dân. Bộ Thông tin và Truyền thông đã thành lập trung tâm xử lý tin giả quốc gia, nhưng để sâu hơn cần thành lập các trung tâm xử lý tại từng tỉnh để hỗ trợ người dân.
Ngoài ra, theo ông Hùng, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc xâm hại mang tính trọng tâm như vụ bà Phương Hằng. Cách xử lý như vậy mang tính răn đe rất cao.
Đồng thời, cần có phương án căn cơ đó là xây dựng văn hóa số.
Clip: Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời chất vấn.
"Chúng ta sống trong xã hội thực hàng nghìn năm mà vẫn còn nhiều vấn đề huống chi mới di chuyển lên không gian mạng khoảng 20 năm" - ông Hùng giải thích và cho rằng cần đưa xây dựng văn hóa ứng xử trên không gian mạng vào chương trình đào tạo phổ thông, lồng ghép với chương trình công nghệ thông tin.
Ngoài ra, Bộ cũng hình thành nền tảng đào tạo kỹ năng số cơ bản cho người dân để vừa tự bảo vệ mình, vừa tăng sức đề kháng, biết cách ứng xử.
"Nền tảng này là toàn dân, mới ra chưa được một năm, số lượng người vào học, lấy kỹ năng là khoảng hơn 20 triệu" - ông Hùng nói và đánh giá đây cũng là hình thức rất tốt.
Đặc biệt, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông nhấn mạnh giải pháp truyền thông để người dân biết về những tệ nạn, hiện tượng xấu, bạo hành, xâm hại trên mạng xã hội để biết cách xử lý và tránh.
Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng ông cho biết trách nhiệm chính trong quản lý không gian mạng thuộc về Bộ Thông tin và Truyền thông.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịchcũng phối hợp chặt chẽ với bộ này để ngăn chặn thông tin xấu độc ảnh hưởng đến văn hóa thuần phong mỹ tục, đồng thời xem xét xử lý vi phạm.
Ở góc độ khác, về tác động của văn nghệ sĩ, bộ đã ban hành quy tắc ứng xử của đội ngũ làm công tác nghệ thuật, hướng dẫn về mặt đạo đức để tổ chức thực hiện.
Phim "Đất rừng phương Nam" không vi phạm pháp luật điện ảnh
Riêng về nội dung liên quan đến phim "Đất rừng phương Nam", theo quy định Luật Điện ảnh, Hội đồng thẩm định phim đã họp, xem xét và cấp phép hoạt động.
Theo đánh giá của hội đồng, bộ phim này không vi phạm pháp luật điện ảnh.
"Còn chuyện một số ý kiến dư luận cho rằng phim có biểu hiện này, biểu hiện khác thì đó là những dư luận chưa thật chuẩn xác. Cần xem xét nếu có vấn đề xúc phạm bôi xấu, thì sẽ xử lý theo các quy định hiện hành" – ông Hùng nói.
Bộ phim "Đất rừng phương Nam" do Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film), Công ty Cổ phần phim Thiên Ngân, Công ty Cổ phần Galaxy Play và Công ty TNHH Trấn Thành Town sản xuất năm 2023.
Thời gian đầu, bộ phim gây ra nhiều dư luận sôi nổi. Bộ phim nhận được nhiều lời khen ngợi, nhưng cũng có không ít tiếng chê. Trong đó, có ý kiến cho rằng phim "Đất rừng phương Nam" được cài cắm một số chi tiết dễ gây những liên tưởng không hay, chẳng hạn như tên gọi Thiên Địa Hội hay Nghĩa Hòa Đoàn (liên tưởng tới Thiên Địa Hội và Nghĩa Hòa Đoàn từ thời nhà Thanh Trung Quốc).
Sau ý kiến từ dư luận, phía đoàn phim cho biết sẽ thay đổi phần thoại trong phim từ Nghĩa Hòa Đoàn thành Nam Hòa Đoàn và Thiên Địa Hội thành Chính Nghĩa Hội.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận