Văn phòng Chính phủ vừa ban hành Thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo tại cuộc họp lần thứ nhất Ban chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia trọng điểm ngành GTVT.
Ước tính, khối lượng vật liệu cát phục vụ thi công các dự án đường bộ cao tốc khu vực ĐBSCL mới chỉ đáp ứng khoảng 20 - 30% so với nhu cầu - Ảnh minh họa
Tại buổi họp, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến vấn đề bố trí, chuẩn bị mỏ vật liệu để triển khai các dự án đường bộ cao tốc, nhất là các dự án khu vực ĐBSCL.
Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên - Môi trường lập đoàn kiểm tra công tác cấp phép, khai thác các mỏ vật liệu xây dựng và báo cáo Ban chỉ đạo, Thủ tướng kết quả thực hiện trong tháng 8/2022. Trường hợp phát hiện các sai phạm, thu hồi ngay giấy phép và đề xuất xử lý trách nhiệm theo quy định.
Cùng trong tháng 8/2022, các tỉnh Đồng Tháp, An Giang được giao phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát tổng thể các mỏ cát trong khu vực để có kế hoạch nâng công suất các mỏ đang khai thác, bổ sung các mỏ mới để đảm bảo nguồn cung cho các dự án đường bộ cao tốc tại khu vực ĐBSCL.
Tìm hiểu của PV, giai đoạn 2021 - 2025, 4 dự án đường bộ cao tốc sẽ được triển khai đồng loạt tại khu vực ĐBSCL, gồm: cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Mỹ An - Cao Lãnh và An Hữu - Cao Lãnh.
Theo tính toán, nhu cầu cát đắp nền các dự án này ước khoảng hơn 35,6 triệu m3. Trong đó, tại dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau (gồm hai dự án thành phần Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau thuộc dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2) cần khoảng 15 triệu m3.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cần hơn 17,8 triệu m3; Dự án Mỹ An - Cao Lãnh cần hơn 1,4 triệu m3 và cao tốc An Hữu - Cao Lãnh cần hơn 1,3 triệu m3.
Đáng nói, theo nghiên cứu, ở khu vực ĐBSCL hiện chỉ có thể sử dụng cát sông để thi công nền đường. Nguồn mỏ cát sông chủ yếu ở các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp và một số ít ở Tiền Giang, Vĩnh Long.
Tổng trữ lượng cấp phép các mỏ cát đang khai thác tại khu vực Vĩnh Long, Đồng Tháp, An Giang là hơn 5,6 triệu m3. Sản lượng khai thác hàng năm có thể cung cấp cho các dự án khoảng 1,9 triệu m3/năm. Nếu không sớm có giải pháp, nguy cơ thiếu vật liệu cát đắp thi công các tuyến cao tốc khu vực ĐBSCL là khó tránh.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận