Hồ sơ tài liệu

Hoạt động mới của Trung Quốc trên Biển Đông

18/03/2016, 19:24

Hải quân Mỹ hôm qua (17/3) đã phát hiện các hoạt động mới của Trung Quốc trên biển Đông.

download
Hoạt động bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên biển Đông khiến nhiều nước trong khu vực quan ngại. (Ảnh: Reuters)

Reuters dẫn lời Tư lệnh Hải quân Mỹ, Đô đốc John Richardson cho biết,Trung Quốc đã có một số hoạt động mới quanh khu vực rạn san hô mà Trung Quốc chiếm đóng gần 4 năm trước. Đây có thể là tiền đề để Trung Quốc mở rộng vùng tranh chấp lãnh thổ trên biển Đông.

Đô đốc Richardson còn bày tỏ lo ngại về việc rằng phán quyết của Tòa án quốc tế trước tranh chấp chủ quyền biển Đông giữa Philippines và Trung Quốc có thể châm ngòi cho tuyên bố của Bắc Kinh về một “vùng cấm” trên tuyến đường thương mại sầm uất này.

Người đứng đầu lực lượng Hải quân Mỹ cho biết thêm, Mỹ đã sẵn sàng để phản ứng với những động thái như vậy.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền hầu hết biển Đông, nơi có trị giá thương mại toàn cầu lên tới 5 nghìn tỷ USD/1 năm. Các quốc gia trong đó có Việt Nam, Malaysia, Brunei, Philippines cũng tuyên bố chủ quyền với vùng biển này.

Các hoạt động mới của Trung Quốc diễn ra xung quanh bãi cạn Scarbourough, phía bắc quần đảo Trường Sa của Việt Nam và cách khoảng 125 dặm (tương đương 200km) về phía tây Vịnh Subic của Philippines.

Richardson nói rằng hiện chưa có bằng chứng xác thực liệu các hoạt động gần rạn san hô, mà Trung Quốc chiếm năm 2012 có liên quan đến các phán quyết của Tòa án trọng tài hay không. “Dường như  Trung Quốc đang tiến hành số hoạt động bề mặt và khảo sát. Đó là một khu vực đáng lưu tâm ... rất có thể nó sẽ là khu vực tiếp theo Trung Quốc dùng để mở rộng chủ quyền", ông Richardson nói.

Khi được hỏi về những tuyên bố trên của Tư lệnh Hải quân Mỹ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng trắng trợn cho rằng đây là những lời giả dối.

Hiện Bộ Ngoại giao Philippines vẫn chưa nhận được thông tin về các hoạt động của Trung Quốc ở bãi cạn Scarborough, theo Reuters. Một quan chức quân đội Philippines đã từ chối bình luận về thông tin trên. Vị này chỉ cho biết: “Trên thực tế, Trung Quốc đã có mặt ở đây từ năm 2012, họ luôn có từ 2-3 tàu ở đó. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục theo dõi các động thái của Trung Quốc”.

Theo Tư lệnh Hải quân Mỹ, tham vọng mở rộng lãnh thổ biển Đông của Bắc Kinh – bao gồm các hoạt động cải tạo đất quy mô lớn để tạo ra các hòn đảo nhân tạo của Trung Quốc trong khu vực quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam đe dọa quyền tự do đi lại. Bắc Kinh có thể sẽ thiết lập hệ thống các "quy tắc" mới buộc các nước phải xin phép trước khi quá cảnh những vùng biển này. Đó là một hiểm họa thực sự đối với tuyến đường thương mại quốc tế qua biển Đông.

Khi được hỏi liệu Trung Quốc có thể phản ứng lại với các phán quyết của tòa án trọng tài ở The Hague bằng cách thiết lập vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ) như quốc gia này từng làm vào năm 2013, trên vùng phía bắc biển Hoa Đông hay không, ông Richardson nói: "Đó thực sự là một mối  quan ngại."

Richardson nói rằng Mỹ có kế hoạch để tiếp tục thực hiện hoạt động tuần tra trong vòng 12 hải lý ở vùng biển Đông đang tranh chấp để đảm bảo quyền tự do hàng hải trong khu vực.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.