Cùng với cả nước, sáng ngày 5/9, hàng ngàn học sinh ở Cà Mau bước vào năm học mới 2022-2023 với niềm hân hoan, phấn khởi.
Theo Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau, năm học này, toàn tỉnh có Cà Mau có 500 trường học, với hơn 217.000 học sinh các cấp học từ mầm non đến THPT.
Các em học sinh ở Cà Mau trong ngày khai giảng.
Lễ khai giảng trực tiếp sau 2 năm gián đoạn do Covid-19
Tại Trường THPT Cà Mau, mở đầu buổi lễ khai giảng, đại diện nhà trường đã đọc thư chúc mừng ngành giáo dục của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhân dịp năm học mới.
Em Tống Văn Toàn, học sinh lớp 12T3, Trường THPT Cà Mau chia sẻ: “Được trở lại trường lớp học trực tiếp và được dự lễ khai giảng, không chỉ riêng em mà nhiều bạn cùng trang lứa cũng rất vui.
Thời gian qua, chúng em học trực tuyến cũng nhiều, giờ có dịp ngồi cùng nhau trên lớp chia sẻ niềm vui, cố gắng phấn đấu học giỏi, để đáp lại niềm mong ước của gia đình”.
Để chuẩn bị cho năm học này, trước đó, Sở GD&ĐT tỉnh Cà Mau đã chỉ đạo các trường chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, trường lớp. Đồng thời, phân công chuyên môn cho đội ngũ giáo viên ở từng cấp học cùng các điều kiện khác nhằm đáp ứng yêu cầu dạy và học của ngành trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu - Lữ Văn Hùng (thứ 2 từ trái qua) dự lễ khai giảng năm học mới tại Trường THPT chuyên Bạc Liêu.
Bên cạnh đó, Sở cũng lưu ý các trường tổ chức lễ khai giảng gọn nhẹ, chú trọng công tác đón học sinh đầu cấp, tạo ấn tượng tốt, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh để các em học sinh có một ngày hội khai trường vui tươi và ý nghĩa.
Cũng trong sáng nay, tại Bạc Liêu có hơn 85.700 học sinh tại các điểm trường trên địa bàn tỉnh này bước vào năm học mới.
Theo lãnh đạo Sở Giáo dục, Khoa học và Công nghệ tỉnh Bạc Liêu, năm học 2022-2023, cấp học Mầm non trong tỉnh có hơn 21.600 trẻ đến trường; cấp Tiểu học có hơn 65.600 học sinh; cấp THCS có hơn 45.300 học sinh, với 1.172 lớp; cấp THPT có hơn 18.700 học sinh, với 447 lớp.
Phụ huynh đưa các cháu nhỏ đến lớp tại trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (Bạc Liêu).
Năm học 2022 - 2023, tỉnh Bạc Liêu đã kịp thời đưa vào sử dụng gần 500 phòng học mới, trong đó có nhiều phòng học ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào Khmer.
Ngoài ra, chính quyền và ngành giáo dục các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh đã sửa chữa, nâng cấp, sơn sửa hàng trăm phòng học, phòng chức năng, với tổng kinh phí hàng trăm tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng số phòng học toàn tỉnh hiện có gần 5.300 phòng; trong đó 3.485 phòng học kiên cố, đạt tỷ lệ gần 80%.
Năm nay tỉnh Bạc Liêu áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 6, lớp 7 và lớp 10; tiếp tục thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 đối với lớp 8, lớp 9, lớp 11 và lớp 12, với những môn học, hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục nhà trường của từng cơ sở giáo dục đã xây dựng.
Sáng 5/9, học sinh các cấp học ở tỉnh Sóc Trăng đã đến trường khai giảng năm học mới 2022-2023.
Các em học sinh ở Sóc Trăng đến trường dự khai giảng. Ảnh: Vũ Phong
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên năm học 2021-2022 không tổ chức khai giảng. Năm học mới 2022-2023 này học sinh rất vui khi được dự lễ khai giảng trực tiếp.
Từ sáng sớm, các học sinh đã đến trường với những bộ đồng phục mới, nét mặt tươi vui, phấn khởi.
Đặc biệt, kỳ khai giảng năm nay được các trường tổ chức rất ấn tượng khi không có bóng bay, hoa như nhiều năm trước, thay vào đó là lá cờ Tổ quốc tung bay phấp phới trong gió nhẹ của buổi sáng mùa thu.
Một em học sinh ở Sóc Trăng háo hức đến trường. Ảnh: Vũ Phong
Thời tiết ở Sóc Trăng sáng nay nắng đẹp, gió nhẹ, không mưa, rất thuận lợi cho ngày khai giảng năm học mới.
Học sinh đồng bào Khmer rộn rã ngày khai giảng
Cùng với cả nước, trên 216.000 học sinh từ bậc mầm non đến THPT tại 430 trường học, cơ sở giáo dục trong tỉnh Trà Vinh đã hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2022-2023.
Khai giảng năm học mới ở Trà Vinh. Ảnh: Sa Quên.
Trà Vinh là địa phương có đồng đồng bào dân tộc Khmer (hơn 30%). Hằng năm, tỉnh có khoảng 2.500 sinh viên, học sinh dân tộc Khmer theo học ở các bậc: đại học, cao đẳng, trung cấp. Đồng thời, duy trì khoảng 70.000 học sinh dân tộc Khmer ở bậc mẫu giáo, tiểu học, THCS, THPT (chiếm 34% so với học sinh chung).
Việc dạy và học chữ Khmer được tổ chức hằng năm tại 121 điểm trường với hơn 19.000 học sinh là con em đồng bào Khmer theo học.
Cô Thạch Thị Sa Ra Huy, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Trà Vinh cho biết, năm học 2022 - 2023, trường có 415 học sinh ở 03 khối lớp 10, 11 và 12, trong đó mỗi khối lớp có 4 lớp.
Năm học 2021 - 2022, trường có 100 học sinh đậu tốt nghiệp THPT. Tỷ lệ học sinh đậu vào các trường đại học hàng năm đạt tỷ lệ từ 70 - 80%.
Sang năm học mới, tập thể Hội đồng sư phạm và học sinh toàn trường phấn đấu duy trì và phát huy tốt thành tích đã đạt được.
Từ sáng sớm, thầy và trò Trường PTDT Hữu Nhem (ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cũng đã tất bật chuẩn bị lễ khai giảng năm học mới.
Là ngôi trường dành cho người dân tộc Khmer, sáng 5/9, thầy và trò Trường PTDT Hữu Nhem (ấp 7, xã Tân Lộc, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) cũng đã long trọng tổ chức lễ khai giảng năm học 2022 - 2023.
Từ sáng sớm, công tác chuẩn bị cho buổi lễ khai giảng tại Trường PTDT Hữu Nhem được thầy và trò của nhà trường chuẩn bị rất chu đáo. Thời tiết trong buổi sáng sớm khá mát mẽ, nắng nhẹ nên rất thuận tiện cho buổi lễ.
Cô Nguyễn Diễm Phúc, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học 2021 - 2022, trường đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ. Các hoạt động giáo dục trong nhà trường đều có sự chuyển biến tích cực và đạt những kết quả rất đáng tự hào so với những năm trước.
“Trong năm qua, nền nếp, kỷ cương trường học được giữ vững, chất lượng giáo dục các môn văn hoá đã được nâng lên. Tỉ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và tốt đạt 100%, tỉ lệ học sinh đạt khá và giỏi đạt 45,83%, tỉ lệ lên lớp đạt 100% và tỉ lệ tốt nghệp đạt 100%”, cô Phúc chia sẻ…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận