Xem xét lộ trình đưa trẻ mầm non tới trường
UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đồng ý cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 6 thuộc 30 quận, huyện, thị xã đi học trực tiếp tại trường từ 6/4.
Như vậy, tính đến hiện tại, Hà Nội chỉ còn cấp mầm non chưa được đến trường ngày nào kể từ tháng 4/2021.
Chuyên gia cho rằng thời điểm hiện tại là thích hợp để cho trẻ mầm non quay lại trường học
Liên quan đến vấn đề trên, PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam cho rằng, không chờ đợi việc tiêm vaccine cho trẻ rồi mới cho trẻ đến trường. Cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết. Đặc biệt là ở lứa tuổi mầm non.
Theo PGS. TS Trần Đắc Phu, việc trẻ em không được đến trường trong một thời gian dài sẽ gây ra các khiếm khuyết về cả thể chất lẫn tinh thần khi các em không được tương tác với bạn bè, thầy cô, từ đó ảnh hưởng tới sự phát triển lâu dài, thậm chí, khiến trẻ mắc bệnh trầm cảm, không lây nhiễm...
Ông Trần Đắc Phu cho rằng, phần lớn trẻ em nhiễm Covid-19 thường có triệu chứng nhẹ. Nếu so sánh giữa lợi ích và rủi ro thì cần cho trẻ đi học.
PGS.TS Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam
Các chuyên gia y tế khác cũng cho rằng, việc cho trẻ đi học trở lại là vô cùng cần thiết, trẻ ở nhà quá lâu sẽ gặp nhiều rào cản như: mất kỹ năng, nề nếp do ở nhà lâu, không có động cơ tham gia được vào bất cứ hoạt động nào khi đi học...
Do đó, cần cho trẻ hòa nhập cộng đồng, được vui đùa đúng với sở thích, năng lượng vốn có như trước đây.
Không buông lỏng, vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh
“Hiện nay, chúng ta đã chuyển từ chiến lược Zero Covid sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Chuyển từ cấm đoán (cấm các hoạt động, cấm đi lại…) sang kiểm soát rủi ro.
Kiểm soát rủi ro khi cho trẻ đến trường tức là trẻ bị nhiễm thì thực hiện các biện pháp phòng chống dịch đối với trẻ đó, lớp học có trẻ nhiễm.
Mở cửa đồng bộ nhưng cũng dự phòng đồng bộ. Chúng ta nới lỏng chứ không buông lỏng", PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.
Để làm được những điều đó, ông Phu cho rằng, ngoài việc tổ chức và thực hiện tốt quy định phòng chống dịch của Chính phủ, của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo còn cần sự phối hợp tốt giữa gia đình với nhà trường và cơ quan y tế.
Khi đi học, các trường vẫn phải triển khai các biện pháp phòng bệnh. Phụ huynh cũng cần phối hợp tốt với nhà trường để đảm bảo an toàn cho các cháu.
Đặc biệt, cần tiếp tục đẩy mạnh chiến dịch tiêm phòng, từ tiêm vaccine Covid-19 cho người lớn trong nhà, tiêm mũi tăng cường cho người cao tuổi đến tiêm phòng cho các nhân viên trường học và trẻ nhỏ.
Ngoài ra, ông Phu cho rằng, vừa qua, trẻ em ở nhà dương tính rất nhiều vì chúng ta nới lỏng các hoạt động, số ca nhiễm trong cộng đồng nhiều, khi người lớn mắc bệnh lây cho trẻ. Nếu đến trường làm các biện pháp phòng dịch tốt, có tổ chức, nguy cơ lây nhiễm chưa chắc cao hơn ở nhà.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận