Nhân viên tổ tàu hàng liên vận quốc tế trong bộ đồ bảo hộ y tế kín mít, kiểm tra toa xe, hàng hóa trước khi tàu xuất phát
Kiểm dịch nghiêm ngặt
Một ngày cuối tháng 6/2021, dù đã 17h00 chiều nhưng khu vực ga Lào Cai vẫn nắng chói chang, cái nóng phả lên hầm hập. Trưởng tàu hàng Đỗ Quang Trung và các nhân viên đường sắt vừa kết thúc một ngày làm việc, đưa tàu đi lại giữa 2 ga biên giới Lào Cai - Sơn Yêu (Trung Quốc).
Cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ y tế kín mín, thấm đẫm mồ hôi, anh Trung nói: “Nắng thế này mà đi tàu phải mặc bảo hộ kín mít, rất nóng bức, khó chịu. Nhưng chống dịch như chống giặc, mình tuân thủ đúng quy định thì sẽ yên tâm hơn, vừa bảo vệ cho mình, vừa bảo vệ cả người khác”.
Trưởng tàu Trung là một trong những thành viên tổ tàu xung phong đi chuyến tàu đầu tiên vào “tâm dịch” - sang đường sắt Trung Quốc trong thời kỳ đầu dịch Covid-19 đang bùng phát phức tạp vào tháng 2/2020. Khi đó, các anh phải đi tàu liền 14 ngày và phải ở khu vực riêng, không tiếp xúc; sau đó lại đi cách ly tiếp 14 ngày nữa mới được trở về. Nhưng nhờ có các anh “đi trước mở đường”, các chuyến tàu và cả nhân viên qua lại đường sắt 2 nước an toàn, đã khơi thông hàng hóa xuất - nhập đang bị dồn ứ, ách tắc lúc đó.
Anh Trung cho biết, hiện nay các nhân viên đi tàu không phải cách ly như trước vì các yếu tố nguy cơ đã giảm hơn. Kết thúc mỗi ngày làm việc, được trở về với gia đình; Tuy nhiên, các quy trình, quy định phòng dịch vẫn rất nghiêm ngặt.
“Bên đường sắt Trung Quốc thực hiện rất nghiêm quy định phòng dịch, hơn nữa khu vực đó cũng hiện không còn dịch nên cũng không lo lắm. Chủ yếu lại là bên Việt Nam dịch đang diễn biến phức tạp nên anh em phải cùng đơn vị chung tay phòng chống dịch để đảm bảo công việc”, anh Trung nói.
Anh kể thêm, mỗi tổ tàu khi lên ban buổi sáng tại ga Lào Cai sẽ phải đo thân nhiệt, khai báo y tế, mặc quần áo bảo hộ y tế đầy đủ mới được đi tàu. Sang đến ga Sơn Yêu, tiếp tục đo thân nhiệt qua máy, khai báo y tế tự động, sau đó nhân viên y tế bên bạn lại đo lại thân nhiệt lần nữa và phải test nhanh virus bằng lấy dịch hầu họng.
“Quy trình ấy cứ lặp đi lặp lại cho mỗi chuyến tàu dù cũng vẫn những nhân viên tổ tàu đó qua lại biên giới trong ngày, trừ bước test nhanh chỉ thực hiện chuyến đầu tiên. Các nhân viên hải quan, biên phòng, kiểm dịch và đường sắt Trung Quốc cũng mặc bảo hộ y tế. Thực hiện chặt chẽ như vậy nên chúng tôi rất yên tâm”, anh Trung thông tin.
Ga Đồng Đăng chật kín toa xe chở container, hàng hóa xuất nhập khẩu
Hàng liên vận qua cửa khẩu đường sắt tăng trưởng cao
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Hoàng Đình Tứ, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Lào Cai, Trưởng ga Liên vận quốc tế Lào Cai cho biết, các quy định chạy tàu giữa ga cửa khẩu Lào Cai với ga Sơn Yêu, cũng như các quy định phòng dịch được hai bên xây dựng, thống nhất thực hiện từ tháng 2/2020 đến nay vẫn được duy trì.
Việc đảm nhận đưa các chuyến tàu hàng xuất nhập khẩu qua cửa khẩu đường sắt hoàn toàn do nhân viên đường sắt Việt Nam đảm nhận và tuân thủ chặt chẽ các quy định phòng dịch. Chính vì vậy, duy trì được tàu hàng qua lại cửa khẩu bình thường, không bị ách tắc, góp phần đưa sản lượng hàng liên vận quốc tế đường sắt khu vực này tăng trưởng tốt, có chỉ tiêu tăng trưởng 2 con số, như hàng nhập 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng hơn 13% so cùng kỳ 2020.
“Chi nhánh cũng liên hệ với Sở Y tế Lào Cai và đã tiêm phòng mũi 1 cho 100% CBCNV ga Lào Cai, CBCNV đường sắt khu vực TP. Lào Cai, trong đó có nhân viên đi tàu liên vận quốc tế. Hiện chi nhánh đang đề nghị tiêm phòng cho nhân viên đường sắt các địa bàn thuộc tỉnh Lào Cai”, ông Tứ cho hay.
Còn tại khu vực ga Đồng Đăng, ông Phạm Đức Khái, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt ga Đồng Đăng, Trưởng ga liên vận quốc tế Đồng Đăng cho biết, từ đầu năm 2021 đến nay lúc nào ga cũng nhộn nhịp tàu hàng xuất - nhập qua cửa khẩu.
Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt VN, các năm gần đây vận tải hàng hóa liên vận quốc tế đường sắt tăng trưởng 30-40%, riêng 6 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 50%. Trong đó, hàng xuất, nhu cầu quặng sắt khoảng 2,5 - 3 vạn tấn/tháng, lưu huỳnh khoảng 1,5 vạn tấn/tháng... Hàng nhập, tăng đột biến, như than đá nhập khẩu quý I được khoảng 1,1 vạn tấn, bằng 802% so cùng kỳ 2020.
Vào vụ xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc vừa qua, hàng trăm xe container lạnh đổ về cửa khẩu đường bộ Đồng Đăng mỗi ngày, nên ách tắc, phải chuyển qua đi bằng đường sắt từ ga Đồng Đăng sang Trung Quốc. Mỗi đoàn tàu chạy khoảng 20 container nên giải phóng hàng rất nhanh. Chỉ tính riêng tháng 5 đã có hơn 700 container lạnh xuất bằng đường sắt.
Ngoài hàng trái cây, các mặt hàng cũng tăng trưởng tốt. Một ngày bình quân có khoảng 80 toa xe hai chiều xuất - nhập, tăng khoảng 20% so với cùng kỳ năm 2020.
Ông Khái cho biết, công tác phòng dịch tại khu vực cửa khẩu đường sắt được thực hiện tốt, góp phần duy trì chạy tàu thông suốt. Theo quy định giữa đường sắt hai nước, việc chạy tàu giữa cửa khẩu ga Đồng Đăng và ga Bằng Tường do nhân viên đường sắt Trung Quốc đảm nhận. Vì vậy, khi có hàng cần xuất sang Trung Quốc, nhân viên Trung Quốc sẽ cùng đầu máy sang ga Đồng Đăng để kéo đoàn toa xe về, nhân viên đường sắt Việt Nam chỉ thực hiện tác nghiệp lập tàu tại ga Đồng Đăng.
Khi sang ga Đồng Đăng, nhân viên đường sắt Trung Quốc sẽ được bộ phận kiểm dịch của địa phương đo thân nhiệt, chuyến tàu nào đo thân nhiệt chuyến tàu đó và thực hiện giao tiếp thủ tục, giấy tờ như giao vận đơn… tại khu vực riêng để hạn chế giao tiếp. Hơn nữa, các nhân viên này đều đã được tiêm phòng vaccine phòng dịch.
Đối với địa bàn khu ga Đồng Đăng, bộ phận kiểm dịch y tế định kỳ phun khử trùng 2 lần/tuần. Tất cả các toa xe từ bên Trung Quốc nhập vào Việt Nam, kể cả container đều được phun khử trùng rồi mới được đi tiếp.
“Đối với nhân viên ga Đồng Đăng, ngoài yêu cầu đeo khẩu trang, bố trí xà phòng, dung dịch rửa tay sát khuẩn, đơn vị cũng đã gửi văn bản đến địa phương đề nghị ưu tiên tiêm phòng cho CBCNV khu vực ga trong thời gian tới”, ông Khái nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận