Hỏi vội "ông trùm" VFC Đỗ Thanh Hải xung quanh dòng phim Cảnh sát hình sự tồn tại 20 năm qua |
Năm 1997, series Cảnh sát hình sự (CSHS) bắt đầu ra mắt khán giả đã thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả với nhiều bộ phim tạo được dấu ấn như "Chạy án" (2006), "Ngôi biệt thự màu tro lạnh" (2011), "Bí mật tam giác vàng" (2013), "Bản di chúc bí ẩn" (2013)… Sự thành công của các phim hình sự đã tạo nên thương hiệu riêng của Hãng phim Truyền hình Việt Nam (VFC), đưa tên tuổi của nhiều diễn viên như Hoàng Hải, Hoa Thúy, Nguyễn Văn Báu, Võ Hoài Nam… trở nên quen thuộc với khán giả.
20 năm qua, phim hình sự đã có những bước tiến mới về kỹ thuật và dàn dựng. Đạo diễn Đỗ Thanh Hải đã có chia sẻ với Báo Giao thông xung quanh những khó khăn, vất vả khi làm dòng phim này.
VFC có thế mạnh với dòng phim hình sự. Anh có thể chia sẻ những khó khăn trong quá trình làm phim hình sự mà VFC đã gặp phải?
Làm phim CSHS luôn đòi hỏi người sáng tác phải tìm hiểu sâu về nghiệp vụ chuyên môn, và sau đó phải sáng tác trong một khuôn khổ nhất định chứ không được quá thoải mái mô tả các yếu tố tội phạm. Ví dụ như các cảnh gây ra tội ác, bạo lực bao giờ cũng là một phần của các vụ án. Thậm chí vụ án càng phức tạp, nguy hiểm thì quá trình phá án mới càng nhiều thách thức và khán giả sẽ thấy hấp dẫn hơn khi chứng kiến được hành trình truy bắt tội phạm của các chiến sĩ CSHS.
Phim truyền hình phát sóng có nhiều đối tượng khán giả cùng xem nên những người làm phim luôn phải tính toán và kiểm soát cách làm để phù hợp. Chưa kể những điều kiện khó khăn khi làm phim thể loại này như thiết bị đặc chủng, trang phục, súng đạn, xe nghiệp vụ… Điều kiện làm phim của chúng ta chưa phải được đầu tư đầy đủ nên vẫn phải làm theo cách “ liệu cơm gắp mắm”.
Riêng với "Người phán xử" là phim chuyển thể từ một kịch bản có sẵn, êkip có vấp phải nhiều khó khăn?
Thực chất sự khác biệt giữa phim chuyển thể kịch bản với một kịch bản tự viết chẳng khác gì. Không bao giờ có chuyện mang nguyên si kịch bản gốc ra quay phim. Thậm chí kịch bản mua bản quyền phải được xem xét rất kỹ các diễn biến tâm lý và bối cảnh xã hội trong phim để có cách xử lý phù hợp, điều chỉnh thay đổi thành câu chuyện phim cho khán giả xem thấy thuyết phục.
"Người phán xử" có nhiều sự thay đổi so với kịch bản gốc và cách kể chuyện của đạo diễn khác hoàn toàn. Tôi đã bị chính các đạo diễn thuyết phục khi xem bản dựng và đồng ý sửa đổi phim vì nhận thấy cách làm của họ hấp dẫn hơn.
Một cảnh trong phim Người phán xử |
Với những "sạn" liên quan đến nghiệp vụ mà hầu như phim nào cũng mắc phải, người làm phim cần phải làm gì?
Bên cạnh việc bám sát và tuân thủ những yếu tố liên quan nghiệp vụ, các nhà làm phim cần phải xác định được một tỷ lệ sáng tạo hợp lý và kể một câu chuyện phim theo cách riêng, thuyết phục được số đông khán giả, đôi khi có thể bỏ qua những thao tác nghiệp vụ không cần thiết để tập trung dàn dựng vào những cảnh quan trọng trong câu chuyện. Tất nhiên, những đề cập trên không nằm trong những trường hợp phim làm ẩu, dàn dựng cẩu thả.
Phim hình sự Việt Nam còn tồn đọng những điểm yếu nào, theo anh?
Tôi nghĩ vẫn là kịch bản, chưa có nhiều kịch bản phim hình sự hấp dẫn. Tất nhiên, viết thể loại này đòi hỏi người viết phải có sự sáng tạo khác biệt để kể một câu chuyện khó đoán về diễn biến và kết thúc. Ngoài ra, điều kiện tác nghiệp với thể loại này còn nhiều hạn chế. Chúng ta chưa có trường quay chuyên nghiệp để dàn dựng, phương tiện làm phim còn thiếu. Đơn giản như muốn tổ chức một cảnh quay thể hiện quá trình các cảnh sát hình sự truy đuổi tội phạm cũng vô cùng khó khăn
Với những điểm yếu ấy, liệu có giải pháp nào để khắc phục?
Câu hỏi của bạn chạm đến một vấn đề lớn là sự đầu tư cho phim ảnh nói riêng, văn hóa nghệ thuật nói chung. Trước hết là chúng tôi mong đợi xã hội phát triển, kinh tế đất nước ngày càng tăng trưởng, để sau đó những sự đầu tư cho công nghệ làm phim, trường quay được triển khai. Trước mắt, những người làm phim cần đầu tư hơn cho nội dung và phải tìm cách khắc phục trong điều kiện thực tế làm phim hiện nay.
Cảm ơn anh!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận