Sau gần 3 năm, với hơn 1.000 ngày đêm không ngơi nghỉ, vượt qua hàng loạt khó khăn thử thách, hàng nghìn cán bộ, công nhân, kỹ sư ngành GTVT đã dồn lực bứt tốc, đưa 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây cán đích.
Với tính chất quan trọng của các dự án, chỉ sau nửa năm được giao trọng trách người đứng đầu Bộ GTVT, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nhiều lần trực tiếp vào công trường chỉ đạo.
Và sau mỗi lần kiểm tra, với những chỉ đạo tháo gỡ kịp thời của Bộ trưởng, công trường các dự án sau đó đều có sự chuyển biến mạnh mẽ.
Cùng đó, trong hơn hai năm, trên công trường 2 dự án cao tốc Mai Sơn - QL45, Phan Thiết - Dầu Giây cũng không đếm xuể số lần các chuyến kiểm tra dự án, chỉ đạo trực tiếp tại hiện trường của các Thứ trưởng Bộ GTVT để tối ưu thời gian, đảm bảo chất lượng.
Đặc biệt, các dự án còn nhận được sự quan tâm sát sao của lãnh đạo Chính phủ và các cơ quan chức năng.
Tháng 2/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp thị sát, kiểm tra các dự án nói trên.
Sau khi thị sát hiện trường, dự án nào vướng về mặt bằng, Thủ tướng yêu cầu địa phương phải rốt ráo và chịu trách nhiệm. Nơi nào vướng về vật liệu, ông yêu cầu bộ, ngành chức năng lập tức giải quyết.
Thủ tướng cũng chỉ ra 3 bài học, 5 yêu cầu với các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, chính quyền địa phương đồng thời yêu cầu triển khai nhiệm vụ quyết liệt với tinh thần: “Đã nói phải làm, đã cam kết phải thực hiện, đã thực hiện phải có sản phẩm cụ thể...”.
Một năm sau, trong chuyến đi kiểm tra các dự án giao thông dịp Tết Nguyên đán năm 2023, tại dự án Mai Sơn - QL45, Thủ tướng yêu cầu các nhà thầu tranh thủ thời tiết thuận lợi thi công "3 ca, 4 kíp".
Tiếp nhận chỉ đạo của Thủ tướng, những tháng sau đó, các nhà thầu đều dồn sức tăng ca, tăng kíp từ sáng sớm đến nửa đêm để đảm bảo tiến độ về đích.
Nhớ lại những thời điểm khó khăn nhất, ông Lương Văn Long, Giám đốc điều hành dự án đoạn Mai Sơn - QL45 không thể quên bước ngoặt của dự án ở thời điểm căng thẳng giá vật liệu, nhiều nhà thầu có dấu hiệu chững lại.
Tâm lý thi công cầm chừng khiến dự án từ chỗ luôn đáp ứng yêu cầu thì từ giữa tháng 2/2022 trở đi, tiến độ bị trượt dần.
Tuy nhiên, nhờ việc tính toán, điều chỉnh giá được thay đổi kịp thời, nhà thầu đã có điều kiện để bứt tốc sau đó.
Không chỉ “bão giá”, ông Long cũng không quên khoảng thời gian “bão dịch” Covid-19 bùng phát từ tháng 5 đến tháng 8/2021. Khoảng 70 ngày ấy, cả công trường như trại lính. Có thời điểm, một gói thầu có đến 200 - 300 công nhân nghi nhiễm dịch phải cách ly.
Để tháo gỡ, Ban QLDA Thăng Long đã gửi văn bản và làm việc với chính quyền địa phương xin cơ chế cho xe chở vật liệu vào công trường với “lệnh bài” là giấy đi đường và logo của dự án dán trên xe.
Với dự án Phan Thiết - Dầu Giây, kỹ sư Trần Hoàng Anh, Giám đốc điều hành gói thầu 3-XL thuộc Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính thừa nhận, hơn 10 năm gắn bó với nghề, chưa khi nào anh có cảm giác sự sống mong manh bởi dịch bệnh đến vậy. Tuy nhiên, nỗi sợ cũng sớm qua đi, công việc lại đạt những kết quả tích cực.
Không chỉ gói thầu 3-XL mà cả ba gói thầu còn lại của dự án Phan Thiết - Dầu Giây cũng bị tác động nặng nề bởi dịch bệnh.
Kỹ sư Phạm Văn Tùng, Phó giám đốc điều hành gói thầu 4-XL kể: “Thời điểm ấy không chỉ phía công ty, Ban QLDA cũng liên tục hỏi thăm, động viên các nhà thầu giữ vững tinh thần để công nhân thi công”.
Nhìn vào cung đường cao tốc Mai Sơn - QL45 thẳng tắp qua địa bàn tỉnh Thanh Hóa, ông Phạm Duy Hiếu, Phó tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả mới thở phào sau chuỗi thời gian “giải nguy” khối lượng công việc tồn đọng vô cùng lớn của thầu phụ Hoàng Long.
“Ngày 17/11/2022, trong chuyến kiểm tra dự án, Bộ trưởng Bộ GTVT đã yêu cầu nhà thầu đứng đầu liên danh phải vào cuộc giải cứu phần việc bị chậm.
Đèo Cả tức tốc nhập cuộc hỗ trợ nhà thầu Hoàng Long.Theo tính toán, thực hiện khối lượng công việc “giải cứu” khoảng 50 tỷ đồng, Đèo Cả sẽ lỗ đến 20 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tập đoàn đã huy động cả nguồn lực ở các dự án phía Nam dồn về công trường thi công ngày đêm, giải quyết khó khăn chỉ trong vòng 1 tháng, trong khi thông thường mất từ 5 - 6 tháng”, lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ.
Tại dự án Phan Thiết - Dầu Giây, đằng sau 99km cao tốc “đẹp như tranh” hiện tại cũng đã có những cuộc “giải cứu” thần tốc các nhà thầu phụ, không tính đến lỗ- lãi.
Sau khi cao tốc hoàn thành sẽ rút ngắn hành trình và thời gian từ TP.HCM đi thành phố biển Phan Thiết chỉ còn 2 giờ lái xe và rút ngắn hành trình đi lại từ huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) về TP.HCM và Bình Thuận.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT), việc thần tốc thi công 2 tuyến cao tốc kể trên đã cho những bài học kinh nghiệm lớn khi triển khai các dự án tương tự.
Đầu tiên là sự quan tâm chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Thứ hai, GPMB phải ưu tiên thực hiện trước một bước để khi nhà thầu vào thi công phải có được mặt bằng sạch, đảm bảo các mũi thi công được triển khai liên tục.
Thứ ba, nguồn vật liệu tại các dự án cao tốc đòi hỏi khối lượng khổng lồ, phải chủ động được nguồn vật liệu, đặc biệt là vật liệu đắp. Chủ động được nguồn vật liệu sẽ chủ động được tiến độ công trình.
Thứ tư, công tác tổ chức thi công của các nhà thầu phải quyết liệt và có kế hoạch cụ thể ngay từ giai đoạn đầu, phù hợp và có tính khả thi với từng điều kiện thực tế.
Thứ năm, do việc triển khai dự án cao tốc đòi hỏi nguồn lực lớn, nhà thầu phải chủ động nguồn lực tài chính, chủ đầu tư phải có cơ chế thanh toán kịp thời, đảm bảo nguồn lực cho dự án.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận