Ngày 29/8, tài xế của các hãng gọi xe đã tập trung bên ngoài Bộ Truyền thông Indonesia, tại thủ đô Jakarta - gần văn phòng của công ty công nghệ lớn nhất Indonesia GoTo (công ty mẹ của Gojek) và công ty giao thức ăn, gọi xe lớn nhất Đông Nam Á Grab.
Trước vụ việc trên, người phát ngôn của Gojek cho biết, công ty sẵn sàng tiếp nhận các ý kiến đóng góp của tài xế.
Trong khi đó, bà Tirza Munusamy, Giám đốc quan hệ công chúng của Grab Indonesia cho hay, biểu giá của Grab được xây dựng nhằm đảm bảo sự ổn định cho các dịch vụ của công ty, đồng thời vẫn tính đến thu nhập của tài xế.
Ông Andi Kristiyano, đại diện Liên minh taxi trực tuyến quốc gia Indonesia, cũng là đơn vị kêu gọi biểu tình cho biết, tài xế mong muốn các công ty tăng mức chia doanh thu, từ tỷ lệ tối thiểu 80% như hiện nay.
Đối với chính phủ, các tài xế cũng yêu cầu ban hành quy định mới về lao động để tạo điều kiện cho họ có nhiều quyền hạn hơn khi thương lượng thu nhập.
Hãng tin Reuters dẫn lời một tài xế cho biết, anh phải làm việc 10 tiếng/ngày, nhưng nhìn chung chỉ kiếm được khoảng 9,7 USD.
Đồng nghĩa, tổng thu nhập hằng tháng của tài xế này thấp hơn cả mức lương tối thiểu là 324,5 USD/tháng tại thủ đô Jakarta.
"Chúng tôi muốn các nền tảng công nghệ lắng nghe nguyện vọng của người lao động", tài xế này chia sẻ.
Bà Nabiyla Risfa Izzati, giảng viên luật lao động tại Đại học Gadjah Mada cho rằng, các công ty công nhận tài xế là đối tác nên họ không có nghĩa vụ về pháp lý trong việc ấn định mức lương tối thiểu, đóng bảo hiểm xã hội hoặc giới hạn giờ làm việc.
Do đó, theo bà, việc thúc đẩy chính phủ ra quy định quản lý các công ty cung cấp ứng dụng trên là đúng đắn, đồng thời bà cho rằng cần phải đặt ra mức phí sàn và trần trên tất cả các ngành cho tài xế, chẳng hạn như gọi xe, giao đồ ăn.
Bộ Nhân lực Indonesia hiện chưa đưa ra phản hồi còn Bộ Giao thông vận tải Indonesia cho biết, cơ quan này không quản lý mảng chi phí, kêu gọi các công ty lắng nghe nguyện vọng của tài xế.
GoTo và Grab cung cấp dịch vụ gọi xe, giao đồ ăn và các dịch vụ khác ở một số quốc gia Đông Nam Á và có tổng vốn hóa thị trường khoảng 18 tỷ USD.
Xe ôm là dịch vụ có mặt khắp nơi ở Indonesia, bao gồm cả thủ đô Jakarta, nơi nổi tiếng tắc nghẽn giao thông tồi tệ nhất thế giới. Do đó, các cuộc biểu tình đã khiến một số người phàn nàn về tình trạng dịch vụ chậm chạp.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận