Luật sư nói ông Nguyễn Thanh Long mắc chứng ngưng thở khi ngủ
Chiều 8/1, các luật sư tham gia phiên tòa đại án Việt Á bắt đầu nêu quan điểm tranh luận sau khi đại diện Viện kiểm sát Hà Nội đề nghị mức án đối với 38 bị cáo.
Khi hội đồng xét xử yêu cầu thực hiện quyền tự bào chữa, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long đã từ chối và đề nghị các luật sư của mình tham gia tranh luận.
Luật sư Trần Nam Long (bào chữa cho cựu bộ trưởng Nguyễn Thanh Long) cho rằng trong bối cảnh đặc thù khi dịch bùng phát, ông Nguyễn Thanh Long hay các bị cáo làm công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực y tế làm sai xuất phát từ hoàn cảnh lịch sử, đòi hỏi phải xử lý theo cách chưa có tiền lệ.
"Bối cảnh đó những ai làm công tác y tế, từ lãnh đạo cao nhất đến các cán bộ khác không hề có ý nghĩ gì khác ngoài việc làm sao đất nước sớm chủ động được kit test để phục vụ yêu cầu khẩn cấp của thực tiễn", luật sư nêu ý kiến.
Cũng trong bối cảnh đó, người bào chữa cho rằng họ có cơ sở nhận định bị cáo Nguyễn Thanh Long không có hành vi đòi hỏi, gợi ý, yêu cầu về việc nhận tiền từ Việt Á. Với tư cách là người đứng đầu ngành y tế thời điểm chống dịch, ông Nguyễn Thanh Long khi hầu tòa đã nhận trách nhiệm đối với các sai phạm của bản thân và của Bộ Y tế.
Chia sẻ với cựu bộ trưởng sau những khó khăn, áp lực mà ông Nguyễn Thanh Long đã đối mặt trong dịch, các luật sư bào chữa khẳng định giai đoạn 2020-2021, ông Long và gia đình hầu như không có thời gian sum họp.
Đến khi dịch Covid-19 được khống chế, ông Nguyễn Thanh Long lại phải đón nhận tin không vui khi cựu bộ trưởng mắc nhiều bệnh hiểm nghèo.
Theo các luật sư, một trong số đó là ông Nguyễn Thanh Long mất gần như hoàn toàn thị lực mắt trái, nguyên nhân do chứng bệnh về võng mạc không được chữa trị kịp thời gây sang chấn tâm lý và nhiều đêm mất ngủ trong thời gian chống dịch.
"Ông Nguyễn Thanh Long có thể đột tử bất cứ lúc nào vì những rối loạn chứng ngưng thở khi ngủ, trong trại tạm giam phải dùng máy thở", luật sư bày tỏ.
Kết thúc phần bào chữa, luật sư cho biết, ông Nguyễn Thanh Long đã được Bộ Y tế, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương có văn bản ghi nhận các thành tích và đề nghị giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
"Còn có hơn 140 đồng nghiệp thân thiết, đồng nghiệp từng công tác, làm việc cùng hoặc dưới sự lãnh đạo của ông Nguyễn Thanh Long có văn bản xin giảm nhẹ hình phạt cho cựu bộ trưởng", luật sư nêu.
Việt Á có lợi nhuận mới chi tiền cảm ơn
Bào chữa cho Tổng giám đốc Việt Á Phan Quốc Việt, luật sư có quan điểm cáo trạng xác định hậu quả thiệt hại hơn 1.235 tỷ đồng do hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của Phan Quốc Việt là không có căn cứ.
Theo luật sư, Phan Quốc Việt và đồng phạm chỉ gây hậu quả thiệt hại với số tiền hơn 402 tỷ. Việc gộp cả khoản 833 tỷ không bị truy tố vào hậu quả thiệt hại của vụ án là không khách quan, không chính xác và không có căn cứ.
Trong khi đó, luật sư nhìn nhận cáo trạng không xác định được cụ thể những ai, ở đơn vị nào, gói thầu nào... gây ra thiệt hại.
Cũng theo luật sư, động cơ của Phan Quốc Việt khi đưa tiền cho nhiều cá nhân, cựu quan chức với suy nghĩ cảm ơn họ đã giúp Công ty Việt Á được sản xuất kit test Covid-19 nhằm phục vụ chống dịch. Sau khi Việt Á có lợi nhuận, Việt mới đưa tiền cảm ơn.
Phan Quốc Việt còn chủ động khai báo về hành vi đưa hối lộ, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra xử lý các hành vi đưa hối lộ và nhận hối lộ trong vụ án.
Do đó, luật sư đề nghị hội đồng xét xử áp dụng khoản 7 Điều 364 Bộ luật Hình sự, trả lại cho Việt Á toàn bộ số tiền mà Việt đưa hối lộ.
Trong phần luận tội, đại diện VKS đề nghị tuyên phạt Phan Quốc Việt mức án 15-16 năm tù cho mỗi tội danh gồm Vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Đưa hối lộ. Tổng cộng VKS đề nghị Phan Quốc Việt 30 năm tù. Trước đó, Việt bị tòa án quân sự phạt 25 năm tù trong vụ án xảy ra tại Học viện Quân y.
Đối với ông Nguyễn Thanh Long, VKS đề nghị tòa sơ thẩm tuyên bị cáo 19-20 năm tù về tội Nhận hối lộ. 36 bị cáo còn lại bị đề nghị các mức án từ 10 tháng 4 ngày tù (bằng thời hạn tạm giam) đến 18 năm tù.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận