Trận đánh “quyết tử”…
Một ngày đầu Đông năm 1991, các nhà thầu đã tề tựu đông đủ, sẵn sàng chờ lệnh xuất quân sang nước bạn Lào. Từ triền đê sông Hồng trên bãi đất rộng phía trước Xí nghiệp Cầu 14, những đơn vị của Cienco 1, Cienco 8 chuẩn bị tham gia trận đánh “quyết tử” để khẳng định thương hiệu những người thợ cầu đường Việt Nam lần đầu làm công trình quốc tế với công nghệ hoàn toàn mới.
Đoàn nhà báo Việt Nam trong chuyến đi dự lễ khánh thành đường 13 Bắc Lào (tác giả đứng đầu tiên bên trái)
Tôi đã dự hàng trăm lễ động thổ, khởi công các công trình giao thông, nhưng chưa bao giờ tham gia một buổi xuất quân xúc động như vậy.
Thời điểm đó, lĩnh vực xây dựng cơ bản giao thông khó khăn chưa từng có. Những đơn vị lừng lẫy một thời như Tổng công ty Thăng Long, Cienco 1 và Cienco 8… thì khi đó thiếu việc trầm trọng. Công nhân phải đi uốn vành xe đạp, đan nón, mũ kiếm sống.
Đúng lúc này, dự án đường 13 Bắc Lào được tài trợ của Ngân hàng Châu Á - ADB mời thầu. Cienco 1 và Cienco 8 hợp nhau làm thành Liên danh 18, sau đó bất ngờ vượt qua hàng loạt nhà thầu danh tiếng đến từ Thụy Điển, Hàn Quốc, Tây Ban Nha… để thắng thầu dự án đường 13 Bắc Lào.
“Tồn tại hay không tồn tại” của ngành xây dựng giao thông Việt Nam lúc đó đặt cả vào thành công hay thất bại của dự án này. Đây cũng là dịp để giới thiệu thành tựu, dấu mốc mới của ngành xây dựng giao thông Việt Nam với thế giới.
Đoàn nhà báo Việt Nam gồm 10 người, trong đó có tôi, sau đó đã có mặt tại công trường đường 13 Bắc Lào để ghi nhận công tác triển khai thi công của dự án. Quá trình tác nghiệp, đoàn trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả, trong đó có cả sự đe dọa, uy hiếp của tàn quân phỉ.
Nín thở qua đèo Phỉ
Khi chúng tôi có mặt tại công trường đường 13 thì tàn quân phỉ tuyên bố trên sóng truyền hình sẽ thiết quân luật trong phạm vi rừng núi nơi đường 13 đang thi công.
Trước hai ngày chúng tôi có mặt tại Nậm Ken - một địa điểm của Công ty 874 đang thi công - tại đèo Phỉ cách đó hai cây số, tàn quân phỉ đã giết hại dã man đại úy Văn A, Đội trưởng an ninh của quân đội Lào.
Chúng còn hỗn xược treo thưởng đầu các chỉ huy trưởng, chỉ huy phó các đơn vị thi công. Giá đầu của kĩ sư Vũ Kim Chung, Phó tổng giám đốc Cienco 1, Giám đốc điều hành dự án đường 13 của Liên danh 18 là 20 nghìn USD!
Để đảm bảo an toàn cho đoàn nhà báo tác nghiệp, Liên danh 18 mời thêm Đại tá công an tên Mão người Nghệ An, rất thạo địa hình Lào đi theo. Phía bạn Lào cử hẳn một tiểu đội Pa thét đi cùng.
Hai chiếc xe chở đoàn nhà báo đi giữa cùng hai xe mở đầu, khóa đuôi chở lực lượng bảo vệ thành bốn xe. Đi ròng rã hết ngày này qua ngày khác trong rừng mới thấy hết những hiểm nguy, vất vả của người làm đường.
Chúng tôi phải qua nhiều địa điểm hiểm trở, nguy hiểm như: Bản Phà Tặng - cái nôi chứa vi trùng sốt rét Lào; nín thở vượt qua trung tâm đóng quân của tàn quân phỉ. Anh em công nhân kể, nhiều lúc vừa thi công vừa phải canh đạn phỉ. Có lúc chúng bắn phá liên hồi.
Dù trong điều kiện khắc nghiệt như vậy, các đơn vị Liên danh 18 phải thực hiện một khối lượng công việc khổng lồ. Trải ba lớp gồm 188 nghìn m3 cấp phối. 140 nghìn m3 base cỡ 0,75 - 50.
Hàng nghìn khối bê tông, cống có đường kính 500 - 1.500mm. 12 chiếc cầu có tổng chiều dài 5.834m. Tất cả các hạng mục này đều áp dụng ASSTO - quy trình hiện đại mà từ công nhân đến cán bộ kĩ thuật mới làm quen qua vài công trình trong nước.
Công nghệ làm đường 13 đòi hỏi hiện đại như thế, nhưng nơi ở của công nhân, cán bộ thi công của Liên danh 18 chỉ là những lán tranh, tre, nứa tạm bợ dựng vội trên những khoảng đất rừng mới phát quang. Nước sinh hoạt là nước mưa đọng ở những hố lót ni lông.
Khi chúng tôi đến Công ty 122, ở giữa rừng thì Giám đốc Chu Quang Văn vừa về nước tìm cách gỡ khó khăn cho đơn vị của mình.
Tiếp chúng tôi, Phó giám đốc Trần Hoài Nghi bùi ngùi cho biết: “Hôm trước, công ty rất đau lòng vĩnh biệt mấy anh em tử nạn vì ăn nhầm nấm độc.
Nỗi đau chưa nguôi ngoai thì đoạn đường 2km vừa hoàn thành nhựa trải phẳng lỳ thì công ty tư vấn do chủ đầu tư ADB thuê cho khoan một lỗ bất kì. Do chưa đạt tiêu chuẩn kỹ thuật, buộc phải làm lại toàn bộ khối lượng đáng được làm thủ tục hoàn công”.
Kĩ sư Xẻng Đa Rít của đơn vị tư vấn cho biết: “Do chưa quen ASSTO thôi. Thành thục rồi, tôi tin các anh không bao giờ lặp lại sự đáng tiếc đó. Cái gì cũng phải có bài học”.
Hy sinh không uổng phí
Một đoạn đường 13 Bắc Lào ngày nay
Lễ khánh thành đường 13 Bắc Lào chính thức tổ chức vào tháng 4/1996. Trong ngày đặc biệt đó, hoa hậu Lào mặt tròn vành vạnh nở nụ cười thân thiện trong vòng xòe Lăm vông với anh công nhân làm đường Việt Nam da vàng xạm, tái nhợt vì khí hậu rừng núi, vì mất sức sau 1.500 ngày đêm vất vả vì con đường huyết mạch của nước bạn.
Tôi đang say sưa thưởng thức vũ điệu truyền thống Lào thì có người bấm tay tôi. Quay lại đã thấy Phó tổng giám đốc Trần Văn Tản đeo súng ra hiệu tôi đi theo anh.
Ra đến nơi, tôi thấy Trần Văn Đang, Giám đốc cầu 75 đang ngồi sau tay lái com măng ca. Anh nói khẽ: “Anh em mình đi ra đây tý”.
Đợi tôi ngồi yên vị, xe nổ máy chạy gập ghềnh trên lối mòn quanh sườn núi, chừng gần một tiếng đồng hồ thì dừng lại.
Tôi nhìn quanh và nhận ra đó là bãi cỏ rộng kề dưới chân ngọn núi Phu Pha Châu (núi Chúa trời), sát liền mỏ đá 675. Trên bãi cỏ nhấp nhô những ngôi mộ được dắp đất, trồng cỏ và bia mộ cẩn thận.
Trần Văn Tản vừa xốc lại khẩu súng đeo trên vai, vừa vẩy vẩy cho bó hương tắt lửa, ngay sau đó ông chia hương cho chúng tôi rồi bảo: “Anh em đi cắm hương cho anh em mình đi để họ cùng biết hôm nay chúng ta đã hoàn thành con đường 13 cho nước bạn Lào. Công sức, mạng sống của các anh không uổng. Sự hy sinh của các anh thật lớn lao”.
Chúng tôi chia nhau đi cắm hương hơn ba chục ngôi mộ nằm trên khoảng trống tựa vào sườn núi nom như con dấu đóng giữa rừng núi bạt ngàn.
Chúng tôi cùng cúi đầu tưởng niệm hơn ba chục anh em công nhân, cán bộ của Liên danh 18 đã bỏ mình vì đạn phỉ, vì sốt rét, nấm độc và cả vì những tai nạn bất ngờ của người làm đường nơi rừng sâu, núi hiểm.
Đường 13 là trục giao thông của Lào có vai trò như QL1A của Việt Nam, kéo dài từ cố đô Luông Phrabăng đến Thủ đô Viêng Chăn. Gần thế kỷ trước, tuyến đường được kĩ sư Pháp và những người thợ Đông Dương thiết kế, xây dựng. Trải qua chiến tranh, cùng sự phá hoại của tàn quân phỉ, tuyến đường quan trọng này gần như bị quên lãng. Vì thế, từ cố đô về thủ đô nếu đi đường bộ phải vòng qua một số tỉnh của Việt Nam.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận