Hơn 16 triệu tấn hàng hóa, gần 1,4 triệu lượt hành khách thông qua
Tin từ Cục Đường thủy nội địa VN, Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam - Campuchia chính thức có hiệu lực kể từ tháng 1/2011.
Từ khi triển khai Hiệp định Vận tải thủy Việt Nam - Campuchia, đã có hơn 16 triệu tấn hàng hóa thông qua. Ảnh: minh họa
Riêng năm 2022, số phương tiện nhập xuất cảnh, quá cảnh là 7.594 lượt phương tiện, 35.766 lượt thuyền viên và 59.406 lượt hành khách. So với năm 2021, tăng 100% về lượt hành khách. Đối với lượng container vận chuyển trên tuyến Hiệp định, năm 2022 đạt 417.696 TEU, tăng 19,7% so với năm 2021.
Đối với công tác cấp giấy phép vận tải thủy qua biên giới, năm 2022, Cục Đường thủy nội địa VN cấp 543 Giấy phép vận tải thủy qua biên giới Việt Nam - Campuchia cho 62 tổ chức, cá nhân (gồm 13 cá nhân và 49 công ty) có phương tiện vận tải thủy qua biên giới. Trong đó 11 công ty vận tải xăng dầu, 9 công ty vận tải khách và 42 đơn vị vận tải hàng khô hoặc container. Trong 4 tháng đầu năm 2023, đã cấp được 272 Giấy phép vận tải qua biên giới Việt Nam - Campuchia. Trong đó, có 79 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng nguy hiểm, 193 giấy phép cấp cho phương tiện chở hàng khô.
Nỗ lực giảm thủ tục, chi phí để thúc đẩy vận tải trên tuyến
Theo Cục Đường thủy nội địa VN, kết quả vận tải trên tuyến Hiệp định có được là do những nỗ lực hai bên trong đề xuất, triển khai các giải pháp giảm thủ tục hải quan, thông quan, giảm chi phí, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp vận tải.
Nhiều phương tiện thủy thông qua cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương (tỉnh An Giang) giáp biên giới Campuchia. Ảnh: Internet
Điển hình, các tàu hoạt động vận tải thủy qua biên giới giữa Việt Nam và Campuchia sẽ được đi qua 2 cặp cửa khẩu là Vĩnh Xương hoặc Thường Phước phía Việt Nam và Kaom Samnor hoặc Koh Roka phía Campuchia. Đối với thủ tục một điểm dừng được các cơ quan chức năng của Việt Nam tiến hành tại cửa khẩu Vĩnh Xương hoặc Thường Phước. Điều này đã tạo thuận lợi, giảm thời gian chờ đợi cho các phương tiện khi quá đông.
Cùng đó, TP.HCM đã miễn phí sử dụng hạ tầng khu vực cửa khẩu cảng biển thành phố đối với hàng hóa được vận chuyển bằng phương tiện thủy trên tuyến đường thủy Hiệp định. Cơ quan hải quan hạn chế tối đa kiểm tra hải quan đối với hàng hóa quá cảnh. Các bên đã triển khai thủ tục online tại các cơ quan chức năng, tạo thuận lợi cho phương tiện, thuyền viên...
Tuy nhiên, tại hội nghị song phương đầu tháng 5 vừa qua, hai bên Việt Nam, Campuchia cũng đã trao đổi thẳng thắn về những khó khăn, vướng mắc trong thời gian thực hiện Hiệp định. Cụ thể, phương tiện không được làm thủ tục tại cửa khẩu Koh Roka phía Campuchia; Hiện chưa có quy định cụ thể về việc kiểm tra hải quan đối với hàng quá cảnh trên tuyến đường Hiệp định giữa hai nước; Phương tiện chưa được hoạt động trên tuyến Cửa Tiểu - Cái Mép Thị Vải. Mặt khác, vẫn còn khó khăn trong việc xin giấy phép vận chuyển hàng quá cảnh đã qua sử dụng.
Hai bên thống nhất đề xuất một số nội dung tạo thuận lợi cho giao thông thủy trên tuyến Hiệp định trong thời gian tới. Theo đó, thực hiện kiểm chứng trên danh bạ thuyền viên thay vì kiểm chứng trên hộ chiếu của từng thuyền viên; Bổ sung tuyến đường, cảng bến vào Phụ lục Hiệp định; Tăng thời gian của Giấy phép vận tải thủy qua biên giới đối với tàu chở hàng nguy hiểm từ 2 tháng thành 6 tháng hoặc 1 năm.
Sửa đổi mẫu Giấy phép vận tải thủy qua biên giới để phù hợp với thực tiễn, tránh lãng phí không cần thiết; Nội luật hóa quy định về kiểm tra hải quan đối với hàng quá cảnh trên tuyến Hiệp định; Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng CNTT... Mục tiêu tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp vận tải trên tuyến hoạt động hiệu quả và an toàn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận