Báo cáo Bộ GTVT giải pháp xử lý điểm xung yếu trên các tuyến đường sắt, Cục Đường sắt VN đề xuất lập dự án thay ghi tốc độ cao chính tuyến, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM.
Theo Cục Đường sắt VN, mục tiêu đầu tư dự án thay thế các bộ ghi cũ kém chất lượng trên đường chính tuyến bằng các bộ ghi tốc độ cao nhằm đảm bảo an toàn chạy tàu. Đồng thời tăng tốc độ chạy tàu thông qua các ga dọc đường, góp phần nâng cao năng lực vận tải, từ đó khai thác hiệu quả năng lực của kiến trúc tầng trên.
Về quy mô đầu tư, thay thế toàn bộ 484 ghi cũ hiện tại trên đường chính tuyến bằng các bộ ghi tốc độ cao, với tổng mức đầu tư dự kiến 2.000 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công trung hạn 2026 - 2031.
Cục Đường sắt VN cũng cho biết, tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM có chiều dài hơn 1.700km, bình diện tuyến trải dọc theo hành lang Bắc - Nam qua 21 tỉnh, thành phố, qua nhiều khu vực có địa hình khác nhau. Trong đó có nhiều đoạn đi qua khu vực địa hình hiểm trở, núi cao, bán kính đường cong nhỏ, độ dốc dọc lớn, năng lực thông qua thấp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn công trình.
Trong thời gian từ năm 2012 đến nay, đối với công trình kiến trúc tầng trên, Bộ GTVT đã triển khai nhiều dự án để cải tạo như: dự án thay tà vẹt K1, K2, tà vẹt sắt Vinh - Nha Trang (giai đoạn 1); dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM vốn 7.000 tỷ trung hạn 2016-2020; dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội - TP.HCM vốn 3.000 tỷ trung hạn 2021-2026.
Ngoài ra còn có các công trình sửa chữa định kỳ hàng năm. Vì vậy đến nay cơ bản kiến trúc tầng trên đường chính tuyến đảm bảo an toàn theo quy định, chủ yếu kiến trúc tầng trên kém chất lượng ở các đường ga.
Trong đó, ghi trên đường sắt chính tuyến đã thay thế được 199/683 bộ ghi tốc độ cao, số ghi cũ chất lượng thấp cần thay thế là 484 bộ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận