Hơn 2.600 tỷ đồng đầu tư 87 trạm thu phí tự động
Thông tin tại Dự thảo Đề án thu phí vào nội đô do Trung tâm Quản lý Giao thông công cộng Hà Nội đệ trình Sở GTVT, tổng mức đầu tư cho 87 cổng thu phí tại 68 vị trí khoảng hơn 2.600 tỷ đồng, bao gồm chi phí đầu tư xây dựng và thiết bị trung tâm điều hành, chi phí đầu tư thiết bị và lắp đặt các cổng thu phí.
Việc thu phí nội đô sẽ được thực hiện công nghệ thu phí không dừng đảm bảo tránh ùn tắc - Ảnh minh hoạ
Đơn vị tư vấn đề xuất Thành phố đầu tư hoặc hình thức đối tác công tư PPP. Cụ thể, giai đoạn thí điểm sẽ sử dụng nguồn đầu tư công lắp đặt một số cổng thu phí tại các nút giao thông trọng điểm, thường xuyên ùn tắc giao thông.
Giai đoạn hoàn chỉnh sẽ thực hiện nguồn đầu tư công hoặc một trong những hình thức như BTL (xây dựng, chuyển giao, thuê dịch vụ), hình thức BLT (xây dựng, thuê dịch vụ, chuyển giao), hình thức BOO (xây dựng, sở hữu, vận hành).
Việc thu phí sẽ được thực hiện bên trong đường Vành đai 3. Giai đoạn 1 thực hiện thí điểm thu phí theo điểm (theo vị trí) nhằm giảm lưu lượng xe ô tô từ xa, từ đó giảm tình trạng ùn ứ giao thông trên một số trục chính. Cụ thể bố trí các cổng thu phí nằm trên một số trục chính hướng vào nội đô có lưu lượng giao thông cao có nguy cơ ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, vị trí các cổng thu phí nằm ngoài vành đai 3.
Giai đoạn 1 dự kiến xây dựng 15 trạm thu phí tại 9 vị trí trên các đường Trần Duy Hưng, Giải Phóng, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp, Ngô Gia Tự cũng như trên các trục giao thông như Nguyễn Trãi, Hồ Tùng Mậu, Lê Văn Lương,
Giai đoạn 2: Sau khi thí điểm, đánh giá việc thu phí mang lại hiệu quả, tiếp tục đầu tư xây dựng 59 cổng thu phí tại 46 vị trí nhằm mở rộng khu phí toàn bộ vành đai 3 phía bờ nam sông Hồng.
Giai đoạn 3: Tiếp tục đầu tư xây dựng 13 cổng thu phí tại 13 vị trí nhằm mở rộng khu vực thu phí sang bờ Bắc sông Hồng.
Sau giai đoạn 3, dự kiến có 68 vị trí với 87 cổng thu phí. Vị trí các cổng thu phí đặt bên trong ranh giới khu vực thu phí (bố trí trên các đường hướng tâm từ bên ngoài vào trung tâm thành phố) để các phương tiện quá cảnh lưu thông trên vành đai không phải trả phí. Các vị trí và số lượng đặt cổng thu phí mới là khảo sát sơ bộ. Cụ thể từng vị trí và số lượng cổng sẽ được xác định đầy đủ trong bước lập dự án đầu tư xây dựng.
Về công nghệ thu phí, Đề án đề xuất áp dụng công nghệ thu phí không dừng. Hình thức thu phí này được kết hợp giữa công nghệ nhận diện vô tuyến RFID (công nghệ chính để thực hiện thu phí có độ chính xác cao) và công nghệ tự động nhận dạng biển số ANPR (công nghệ hỗ trợ cho công tác xử lý vi phạm) qua hệ thống camera giám sát tự động để phát hiện xe không nộp phí, phục vụ công tác truy thu phí và xử lý hành vi không nộp phí.
Công nghệ thu phí RFID có gì đặc biệt?
TS Đỗ Xuân Thu, Trưởng Bộ môn Điện tử - Viễn thông, Trường Đại học Công nghệ GTVT cho biết, hiện nay trên thế giới đang sử dụng hai công nghệ thu phí không dừng là RFID nhận dạng bằng tần số vô tuyến và DFRC là truyền thông dải ngắn dành riêng, trong đó công nghệ DFRC chủ yếu sử dụng rộng rãi ở Châu Âu và Singapore còn RFID sử dụng rộng rãi ở các nước còn lại.
Cả hai công nghệ này đều có ưu điểm và nhược điểm, tuy nhiên công nghệ RFID được các chuyên gia đánh giá là phù hợp với văn hóa và môi trường tại Việt Nam nhờ 3 ưu điểm chính là tính chính xác, chi phí sử dụng thấp, dễ dàng triển khai lắp đặt.
Hệ thống RFID sẽ được lắp trên các cổng long môn của các trạm thu phí và thẻ định danh RFID gắn trên kính và đèn của phương tiện và khi phương tiện đi qua sẽ thông qua thẻ định danh để trừ tiền. Công nghệ này có tính chính xác 98% trong điều kiện mọi thời tiết, khói bụi và nó khác với công nghệ DSRC (Dedicated short-range communication - Truyền thông dải ngắn dành riêng) là không cần duy trì nguồn cho thiết bị.
Hiện nay hệ thống thu phí không dừng trên thế giới chia làm 4 giai đoạn, ở nước ta mới ở giai đoạn đầu tiên và hướng tới giai đoạn cuối cùng là đa làn và loại bỏ các trạm thu phí mà chỉ sử dụng trên các giá long môn để ghi nhận phương tiện đi qua.
"Theo tôi việc triển khai công nghệ này có thể áp dụng cho Đề án thu phí nội đô với như các tuyến đường cao tốc, về mặt kỹ thuật, hệ thống này có khả năng liên thông với hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường đang áp dụng và nó tuân thủ các quy định chung của hệ thống ETC.
Để đảm bảo các tiêu chí kỹ thuật và đảm bảo hệ thống hiệu quả thì cần lắp đặt công nghệ này ở các vị trí phù hợp, các đầu mối giao thông để giảm thiểu ùn tắc giao thông. Chúng ta nên lựa chọn và thí điểm ở một số quận nội đô trước khi triển khai các bước tiếp theo", TS Đỗ Xuân Thu góp ý.
TS Thu cũng cho rằng, trước mắt công nghệ chúng ta sử dụng phải đồng bộ với nhau, chú trọng các giải pháp đồng bộ, phát triển giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng cần phát triển thêm để góp phần giảm thiểu gánh nặng giao thông.
Đã có nhiều nước áp dụng công nghệ thu phí nội đô, trong quá trình áp dụng này, qua nhiều năm họ đã phát triển công nghệ để hoạt động đơn giản và hiệu quả như nạp thẻ để di chuyển qua mà không cần dừng lại như tại Singapore.
Chúng ta có thể học hỏi Thủ đô London, nước Anh khi thu phí nội đô từ 2003 để cải thiện chất lượng giao thông, chất lượng không khí và giảm bớt tai nạn giao thông.
Liên quan đến số tiền lắp đặt 87 trạm thu phí nội đô, PGS.TS Nguyễn Xuân Long - Giảng viên Trường Đại học GTVT cho rằng, số tiền đầu tư lớn, chưa kể việc bố trí thêm bãi đỗ xe đi kèm. Vì vậy, để khả thi, TP nên huy động từ các nguồn đầu tư xã hội hoá. Thay vì chờ đợi ngân sách, bố trí vốn, các quy trình có thể dẫn đến kéo dài, chậm tiến độ.
Theo dự thảo Đề án, mức phí đề xuất dự kiến: Giờ cao điểm ngày thường (các ngày làm việc trong tuần): đối với các ô tô là đối tượng thu phí, mức thu đề xuất 50.000đ/lượt.
Mức phí giờ cao điểm, ngày thường đối với các xe ô tô được giảm phí sẽ là 10.000đ/ lượt, tỷ lệ xe taxi dưới 9 chỗ trở xuống được giảm phí là 10%, xe ô tô cá nhân được miễn phí 15%.
Đáng chú ý, mức thu linh hoạt thay đổi theo các khung giờ (giờ cao điểm, giờ thường và giờ thấp điểm). Trong đó, giờ thấp điểm sẽ thu thấp hơn hoặc miễn phí hoàn toàn cho các phương tiện.
Giờ cao điểm sáng từ 6h00 - 9h00 và cao điểm chiều từ 16h00 - 19h30. Không thu các giờ đêm từ 21h00 - 5h00. Các giờ còn lại mức phí bằng 50% giờ cao điểm. Không thu ngày cuối tuần, ngày lễ.
Tổng tiền thu phí hàng năm được xác định trên cơ sở phi lợi nhuận trong giai đoạn khấu hao thiết bị hệ thống thu phí khoảng 5 năm (trên thế giới thời gian khấu hao thiết bị hệ thống thu phí khoảng 3 - 5 năm).
Dự kiến với mức phí như trên , giai đoạn 1 (thí điểm 15 cổng) thu được khoảng hơn 483 tỷ đồng/ năm. Giai đoạn 2 (thêm 59 cổng) khoảng hơn 714 tỷ đồng/năm. Giai đoạn 3 (thêm 13 cổng) đạt khoảng hơn 785 tỷ đồng/năm.
Số tiền thu được từ phí dùng để bù đắp chi phí vận hành và bảo trì (O&M) hàng năm. Sau khi bù hết chi phí O&M và chi phí đầu tư hệ thống thu phí, số tiền thu được còn lại sẽ nộp vào ngân sách thành phố và được sử dụng cho các mục đích nâng cao năng lực hệ thống giao thông đô thị, giảm ùn tắc giao thông của thành phố.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận