Trong đó, các cảng hàng không, sân bay trên cả nước được chia thành ba nhóm.
Đến 2030, cần hơn 270 nghìn tỷ đồng
Theo Bộ GTVT, nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống cảng hàng không (CHK) của Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 lên đến khoảng 271.364 tỷ đồng cho các công trình thiết yếu của CHK và khoảng 76.500 tỷ đồng cho các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Trong khi đó, ngân sách Nhà nước bố trí cho Bộ GTVT chỉ đáp ứng khoảng 65,8% nhu cầu. Khả năng cân đối của TCT Cảng hàng không VN (ACV) rất khó khăn do phải tập trung nguồn lực cho các công trình trọng điểm quốc gia (CHK quốc tế Long Thành, Tân Sơn Nhất, Nội Bài…) rất cần nghiên cứu giải pháp để huy động thêm nguồn lực.
Vân Đồn là sân bay đầu tiên được xây mới hoàn toàn và do tư nhân bỏ tiền đầu tư xây dựng theo hình thức PPP
Thực tế, việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng hàng không không phải là vấn đề mới. Thời gian qua, ngành hàng không đã thực hiện huy động thông qua phương thức góp cổ phần, liên doanh liên kết, doanh nghiệp tư nhân để đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không.
Tuy nhiên, việc huy động nguồn vốn xã hội đầu tư vào lĩnh vực kết cấu hạ tầng CHK như: Đường cất/hạ cánh, đường lăn, sân đỗ tàu bay; nhà ga hành khách, nhà ga hàng hóa… chưa được thúc đẩy mạnh mẽ cũng như chưa có quan điểm phù hợp dẫn đến việc thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập.
Đồng thời, do đặc thù kết cấu hạ tầng CHK có chi phí đầu tư lớn nhưng khả năng thu hồi vốn không cao nên không hấp dẫn nhà đầu tư; nhà đầu tư chỉ tập trung thực hiện đầu tư tại một số công trình có nguồn thu cao, không áp dụng mô hình toàn cảng như CHK quốc tế Vân Đồn nên chưa phát huy hết hiệu quả và giảm áp lực gánh nặng về vốn cho Nhà nước và doanh nghiệp Nhà nước.
Thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác CHK quốc tế Cần Thơ
Trong đề án đang được Bộ GTVT lấy ý kiến, các CHK, sân bay trên cả nước được chia thành 3 nhóm. Nhóm 1 là các CHK quốc tế quan trọng quốc gia, vùng gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Phú Quốc, Long Thành.
Nhóm 2 là các CHK đang hoạt động hỗn hợp dân dụng và quân sự với vai trò quân sự quan trọng gồm: Thọ Xuân, Chu Lai, Phù Cát, Tuy Hòa.
Đây là các CHK có hoạt động quân sự chiến lược của lực lượng Không quân Việt Nam, triển khai song song hoạt động khai thác hàng không dân dụng và quân sự, huấn luyện quân sự. Tài sản kết cấu hạ tầng CHK (đường cất hạ/cánh, đường lăn...) của các cảng này do Bộ Quốc phòng quản lý, không thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT.
Nhóm 3 là các CHK còn lại gồm: Điện Biên, Nà Sản, Cát Bi, Vinh, Phú Bài, Đồng Hới, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Cần Thơ, Rạch Giá, Cà Mau và Côn Đảo.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT đề xuất không huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình thiết yếu tại các CHK nhóm 1, 2. ACV sẽ chịu trách nhiệm quản lý, khai thác và huy động nguồn lực để đầu tư; Huy động nguồn vốn xã hội đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không theo hình thức đầu tư trực tiếp.
Đối với các CHK nhóm 3, sẽ huy động nguồn vốn xã hội để đầu tư theo hình thức nhượng quyền đầu tư, khai thác. Riêng đối với các CHK mới (như Sa Pa, Quảng Trị, Lai Châu), sẽ thực hiện huy động nguồn vốn xã hội đầu tư theo phương thức PPP.
Về cách thức triển khai, với nhóm 1, 2, sẽ thực hiện ngay sau khi Bộ GTVT ban hành Thông tư hướng dẫn đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các công trình dịch vụ chuyên ngành hàng không (dự kiến quý IV/2021).
Đối với nhóm 3, để áp dụng mô hình nhượng quyền đầu tư, khai thác các công trình thiết yếu của CHK cần phải nghiên cứu, điều chỉnh, bổ sung Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo hình thức PPP nhằm quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi hoàn thiện quy định pháp luật này, Bộ GTVT đề xuất thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác CHK quốc tế Cần Thơ.
Bộ GTVT cho biết, CHK quốc tế Cần Thơ có tiềm năng phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa phát huy hiệu quả nên cần phải có phương thức quản trị mới, hiện đại, năng động để có thể hấp dẫn hành khách đi và đến, chia sẻ cho CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;
Cùng đó, TP Cần Thơ định hướng quy hoạch, phát triển khu kinh tế hàng không logistics đa ngành nghề cấp quốc gia, trong đó có phát triển trung tâm logistics hàng không. Do đó cần có cơ chế quản trị CHK quốc tế Cần Thơ năng động, thích ứng với thị trường để phối hợp với TP Cần Thơ phát triển trung tâm logistics hàng không.
Hơn nữa, CHK quốc tế Cần Thơ đã được đầu tư cơ sở hạ tầng tương đối tốt, nhà đầu tư không bị gánh nặng lớn trong việc đầu tư phát triển hạ tầng.
Mở ra một hướng đi mới
Máy bay đỗ tại sân bay Vân Đồn
Bộ GTVT cũng nêu rõ các bước triển khai, trong đó đầu tiên là hoàn thiện hệ thống luật pháp, cụ thể là điều chỉnh, bổ sung Luật Quản lý sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư theo hình thức PPP để quy định rõ hình thức đầu tư, cách thức lựa chọn nhà đầu tư nhượng quyền đầu tư, khai thác tài sản kết cấu hạ tầng.
Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo ACV thành lập công ty con quản lý CHK quốc tế Cần Thơ và thực hiện hạch toán độc lập trước khi chuyển đại diện chủ sở hữu công ty cho Bộ GTVT.
Cuối cùng, Bộ GTVT tổ chức xây dựng phương án sử dụng kết cấu hạ tầng CHK hiện có để tham gia dự án đầu tư theo hình thức PPP, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định để tổ chức đấu thầu nhượng quyền đầu tư, khai thác CHK quốc tế Cần Thơ theo quy định của pháp luật.
Cùng với các quá trình trên, UBND TP Cần Thơ thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được quy hoạch cho hàng không dân dụng và đất dùng chung cho Cảng vụ Hàng không miền Nam.
Góp ý triển khai đề án, Tổng giám đốc ACV Vũ Thế Phiệt cho rằng, với nguồn lực Nhà nước còn hạn chế, việc huy động các nguồn lực từ các thành phần kinh tế để tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng hàng không nhằm tạo bước đột phá, thúc đẩy tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, thúc đẩy liên kết vùng thực hiện “mục tiêu kép” là hướng đi đúng.
“Mô hình đầu tư CHK quốc tế Vân Đồn đã mở ra một hướng đi mới, đầy triển vọng, đóng góp cho sự phát triển của ngành hàng không dân dụng Việt Nam. ACV ủng hộ chủ trương xã hội hóa đầu tư kết cấu hạ tầng CHK sân bay. Việc xây dựng Đề án để triển khai thực hiện là cần thiết”, ông Phiệt cho biết.
Mặc dù vậy, ông Phiệt cũng cho hay, ACV là doanh nghiệp Nhà nước, hoạt động dưới mô hình công ty cổ phần, là công ty đại chúng đã niêm yết trên sàn Upcom, việc chuyển giao tài sản cần thực hiện theo các quy định Luật Doanh nghiệp, Luật Chứng khoán... với nhiều bước, thủ tục quy trình phức tạp. Do đó, Đề án cần đánh giá đầy đủ và có thời gian, lộ trình cụ thể.
Mục tiêu cụ thể của Đề án huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng CHK là xác định danh mục dự án và lộ trình huy động nguồn vốn. Năm 2023, hoàn thành cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về nhượng quyền đầu tư, khai thác kết cấu hạ tầng CHK. Năm 2026, hoàn thành thí điểm nhượng quyền đầu tư, khai thác CHK quốc tế Cần Thơ. Đến năm 2030, nâng tỷ trọng huy động nguồn vốn xã hội đầu tư kết cấu hạ tầng CHK theo phương thức PPP, phương thức nhượng quyền đầu tư, khai thác và phương thức đầu tư trực tiếp tại các CHK của Việt Nam từ 20,5% lên 24,9%.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận