Đó là thông tin ông Trần Việt Hoà, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho Báo Giao thông biết về tình hình thực hiện Nghị định 80, có hiệu lực từ ngày 3/7/2024.
"Cung và cầu dễ gì gặp được nhau"
Theo ông Hoà, nghị định này không cần ban hành thông tư để hướng dẫn triển khai thực hiện, chính vì vậy, nội dung Nghị định 80 đã chi tiết và cụ thể để các đơn vị có thể triển khai thực hiện.
Cụ thể, chương II quy định rõ mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, chương III là quy định cho việc mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, chương IV là trình tự thực hiện và chế độ báo cáo…
Ông Hoà cũng cho biết, ngay sau khi Nghị định 80 được ban hành, lãnh đạo Bộ đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), các đơn vị trực thuộc và UBND các tỉnh tổ chức thực hiện.
Trong đó, các địa phương được yêu cầu chỉ đạo các cơ quan chuyên môn về điện lực kiểm tra giám sát việc tuân thủ các quy định về quy hoạch, cấp phép, an toàn…
Cục đã chỉ đạo EVN khẩn trương thực hiện tính toán các chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện năm 2024, báo cáo trong tháng 8. Gồm chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch, hệ số tổn thất trên lưới phân phối năm 2024. Các chi phí này sẽ được công bố để các bên đánh giá hiệu quả trước khi tham gia.
Mục tiêu của cơ chế DPPA là để đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng, hướng đến sản xuất xanh; góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường; là bước chuẩn bị cần thiết để chuyển sang vận hành thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam.
Dù vậy, đến nay chưa doanh nghiệp nào đăng ký tham gia DPPA, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực lý giải: "Có nhiều lý do. Có doanh nghiệp lớn họ muốn tìm một đầu mối phát điện có đủ tổ hợp với công suất phát lớn (trên 1.000 MW chẳng hạn) nhưng khó có đơn vị phát điện nào đáp ứng được. Một số doanh nghiệp đang trong quá trình tìm kiếm, trao đổi, thỏa thuận (sẽ mất tương đối thời gian trong khâu này để có thể đi đến thống nhất), khi nào thống nhất được họ mới đăng ký tham gia.
Về phía đơn vị phát điện, phần lớn đều đã ký hợp đồng PPA với EVN, họ cũng đang cân nhắc việc tham gia cơ chế này, phần lớn cũng chẳng mặn mà. Đối với các dự án chưa xây dựng cũng đang trong quá trình tìm hiểu. Cơ chế DPPA này là cơ chế lựa chọn vì vậy cung và cầu dễ gì gặp được nhau và có thỏa thuận thống nhất".
Bổ sung Quy hoạch điện VIII để khách hàng nhỏ có cơ hội tham gia
Liên quan đến việc thực hiện nghị định này, Văn phòng Chính phủ cũng vừa có văn bản truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Nghị định 80 chỉ áp dụng với 7.000 khách hàng thuộc diện khách hàng lớn. Những khách hàng này phải có lượng tiêu thụ điện trung bình 200.000kWh/tháng mới được tham gia cơ chế DPPA.
Thế nhưng, thực tế hiện nay có hàng chục nghìn doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ hơn có nhu cầu DPPA.
Trước thực tế này, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn nghiên cứu kỹ Quy hoạch Điện VIII để bổ sung thêm nguồn điện tái tạo, nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người dân tham gia vào sản xuất, tiêu thụ và tham gia vào thị trường điện công khai minh bạch phục vụ cho tăng trưởng xanh và xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường yêu cầu phải sử dụng năng lượng sạch, cho giai đoạn mùa khô 2025.
Thủ tướng cũng giao Phó thủ tướng Trần Hồng Hà và Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn đồng chủ trì cuộc họp cùng với các cơ quan chức năng để triển khai sớm việc rà soát, bổ sung Quy hoạch điện VIII trong tháng 10/2024 và các văn bản liên quan kèm theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận