Hỏi:
Hiện nay, tại nhiều tuyến phố tình trạng nhiều người vô tư họp chợ, bày bán hàng kín vỉa hè, thậm chí để hàng hóa tràn ra lòng đường khiến người đi bộ phải đi xuống đường tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất ATGT.
Xin hỏi hành vi họp chợ, bày bán hàng dưới lòng đường, vỉa hè bị xử lý thế nào?
Nguyễn Đức Văn (Hoàn Kiếm, Hà Nội)
Dù đã đặt biển cấm buôn bán hàng rong, lấn chiếm vỉa hè lòng đường, tuy nhiên dọc đường Đặng Văn Sâm ranh giới giữa phường 3, quận Gò Vấp và phường 9, quận Phú Nhuận tình trạng trên vẫn thường xuyên diễn ra
Luật sư Nguyễn Văn Phong (Đoàn Luật sư Hà Nội) trả lời:
Luật Giao thông đường bộ quy định rõ lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông, cấm thực hiện các hành vi mua, bán hàng hóa, họp chợ trên đường và một số hành vi khác gây cản trở giao thông.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng sẽ bị phạt từ 100 - 200 nghìn đồng với cá nhân, từ 200 - 400 nghìn đồng đối với tổ chức.
Đối với hành vi chiếm dụng dải phân cách giữa của đường đôi làm nơi bày, bán hàng hóa và hành vi họp chợ, mua, bán hàng hóa trong phạm vi đất ở đoạn đường ngoài đô thị, cá nhân bị phạt 300 - 400 nghìn đồng; tổ chức bị phạt gấp đôi.
Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa, cá nhân bị phạt từ 2 -3 triệu đồng; tổ chức bị phạt gấp đôi đối với cá nhân.
Bày, bán máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu xây dựng hoặc sản xuất, gia công hàng hóa trên lòng đường đô thị, hè phố. Cá nhân bị phạt từ 4 - 6 triệu đồng; tổ chức bị phạt gấp đôi đối với cá nhân.
Nếu chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố làm nơi trông, giữ xe thì bị phạt tiền như sau: Chiếm dụng từ 5m2 đến dưới 10m2: Phạt từ 4 - 6 triệu đồng đối với cá nhân, 8 - 12 triệu đồng với tổ chức.
Chiếm dụng từ 10m2 đến dưới 20m2: Phạt từ 6 - 8 triệu đồng đối với cá nhân, 12 - 16 triệu đồng với tổ chức.
Chiếm dụng từ trên 20m2: Phạt từ 10 - 15 triệu đồng đối với cá nhân, 20 - 30 triệu đồng với tổ chức.
Ngoài việc bị áp dụng hình thức phạt tiền, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả tùy vào từng hành vi cụ thể.
Thẩm quyền xử phạt đối với các hành vi này thuộc về các lực lượng TTGT, CSGT, Cảnh sát trật tự, Cảnh sát phản ứng nhanh, Cảnh sát cơ động, Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Trưởng công an cấp xã.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận