Cây cầu vừa hợp là cây cầu cao nhất trên toàn tuyến, độ tĩnh không trên 47m, dài 894m, nằm vắt qua hai ngọn núi ở thung lũng Sông Trâu, nối hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận.
Hạ quyết tâm cao như người lính Điện Biên Phủ
Việc hợp long cầu số 3 Km60 được coi là hạng mục quan trọng cuối cùng của dự án cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Công ty 194 - Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư, chuẩn bị thông xe kỹ thuật toàn tuyến vào 30/12, tạo tiền đề cho việc đưa dự án vào khai thác vào 30/3/2024.
Sáng 4/12, trời bất chợt đổ mưa to trên toàn dự án. Dù vậy, trên công trường, hàng trăm công nhân, kỹ sư, thiết bị máy móc đã sẵn sàng cho công đoạn hợp long.
Đúng 11h30, đứng trên bản mặt cầu bê tông vừa đổ đêm trước, trước hàng trăm công nhân đã vào vị trí, ông Trần Lệnh Phú phát lệnh: "Tôi tuyên bố: hợp long cầu Km60". Máy cẩu chuyển động, chiếc dầm bê tông dài 38m, nặng vài chục tấn được ghép ngang, hình thành thân cầu. Cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã chính thức được nối thông toàn tuyến.
Toàn cảnh việc hợp long cầu Km60.
Anh Đặng Quang Việt, Chỉ huy trưởng công trình cầu Km60 xúc động muốn rơi nước mắt. Sau 20 tháng nằm gai nếm mật với cây cầu cấp 1 có độ kỹ thuật thi công khó, anh và hàng ngàn lượt nhân công nay đã nhìn thấy thành quả mồ hôi và nước mắt của mình và đồng đội.
Kỹ sư Việt cho biết, cầu số 3 có 22 nhịp, 2 mố và 21 trụ. Trong đó có trên 15 trụ cao trên 40m, trụ cao nhất 47,5m. Khó khăn đầu tiên khi thi công cầu số 3 này là địa hình.
Cầu số 3 nằm ở thung lũng Sông Trâu, nằm giữa hai ngọn núi. Để đưa được thiết bị siêu trường, siêu trọng nặng trên 100 tấn vào công trình, thì phương tiện vận chuyển phải vượt qua 6 ngọn núi. "Cứ phải bạt núi đưa thiết bị vào", anh nói.
Và đó cũng là lý do mà ông Trần Lệnh Phú đặt tên cho hai ngọn núi ở hai đầu cầu là Đồi A1 và Đồi Pha Đin, để hạ quyết tâm phải chinh phục mọi gian nan như ngày xưa bộ đội ta vào chiến dịch Điện Biên Phủ.
"Chúng tôi với sự quyết liệt của Chủ tịch Công ty 194, đã hạ quyết tâm và phá đá, bạt núi mở đường, đưa thiết bị xe khoan đặc dụng trên 100 tấn vào công trình. Nhờ đó mới có thể khoan được 229 cọc nhồi với cường độ đá lên 1.500 – 1.600 (đơn vị độ cứng vật lý của nền đá gốc)", anh nói.
Quá trình khoan cọc nhồi diễn ra thuận lợi vì công ty đã dự báo được các tình huống khó khăn để có phương án ứng phó.
Một khó khăn khác cũng được khắc phục là thi công thân trụ. "Trong điều kiện môi trường nắng mưa cực đoan, độ cao trụ trên 40m và gió rất mạnh, việc thi công suốt 20 tháng an toàn cũng là một thắng lợi lớn tôi do chúng sử dụng đội ngũ lao động lành nghề", kỹ sư Việt tự hào.
Thi công đảm bảo kỹ thuật và an toàn, theo anh Nguyễn Thanh Phong, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án, là một yêu cầu rất khắt khe từ công ty 194.
Đã đạt 80% khối lượng thi công
"Hợp long cầu số Km60 là một hạng mục quan trọng, chúng ta rất tự hào. Nhưng chúng ta cũng phải biết để thông xe kỹ thuật vào 30/12 và đưa vào khai thác ngày 30/3/2024, tập thể chúng ta còn phải rất cố gắng", ông Trần Lệnh Phú tâm tình với anh chị em công nhân, kỹ sư tại công trường.
Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo đoạn Công ty 194 đảm trách từ Km54 - Km 92+260, nối từ huyện Cam Lâm (Khánh Hoà) sang huyện Ninh Sơn (Ninh Thuận) hiện đã đạt sản lượng khoảng 80%.
Hiện dự án đang tăng tốc về đích, công trường bố trí 36 mũi thi công cầu và đường với trên 400 thiết bị máy móc, 600 công nhân có mặt làm việc bất kể ngày đêm.
"Phần tuyến đã cơ bản thảm bê tông nhựa C16 lớp mặt hoàn thiện, hiện còn dở dang khoảng 8km thuộc phạm vi gần các đồi đá. Song song đó, chúng tôi đang hoàn thiện lắp dải phân cách, tôn sóng, biển báo, sơn vạch kẻ đường… cố gắng gấp rút hoàn thiện các hạng mục còn lại", ông Phú cho biết.
Theo các kỹ sư thi công, khó khăn lớn nhất là phần đào đá còn khoảng hơn 200.000m3, công ty đang tập trung huy động mọi nguồn lực để hoàn thành.
Dự án cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo có tổng vốn đầu tư 13.687 tỷ, chiều dài tổng 78,5km đi qua 3 tỉnh Khánh Hòa – Ninh Thuận – Bình Thuận.
Dự án được khởi công trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 (tháng 9 năm 2021) là thời điểm rất khó khăn. Sau đó, biến động giá cả vật liệu, nhiên liệu càng làm khó khăn chồng chất.
"Chính vì thế, chúng tôi ý thức rằng càng phải quyết tâm hoàn thành cao hơn bao giờ hết vì đây là dự án trọng điểm cấp quốc gia, đồng thời là một trong những dự án thông xe cuối của đoạn cao tốc từ Khánh Hòa về TP.HCM, rút ngắn thời gian vận chuyển để phục vụ phát triển kinh tế, xã hội cho đất nước", ông Trần Lệnh Phú nêu quyết tâm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận