Cơ sở hạ tầng khang trang, hiện đại, trong đó lấy ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin vào vận hành hoạt động; chất lượng dịch vụ, phục vụ được ưu tiên hàng đầu đem lại sự tiện lợi, thoải mái nhất cho nhà xe và hành khách… Đó là những gì mà các doanh nghiệp vận tải và người dân đánh giá về Bến xe phía Đông TP Vinh, Nghệ An.
Hiện đại về hạ tầng
22h đêm, TP Vinh vẫn nóng hầm hập. Sau một ngày nắng nóng quay quắt kéo dài, nhiệt lượng tỏa xuống mặt đường bốc ngược trở lại khiến mọi người vẫn ngại ra ngoài. Thế nhưng, tại bến xe phía Đông TP Vinh do Công ty TNHH Văn Minh đầu tư xây dựng và khai thác, mọi hoạt động vẫn diễn ra nhộn nhịp, sôi động.
Bến xe phía Đông TP Vinh ở sát QL46 (xóm 3, xã Nghi Phú, TP. Vinh, Nghệ An) có diện tích gần 7.000 m2; công suất phục vụ 574 xe xuất bến/ngày đêm. Bến đưa vào hoạt động từ đầu năm 2020.
Hiện, bến có hơn 100 tuyến vận tải hành khách cố định đi và đến các tỉnh, thành phố trong cả nước và 37 tuyến vận tải hành khách cố định nội tỉnh.
Bến được tổ chức giao thông, phân luồng như sau: Đối với các tuyến liên tỉnh phía Bắc và các tuyến nội tỉnh đi các huyện dọc QL1, QL7, QL48 hoạt động theo hướng: Bến xe phía Đông - QL46 - rẽ phải theo đường Thăng Long ra QL1- các tỉnh phía Bắc và các huyện trên.
Đối với các tuyến liên tỉnh phía Nam và các tuyến nội tỉnh đi các huyện dọc QL46 và các tuyến hoạt động theo tuyến đường Hồ Chí Minh: Bến xe phía Đông - QL46 - đường Đặng Thai Mai - rẽ trái theo đường tránh TP. Vinh - cầu Bến Thủy 2 - các tỉnh phía Nam.
Đang tranh thủ check mail để xử lý công việc trước khi lên xe đi Hà Nội, anh Phan Văn Cường (36 tuổi, trú ở phường Hưng Phúc, TP Vinh) chia sẻ: Do đặc thù công việc nên mình đã đến khá nhiều bến xe trên cả nước trong đó có nhiều bến xe lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, mình vẫn có nhiều ấn tượng đẹp về Bến xe phía Đông TP Vinh.
“Thứ nhất là sự sạch sẽ, nhất là nhà vệ sinh. Nói không ngoa thì lúc nào cũng sạch như vào nhà vệ sinh ở sân bay.
Thứ 2 là nhà chờ luôn có điều hòa mát lạnh, hệ thống wifi và được phục vụ nước miễn phí. Khách đến không bị chèo kéo, quấy rầy. Không biết có duy trì được lâu không nhưng mọi thứ đều rất ngăn nắp trật tự. Đúng là bến xe “văn minh”, anh Cường cho hay.
Theo quan sát của PV, khu vực nhà chờ của khách được bố trí ở tầng 1 của nhà điều hành bến. Ngay vị trí chính diện là khu vực quầy bán vé của các nhà xe, phía đối diện được công ty bến bố trí 2 dãy ghế băng để khách nghỉ chân trong khi chờ xe.
Ngoài ra, còn có qua quầy bar để được phục vụ cà phê, nước giải khát đầy đủ các loại với giá cả phải chăng.
Để hỗ trợ những hành khách lớn tuổi hoặc không thể đi lại, bến xe cũng đã bố trí nhiều xe lăn ở bên trong nhà chờ.
Phía bên ngoài là vị trí các xe đậu đỗ đón khách, khu giao nhận hàng hóa, trung chuyển khách nội thành... tất cả đều tách biệt, nhưng liên kết với nhau thành 1 chuỗi nhịp nhàng, hiện đại.
Anh Lương Kim Hải - Quản lý đội xe Limousine Sao Nghệ - Công ty TNHH ô tô Vinh, cho biết: Ngay khi bến xe đưa vào khai thác, công ty đã đăng ký 8 đầu xe dòng xe VIP hoạt động tuyến TP. Vinh - Hà Nội và ngược lại.
Dù đã có khá nhiều nhà xe đăng ký hoạt động nhưng nhờ bố trí, sắp xếp hoa học, hợp lý nên không xảy ra hiện tượng chồng lấn giữa các nhà xe với nhau. An ninh, trật tự tại bến được đảm bảo.
Ngoài ra nhờ áp dụng phần mềm hiện đại, dùng công nghệ quản lý xe ra - vào bến, tích hợp thẻ từ cho phương tiện nên thời gian chờ đợi làm thủ tục của các xe giảm đi rất nhiều.
Cũng theo anh Hải: Bến xe là nơi có đủ thành phần nên vấn đề vệ sinh công cộng khó được đảm bảo. Thế nhưng khi vào bến xe phía Đông, nhìn thấy mọi nơi đều sạch sẽ, ngăn nắp nên anh em nhà xe chúng tôi cũng luôn tự nhủ mình phải giữ gì vệ sinh chung, sau đó là nhắc nhở hành khách.
Từ đó, mọi thứ đi vào nề nếp, cảm giác như ai đến đây cũng từ tốn, nhã nhặn hơn.
Văn minh về phục vụ
Đi liền với cơ sở hạ tầng hiện đại, chất lượng phục vụ cũng được công ty bến đặc biệt quan tâm. Tất cả mọi khách hàng, bất kể của nhà xe nào, đi nội tỉnh hay ngoại tỉnh đều được đón tiếp, phục vụ chu đáo, tận tình.
Ngay ở cửa ra vào nhà chờ của bến lúc nào cũng có 2 – 3 nhân viên làm nhiệm vụ đón tiếp. Khi khách bước vào, các nhân viên này cúi chào, rồi ân cần thăm hỏi hành khách cần hỗ trợ gì để được phục vụ.
Nếu khách có thể tự giải quyết công việc thì sẽ được nhân viên mời vào ghế ngồi chờ trước khi lên xe bắt đầu hành trình. Đến giờ, nhân viên bến sẽ thông báo trên loa về số xe chuẩn bị xuất bến, vị trí đang đậu trong bến và thời gian xuất hành để hành khách có thể dễ dàng tìm thấy phương tiện của mình.
Đối với các hành khách vào bến bằng xe trung chuyển thì sau khi xe tới bến, nhân viên sẽ vận chuyển hành lý vào nhà chờ thay hành khách.
Là một sinh viên ở Hà Nội, mỗi lần ra trường bố mẹ đều gửi theo nhiều đồ ăn nên chuyến đi nào của nữ sinh Hoàng Thị Liên (21 tuổi, ở xã Nghi Phú, TP Vinh) cũng luôn trong tình trạng “tay xách nách mang”. Liên cho biết: Nhiều hôm em phải phát cáu lên vì hàng hóa cồng kềnh, lếch nhếch. Không mang thì sợ bố mẹ tủi thân, mà mang thì khổ mình đi đêm hôm, lại là con gái nên không mang vác được. May là từ khi đi bến xe phía đông TP Vinh, mọi thứ trở nên dễ dàng. Em chỉ việc cầm túi xách lên xe, hành lý, hàng hóa đã có nhân viên của Công ty Văn Minh lo.
Khi được hỏi vì sao lại đầu tư bến xe trong khi ở TP Vinh đã có rất nhiều bến xe, thậm chí có bến xây 100 tỷ rồi chịu cảnh thua lỗ, ông Nguyễn Đàm Văn - Giám đốc Công ty TNHH Văn Minh: Tôi không muốn thổi phồng, hay nói gì to tát về bến của chúng tôi.
Tôi đầu tư bến xe, trước mắt là phục vụ cho khách hàng đã và đang tin tưởng sử dụng dịch vụ vận tải khách, chuyển phát hàng hóa của Văn Minh. Sau đó, là muốn đem đến cho khách hàng chất lượng và sự phục vụ tốt nhất, một bến xe “văn minh” theo đúng nghĩa.
Sau 13 năm thành lập và hoạt động, Công ty TNHH Văn Minh đã đem lại cho người dân những trải nghiệm hoàn toàn khác về dịch vụ vận tải khách với thương hiệu “Xe Văn Minh” uy tín – chất lượng.
Đến năm 2016, công ty này tiếp tục mở rộng sang khai thác lĩnh vực vận chuyển hàng hóa, chuyển phát bưu chính.
Sau 3 năm hoạt động, đến năm 2019, công ty đã có 35 văn phòng bán vé và giao nhận, tổng số 60 xe tải các loại vận chuyển hàng hóa; 27 xe giường nằm, 13 xe trung chuyển khách.
Cũng trong năm đó, Công ty Văn Minh khánh thành và đi vào hoạt động Trung tâm Xuất khẩu lao động Văn Minh, để đào tạo và đưa lao động đi Đài Loan làm việc, đưa học viên đi du học tại Cộng hòa liên bang Đức và Nhật Bản.
Một số hình ảnh về Bến xe phía Đông TP Vinh mà PV Báo Giao thông ghi lại:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận