Thản nhiên hút thuốc ngay trong khuôn viên Bệnh viện Nhi đồng 2 - Ảnh: Thu Hường |
Thuốc lá vẫn tràn lan nơi công cộng
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, trên nhiều tuyến đường, nhà ga, bến tàu, khu vực trường học, bệnh viện, thậm chí trên cả các tuyến đường ở Hà Nội... vẫn xuất hiện tình trạng hút thuốc lá bừa bãi.
Cụ thể, trong ngày 6/3 tại khu vực bến xe Mỹ Đình, dù có nhiều bảng cấm hút thuốc và nêu cả tác hại nhưng nhiều người vẫn làm ngơ và hút thuốc bình thường. Tại các quán ăn, quán nước gần đó vẫn ngang nhiên bày bán thuốc lá mà không vướng phải sự can thiệp của cơ quan chức năng. Địa điểm vui chơi, giải trí dành riêng cho trẻ em cũng là nơi cấm hút thuốc lá. Thế nhưng, tại công viên Thủ Lệ, thời điểm có mặt PV dễ dàng bắt gặp cảnh nhiều người tay dắt con miệng vẫn phì phèo điếu thuốc.
Tại Nghị định 155 ngày 18/11/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Chính phủ đã quyết định tăng mức phạt đối với một loạt các hành vi vi phạm về vệ sinh nơi công cộng. Theo Khoản 1, Điều 20 của nghị định, hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu và tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 500 nghìn - 1 triệu đồng, gấp 10 lần mức phạt được quy định trước đây. Nghị định đã có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/2/2017. |
Chị Nguyễn Thị Thêu (Yên Nghĩa, Hà Đông) kể: “Hôm trước, trên đường đến công ty làm việc, khi dừng đèn đỏ tôi gặp ngay một thanh niên hút thuốc. Đáng nói nam thanh niên này hút xong thản nhiên ném mẩu thuốc còn cháy dở vào người tôi mà chẳng hề có chút hối lỗi nào. Văn hóa hút thuốc nơi công cộng của mình còn rất kém, tôi đề nghị cần phải có quy định xử phạt mạnh hơn, nhất là với những trường hợp hút thuốc nơi công cộng”, chị Thêu bày tỏ.
Theo các chuyên gia, khí thải khói thuốc lá góp thêm hàng nghìn tấn chất gây ung thư, chất độc và khí nhà kính vào môi trường. Khi hút thuốc lá hoặc sống chung với người hút thuốc, khói thuốc hít qua phổi ngấm vào máu, tích lũy lâu ngày trở thành điều kiện và nguyên nhân gây nên các bệnh tim mạch, viêm nhiễm đường hô hấp gây tổn thương mạch máu.
Người hút thuốc lá chủ động hoặc thụ động dễ bị các bệnh như: Rụng tóc, đục thủy tinh thể, da nhăn, giảm thính lực, sâu răng, ung thư da, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, loãng xương, bệnh tim mạch, vàng móng tay, ung thư cổ tử cung, tinh trùng biến dạng, bệnh vảy nến, viêm tắc mạch máu, ung thư phổi và các cơ quan khác như: Mũi, miệng, lưỡi, tuyến nước bọt, họng, thanh quản, thực quản, thận, dương vật, tụy… Ngoài ra, hút thuốc lá còn làm giảm số lượng và chất lượng tinh trùng, dễ dẫn đến vô sinh ở nam giới; tăng nguy cơ ung thư tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ung thư vú, đối với phụ nữ; dễ bị còi xương, trí tuệ chậm phát triển, suy dinh dưỡng đối với trẻ em.
Cần có quy định chặt chẽ vì môi trường sống không khói thuốc
Trao đổi với Báo Giao thông, BS. Đặng Quốc Khánh, Trưởng phòng Y tế dự phòng và các chương trình y tế, (Cục Y tế GTVT) khuyến cáo, để xây dựng một môi trường sống không khói thuốc lá, trước hết, bản thân người nghiện thuốc cần có ý thức bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách giảm số lượng thuốc hút hàng ngày, tiến dần đến bỏ hẳn thuốc lá.
Còn những người không hút thuốc tốt hơn hết không lại gần nơi có người đang hút thuốc, nếu phải sống chung, làm việc chung thì nên mạnh dạn góp ý, nhắc nhở, thậm chí đấu tranh với hành vi hút thuốc. Ở một số nơi công cộng nên có khu vực hút thuốc và khu vực không hút thuốc để khách hàng lựa chọn. Ở các cơ quan, công sở, nội bộ nên có sự tự giám sát và đưa vào tiêu chí thi đua cá nhân hoặc theo từng đơn vị, có thể áp dụng để trừ vào tiền thưởng định kỳ. Trong phong trào xây dựng “Công sở văn minh, sạch đẹp, an toàn”, cần nghiêm khắc đánh điểm kém với những nơi có người còn hút thuốc.
Cũng theo BS. Đặng Quốc Khánh, về các hình thức chế tài, để các quy định xử phạt được áp dụng trong thực tế, cần phân biệt rõ: Đối với các cơ sở dịch vụ (nhà hàng, quán ăn, xe buýt, nhà hát, vũ trường…) nên phạt trực tiếp người quản lý hoặc chủ các cơ sở dịch vụ để khách hàng hút thuốc. Biện pháp này buộc các điểm cung cấp dịch vụ phải quản lý chặt chẽ khách của mình, có biện pháp nhắc nhở, ngăn chặn hoặc ngừng cung cấp dịch vụ những khách hàng vi phạm.
Đối với người hút thuốc ở công viên, ngoài đường… nên do lực lượng cảnh sát môi trường xử lý. Trước mắt, có thể lực lượng này còn ít, số trường hợp bị xử phạt chưa nhiều, nhưng dần dần khi đội ngũ này được mở rộng, có thể kết hợp để xử phạt những hành vi gây ô nhiễm môi trường khác như: Phóng uế, xả rác, khạc nhổ… Ngoài ra, cần xử lý nghiêm các điểm bán thuốc lá nếu bán thuốc cho trẻ em hoặc không có biểu tượng cảnh báo tác hại của thuốc lá đúng mức.
“Bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của mỗi người dân là trách nhiệm của mọi người. Trong đó, việc phòng chống hành vi hút thuốc ở nơi có đông người cần phải được thực hiện thường xuyên, nghiêm túc để bảo đảm sức khỏe người dân”, BS. Đặng Quốc Khánh nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận