Quản lý

Huy động 250.000 tỷ mở rộng cao tốc cách nào?

Bộ Kế hoạch - Đầu tư vừa báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án đầu tư, nâng cấp, mở rộng 28 tuyến cao tốc, tổng nhu cầu vốn khoảng 247.660 tỷ đồng. Vậy làm thế nào để huy động được nguồn lực này?

Báo Giao thông trao đổi với TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia xung quanh vấn đề này.

Huy động 250.000 tỷ mở rộng cao tốc cách nào?- Ảnh 1.

TS Lê Xuân Nghĩa.

Phát hành trái phiếu Chính phủ khả thi

Theo Bộ KH&ĐT, tổng nhu cầu vốn khoảng 247.660 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay ngân sách Trung ương và địa phương mới cân đối được 18.763 tỷ đồng cho 5 dự án, đáp ứng 8%. Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, theo ông việc huy động thế nào?

Đúng là khu vực kinh tế tư nhân của chúng ta hiện nay vẫn đang phải vật lộn để vượt qua giai đoạn khó khăn. Song ngân sách Nhà nước về cơ bản vẫn ổn định, có thể đáp ứng được chi thường xuyên.

Còn vốn cho đầu tư phát triển chủ yếu trông cậy vào phát hành trái phiếu như lâu nay vẫn làm. Mà với phát hành trái phiếu, tôi cho rằng đây là thời điểm hội tụ nhiều yếu tố thuận lợi.

Yếu tố thuận lợi theo ông là gì?

Trước hết, lãi suất gửi tiết kiệm tại ngân hàng đang ở mức thấp, người dân có nhu cầu tìm kiếm kênh đầu tư hiệu quả hơn. Song các kênh đầu tư quen thuộc khác hoặc đang kém thanh khoản như bất động sản, biên độ rủi ro quá lớn như vàng, hoặc đòi hỏi có kiến thức, kinh nghiệm như chứng khoán…

Trong khi đó, trái phiếu Chính phủ luôn là kênh an toàn, đặc biệt trong bối cảnh vẫn còn dư âm khủng hoảng niềm tin về trái phiếu doanh nghiệp. Do vậy, phương án phát hành trái phiếu hoàn toàn khả thi.

Thứ hai, các đơn vị mua trái phiếu Chính phủ đều là các ngân hàng thương mại. Hiện tại, tiền trong ngân hàng dồi dào, song việc không triển khai các dự án mới đã và đang gây khó khăn cho hoạt động giải ngân. Do vậy, khi Chính phủ phát hành trái phiếu với lãi suất hấp dẫn, khoản huy động hơn 200.000 tỷ đồng là chuyện không khó.

Cơ sở nào để ông khẳng định điều đó?

Tổng tài sản của các ngân hàng hiện vào khoảng hơn 16 triệu tỷ đồng. Ngay cả khi con số cần huy động lớn hơn, để vừa làm đường bộ, vừa làm đường sắt tốc độ cao là khoảng 500.000 tỷ thì cũng chỉ tương đương 3% tổng tài sản của nhóm này.

Thông thường, các ngân hàng thương mại bao giờ cũng dành ra 4-5% tổng tài sản để mua trái phiếu, nhất là trái phiếu Chính chủ. Bởi từ trước đến nay, trái phiếu Chính phủ luôn là danh mục đầu tư an toàn, ổn định.

Hấp dẫn vì không có rủi ro

Nhưng chúng ta còn rất nhiều lĩnh vực khác ngoài giao thông cần được đầu tư từ nguồn huy động từ trái phiếu Chính phủ. Điều đó có là trở ngại cho dòng vốn đổ vào giao thông?

Hiện tại, Chính phủ đã huy động được 450.000 tỷ đồng trái phiếu cho các mục tiêu khác nhau. Đây vẫn là con số khiêm tốn so với quy mô của các ngân hàng. Không chỉ vậy, chúng ta hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tham gia của khối ngoại thông qua các quỹ đầu tư lớn như: Dragon Capital, Vina Capital, ETF…

Huy động 250.000 tỷ mở rộng cao tốc cách nào?- Ảnh 2.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, việc nâng cấp, mở rộng 28 tuyến cao tốc cần tổng nhu cầu vốn khoảng 247.660 tỷ (Trong ảnh: Cao tốc Cao Bồ - Mai Sơn). Ảnh: Tạ Hải.

Là người được nhiều tổ chức tài chính, tập đoàn ngoại tìm đến khi muốn tìm hiểu cơ hội rót vốn tại Việt Nam, theo ông, danh mục trái phiếu Chính phủ này có phù hợp với "khẩu vị" đầu tư của họ?

Vài ba năm nay, nhóm nhà đầu tư ngoại vẫn chưa thực sự mặn mà với trái phiếu Chính phủ do lãi suất bên nước họ vẫn cao. Chẳng hạn như tại Mỹ đang là 5,5%/năm.

Tuy nhiên, bắt đầu từ năm tới, khi mặt bằng lãi suất quốc tế đang giảm dần, dự kiến lãi suất tại Mỹ có thể lùi về 3% hoặc 2,5%/năm, chắc chắn họ sẽ nhảy vào kênh trái phiếu Chính phủ.

Lãi suất trái phiếu của ta ở mức nào thì đủ hấp dẫn mà vẫn đảm bảo hiệu quả đầu tư, theo tính toán của ông?

Tôi cho rằng nên ở mức 4-4,5%/năm, phát hành dài hạn khoảng 20-30 năm. Bởi rủi ro gần như bằng không.

Nhưng hiện nay các ngân hàng đang phải huy động lãi suất tối thiểu từ 4-5%/năm rồi?

Thường thì vốn bình quân của các ngân hàng khá thấp (cộng khoản huy động có lãi suất cao với khoản huy động có lãi suất thấp). Chưa kể, họ cũng có thể huy động được từ khoản tiền gửi thanh toán lãi suất chỉ 0,2-0,25%, thậm chí không lãi suất. Nên tính chung lại, mức lãi suất bình quân hiện chỉ 3,5%/năm, trong khi đi mua trái phiếu cho lãi suất 4-4,5%/năm.

Thúc đẩy trở lại đầu tư tư nhân

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua khá èo uột. Nếu Chính phủ tung ra một lượng trái phiếu lớn như vậy liệu có khiến cơ hội huy động vốn của khu vực tư nhân càng bị thu hẹp?

Cũng có thể tác động một phần, nhưng các doanh nghiệp cũng phải chấp nhận vì đầu tư công hay đầu tư tư thì cũng đều đóng góp cho GDP cả. Tuy nhiên, đầu tư vào khu vực công, đặc biệt khi dòng tiền chảy vào hạ tầng giao thông sẽ mang tính lan tỏa rất lớn.

Ví dụ, làm đường mới tạo ra đô thị hóa; Đô thị hóa mới thúc đẩy bất động sản, logistics. Chỗ nào có đường chỗ đấy giá đất tăng. Cùng đó là kích thích sản xuất từ xi măng, sắt thép đến tạo việc làm, từ đó giúp nhiều ngành nghề liên quan phục hồi.

Thời gian qua, đầu tư khu vực tư nhân trong xây dựng, bất động sản đang tạm thời đóng băng. Các thiết bị xây dựng vẫn đang phải đắp chiếu. Khi nhiều dự án giao thông được triển khai, toàn bộ ngành xây dựng được huy động. Điều này vừa tạo ra giá trị cho nền kinh tế, vừa có sức lan tỏa đến các ngành khác.

Chính vì vậy, phải bằng mọi cách huy động nguồn lực, tạo ra một làn sóng đầu tư mạnh mẽ vào giao thông, từ đó, quay trở lại kích thích chính đầu tư tư nhân.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp muốn phát hành trái phiếu, về nguyên tắc, từ năm nay bắt buộc phải được xếp hạng. Phương thức phát hành chủ yếu phải là đại chúng, chứ không phải phát hành riêng lẻ. Quy định này vừa là động lực, vừa là sức ép để doanh nghiệp buộc phải lớn hơn, mạnh hơn, chất lượng hơn.

Khi đó, doanh nghiệp muốn huy động được vốn từ trái phiếu có thể cạnh tranh bằng lãi suất. Giả sử Chính phủ phát hành trái phiếu lãi suất 4-4,5%/năm, nhiều doanh nghiệp sẵn sàng phát hành 10-11%/năm.

Ngoài trái phiếu, theo ông chúng ta còn có kênh huy động nào khác khả thi?

Đầu tư từ khu vực tư nhân 5 tháng đầu năm tăng trưởng chỉ 4,5%. Con số đó cho thấy nguồn vốn tư nhân cạn kiệt thực sự. Số ít những doanh nghiệp có nguồn lực thì vẫn đang dồn vào khai thác, duy trì dự án trong đầu tư công.

Đối với phương thức đối tác công tư (PPP), theo quan sát của tôi, chủ yếu nhà đầu tư nước ngoài quan tâm và chỉ có nhóm này mới đủ tiềm lực tham gia các dự án lớn. Song, họ cũng phản ánh rất khó tiếp cận bởi một số giới hạn về khung giá, khung thời gian, khung lợi nhuận. Ngay cả với các dự án đã đầu tư cũng xảy ra hiện tượng không nhất quán, trong câu chuyện thu phí, biểu giá khiến họ còn e ngại.

Chính phủ cũng đã chỉ đạo các bộ ngành gỡ vướng cho PPP, nhưng kết quả vẫn chưa được như mong đợi nên đã chuyển hướng dùng vốn ngân sách bằng phương thức trái phiếu, để đẩy nhanh tốc độ đầu tư, xây dựng.

Bản chất của trái phiếu là Chính phủ vay tiền của dân thông qua ngân hàng. Tuy nhiên, khó khăn của chúng ta không phải không vay được tiền, mà là không tiêu được tiền.

Có tiền rồi phải tìm cách tiêu

Trong lúc cả nền kinh tế cần một cú huých, doanh nghiệp cần việc, cần tiền, mà lại không tiêu được tiền. Vì sao vậy, thưa ông?

Huy động 250.000 tỷ mở rộng cao tốc cách nào?- Ảnh 3.

23 dự án cao tốc đầu tư công được đề xuất nâng cấp, mở rộng cần nhu cầu vốn hơn 181.400 tỉ đồng. (Trong ảnh cao tốc Mai Sơn - QL45 ). Ảnh: Tạ Hải.

Qua làm việc với nhiều bộ, ngành, địa phương, tôi thấy nổi lên 3 nguyên nhân chính.

Thứ nhất, quan trọng nhất là do không giải phóng mặt bằng được, điều mà mới năm ngoái, năm kia thôi làm rất tốt. Có những tỉnh như Hưng Yên, năm trước giải phóng được 1.200ha mà năm nay lại rất thấp. Lý do là phần lớn người dân đều đang chờ đợi khung giá đất mới theo Luật Đất đai nhằm hưởng thêm quyền lợi.

Lý do thứ hai, thủ tục đấu thầu rất phức tạp, có nguy cơ xảy ra sai phạm. Tôi được biết, có những doanh nghiệp một năm trúng thầu tới 21 dự án, mới 5 tháng đầu năm trúng thầu tới 6 dự án. Nhưng vừa qua, loạt sai phạm trong đấu thầu bị phát hiện, điển hình là Phúc Sơn, Thuận An, thì doanh nghiệp này lập tức dừng, dự án bị "ngâm" lại.

Khó khăn thứ ba, với các địa phương không tự chủ được ngân sách, mà số này chiếm phần đông, phải xin Trung ương thì thủ tục vô cùng nhiêu khê khiến dự án kéo dài.

Theo quan sát của ông, câu chuyện giải ngân của ngành giao thông thời gian qua thế nào?

Ngành giao thông nhiều năm qua được ghi nhận luôn tiên phong về tốc độ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công. Mặc dù vậy, chúng ta cũng phải lường trước một số trở ngại có thể xảy ra để có phương án xử lý.

Trong đó, trước hết vẫn là rào cản giải phóng mặt bằng do giá đất thị trường thực tế cao hơn so với giá đền bù tại những dự án trong khu vực trung tâm. Tôi kỳ vọng, Luật Đất đai mới có thể giảm thiểu được vấn đề này.

Vấn đề lớn thứ hai là thiếu nguyên vật liệu như đất, cát làm đường. Nhiều địa phương không còn nguồn nguyên vật liệu để xây dựng. Và đây là bài toán lâu dài, không chỉ với đường bộ, mà kể cả đường sắt. Khó khăn nữa vẫn phải giải quyết là thủ tục hành chính nói chung, khâu đấu thầu nói riêng.

Cảm ơn ông!

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, 28 dự án cao tốc, trong đó có 23 dự án đầu tư công, 2 dự án đầu tư PPP và 3 dự án do VEC quản lý, với tổng nhu cầu vốn là 247.660 tỷ đồng.

Trong đó, 23 dự án đầu tư công được đề xuất nâng cấp, mở rộng cần nhu cầu vốn hơn 181.400 tỷ đồng, được chia thành hai nhóm.

Nhóm các dự án đang khai thác, gồm: Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - QL45, QL45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây.

Nhóm các dự án đang thi công, gồm: Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Tuyên Quang, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua tỉnh Hà Giang; Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

Hai dự án PPP được đề xuất mở rộng với tổng nhu cầu vốn gần 43.200 tỷ đồng, gồm: Hòa Lạc - Hòa Bình (đang điều chỉnh chủ trương đầu tư), TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Ba dự án do VEC quản lý được đề xuất nâng cấp, gồm: Hà Nội - Lào Cai đoạn Yên Bái - Lào Cai, TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Cầu Giẽ - Ninh Bình. Nhu cầu vốn để mở rộng 3 đoạn tuyến cao tốc khoảng hơn 23.000 tỷ đồng.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.