Gấp rút triển khai
UBND TP Hà Nội, TP.HCM và các bộ ngành liên quan vừa tổ chức họp bàn về dự thảo đề án phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị (metro) đến năm 2035.
Theo kế hoạch của hai thành phố, mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành toàn bộ các tuyến metro đã được quy hoạch với tổng chiều dài khoảng 580,8km (Hà Nội 397,8km, TP.HCM 183km). Đến năm 2045, hai thành phố hoàn thành thêm 369,06km metro (Hà Nội 200,7km, TP.HCM 168,36km).
Hình thức đầu tư các dự án là đầu tư công. Tổng nhu cầu vốn của hai thành phố đến năm 2035 lên tới hàng chục tỷ USD. Số tiền trên dự kiến lấy từ bốn nguồn thu gồm: ngân sách trung ương từ các khoản thu phân chia ngân sách trung ương và ngân sách TP; nguồn từ ngân sách hai TP; từ TOD (phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng) và từ trái phiếu địa phương.
Mới nhất, HĐND TP Hà Nội đã có văn bản triệu tập Kỳ họp thứ 17 HĐND TP khóa XVI. Kỳ họp này diễn ra từ ngày 1/7 - 4/7, dự kiến thông qua nhiều đề án quan trọng, trong đó có đề án tổng thể đầu tư xây dựng hệ thống metro.
Còn với TP.HCM, đề án phát triển metro đã được Hội nghị lần thứ 31 Ban Chấp hành Đảng bộ TP cho ý kiến ngày 13/6 vừa qua. Theo kế hoạch, TP sẽ phối hợp với Bộ GTVT trình Chính phủ đề án trong tháng 6/2024.
Sau đó, Ban cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị cho ý kiến trong quý III/2024. Tiếp đến, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội ban hành nghị quyết về các cơ chế, chính sách tại kỳ họp cuối năm 2024.
Cần cơ chế, chính sách đột phá
Theo đề án metro do Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội đề xuất, vừa được UBND TP thông qua, Hà Nội sẽ chia thành 3 phân kỳ hoàn thành các tuyến metro.
Cụ thể, ở phân kỳ 2024 - 2030 sẽ hoàn thành 96,8km gồm các tuyến số 22, số 33, số 5 (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro theo quy hoạch); chuẩn bị đầu tư 301km (gồm các tuyến số 1, 2A kéo dài đến Xuân Mai, 4, 6, 7, 8, tuyến kết nối các đô thị vệ tinh). Phân kỳ 2031-2035 hoàn thành 301,0km4 (khoảng 24% tổng chiều dài các tuyến metro). Tổng nhu cầu vốn đến năm 2035 khoảng 37,1 tỷ USD.
Sau khi hoàn thành vào năm 2035, toàn bộ mạng lưới metro Hà Nội được dự báo sẽ có khả năng đảm nhận 35-40% thị phần vận tải hành khách công cộng, còn TP.HCM là 50-60%. Du lịch của Hà Nội và TP.HCM cũng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Dự kiến đến năm 2030, Hà Nội sẽ đón 48-49 triệu lượt khách, đem lại nguồn thu khoảng 270-300 nghìn tỷ đồng; TP.HCM đón hơn 63 triệu lượt, đem lại nguồn thu khoảng 436 nghìn tỷ đồng.
Phân kỳ 2036-2045 sẽ hoàn thành 200,7km các tuyến/đoạn tuyến điều chỉnh, bổ sung, sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 18,2 tỷ USD.
Về phương án huy động và cơ cấu nguồn vốn, TP Hà Nội sẽ thực hiện rà soát các nguồn vốn đầu tư công gồm vốn ngân sách, vay trái phiếu, vay ODA và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.
Trong đó, một số quy định được đề xuất áp dụng theo dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang trình Quốc hội thông qua và kịch bản tăng trưởng đang trình Chính phủ phê duyệt. Tổng hợp khả năng cân đối đến năm 2035 là hơn 28,5 tỷ USD. Như vậy, từ nay đến 2035, Hà Nội cần Trung ương hỗ trợ khoảng hơn 8,6 tỷ USD.
Theo Phó chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn, để giảm áp lực từ ngân sách, thành phố sẽ bổ sung chính sách để thu hút các đầu tư tư nhân. Ngân sách sẽ dùng để đầu tư kết cấu hạ tầng, bồi thường đất, hỗ trợ tái định cư. Còn việc mua sắm đầu máy toa xe, hệ thống điều khiển, hệ thống thông tin sẽ tổ chức đấu thầu.
Nhà đầu tư tư nhân sẽ thực hiện mua sắm, cung cấp thiết bị theo tiêu chuẩn, công nghệ chung đã lựa chọn, giảm tổng giá thành so với cách thức thực hiện riêng rẽ như hiện nay.
Chính sách ưu đãi nhà đầu tư sẽ ổn định trong suốt thời gian thực hiện các dự án, họ sẽ được nhượng quyền khai thác một phần kết cấu hạ tầng, được tham gia đầu tư, phát triển các dự án trong khu vực TOD được quy hoạch...
Ông Sơn khẳng định, nếu có các cơ chế, chính sách đột phá, Hà Nội hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu đề ra.
Đa dạng hóa cách thức huy động vốn
Tại TP.HCM, Giám đốc Sở GTVT Trần Quang Lâm cho biết, hiện ngoài tuyến metro số 1 sắp khai thác, tuyến số 2 đang dự kiến hoàn thành vào năm 2030. Việc đầu tư chậm đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển.
Theo đề án phát triển metro đang được xây dựng, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2035 sẽ hoàn thành 6 tuyến với chiều dài khoảng 183km, tổng mức đầu tư sơ bộ hơn 871.000 tỷ đồng (hơn 36 tỷ USD).
Ông Lâm thông tin, trong đề án, thành phố đã đề xuất 6 nhóm với 28 cơ chế chính sách. Trong đó, có 17 cơ chế thuộc thẩm quyền của Quốc hội, 11 cơ chế thuộc thẩm quyền của Chính phủ (gồm: nhóm về quy hoạch; thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục, thẩm quyền đầu tư và triển khai dự án; quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ; tổ chức quản lý, khai thác…).
"Nếu cuối năm nay các cơ chế, chính sách được thông qua, ngay năm sau đã có thể bắt tay chuẩn bị đầu tư", ông Lâm nói và cho biết, nguồn vốn dự kiến sẽ được huy động từ tăng thu ngân sách, từ đấu giá các khu đất dự kiến phát triển TOD và huy động các nguồn vay…
Đồng thời, kiến nghị cho phép thành phố được vay thông qua phát hành trái phiếu địa phương và được quyền quyết định về lãi suất; vay từ các tổ chức tài chính, các tổ chức khác trong nước và vay lại từ nguồn vay nước ngoài của Chính phủ. Tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% số thu ngân sách thành phố được hưởng theo quy định.
Về công nghệ, đề xuất cho phép thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho hệ thống metro thành phố; được chuyển giao công nghệ đối với một số thiết bị công nghiệp về metro thuộc danh mục cấm chuyển giao tại Nghị định 76/2018. Lý do là hiện nay Việt Nam chưa làm chủ công nghệ, chưa tự thiết kế, chế tạo vật tư, máy móc thiết bị cho metro.
Đòi hỏi tư duy, cách làm mới
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị TP.HCM cho rằng, để thực hiện thành công đề án metro, thành phố buộc phải giải được các bài toán về tài chính, công nghệ, nhân lực. Đặc biệt, cách thức triển khai cũng phải rất khác so với những tuyến đã thực hiện, nghĩa là không thể làm theo cách cũ.
"Phải trả lời được tương đối chính xác tổng vốn đầu tư là bao nhiêu, mỗi km tốn bao nhiêu tiền, khả năng thi công, giải phóng mặt bằng, địa hình phức tạp hay đơn giản. Khi đó mới có thể đưa ra được dự báo thời gian thực hiện mỗi tuyến.
Thường các dự báo về tài chính sẽ có 30% nằm trong tầm tay, 30% trong tầm nhìn, còn lại chưa thể xác định chính xác. Đây là lý do khiến nhiều dự án kéo dài, đội vốn", ông Nguyên dẫn chứng và cho rằng, kể cả khi có đủ tiền, câu chuyện lựa chọn công nghệ, thi công cũng rất quan trọng.
Dẫn thực tế tuyến metro số 1 đã hoàn thành 98%, còn 2% chưa biết khi nào xong, ông Nguyên cho rằng, cần tính được 2% rơi vào khâu nào, cụ thể là gì: "Công nghệ, con người, tiền bạc… đều có thể giải quyết được. Nhưng quan trọng vẫn vẫn là người chịu trách nhiệm thực hiện. Đó mới là mấu chốt".
Đồng tình với các đề xuất huy động nguồn vốn, trong đó có việc phát hành trái phiếu, ông Nguyên góp ý, điều cốt lõi là làm sao trái phiếu này phải hấp dẫn được người mua. Đó không chỉ là lãi suất, mà còn phải làm sao tạo dựng được niềm tin cho họ.
Trong khi đó, PGS. TS Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho rằng, muốn đẩy nhanh đầu tư metro, đầu tiên Hà Nội phải có quy hoạch mạng lưới metro gắn với cấu trúc của đô thị, gắn với kế hoạch sử dụng đất. Điều này đảm bảo người dân tiếp cận metro thuận lợi, đồng thời làm gia tăng giá trị đất đai dự định triển khai mô hình TOD.
Sau đó là về giải phóng mặt bằng, cần có chính sách để việc này không vướng như các dự án đã từng làm.
Thứ nữa là lựa chọn công nghệ và làm chủ công nghệ, tối ưu được chi phí đầu tư và vận hành. Cuối cùng là vấn đề về quản lý dự án. Nếu không đổi mới mô hình, thủ tục không được rút gọn thì rất dễ đi vào vết xe đổ của những dự án trước đây.
Phát hành trái phiếu metro
Phát biểu tại cuộc họp Ban chấp hành Đảng bộ TP.HCM mới đây, khi đề cập đến việc huy động vốn phát triển metro,ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP nhận định, nếu huy động một lúc 36 tỷ USD rất lớn, nhưng chia ra mỗi năm 3,6 tỷ USD thì thành phố có thể huy động được.
"Số tiền này không phải quá lớn và quá khó, quan trọng là cơ chế, chính sách", ông Mãi nhấn mạnh và chỉ ra rằng cơ chế ở đây là thành phố xin phát hành trái phiếu đô thị dưới tên gọi là trái phiếu đường sắt đô thị TP.HCM. Nếu được chấp thuận, thành phố sẽ phát hành trái phiếu với mức lãi suất bằng hoặc cao hơn Trái phiếu Chính phủ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận