Đỉnh Đá Bia chốn linh sơn Đèo Cả - Ảnh: T.L |
Huyền tích hàng nghìn năm người Chăm lưu truyền dưới ngọn linh sơn ấy một đường hầm rộng, thẳng tắp do các bậc tiền nhân thử cung bắn tên tạo thành đang được hiện thực hóa bởi chính bàn tay, khối óc của những người thợ Việt mang thương hiệu “hầm Đèo Cả”.
Nối dòng lịch sử theo “ngón tay Chúa”
Mưa quất mặt người. Đường lên Đèo Cả quanh co thêm thử thách người lữ hành. 35 tuổi, Hiếu - hướng dẫn viên Công ty du lịch Phú Yên am tường lịch sử, văn hóa chốn linh sơn Đá Bia - điểm nổi bật trên dãy Đại Lãnh dọc Đèo Cả có độ cao hơn 700m so với mặt nước biển. “Ngón tay Chúa”, giọng Hiếu đầy hào hứng kể về hình ảnh Đá Bia từng được những nhà hàng hải người Pháp ví von, bởi thế đá trên núi dựng cao giống như ngón tay chỉ lên trời cao đầy uy lực. Đây từng là tiêu điểm làm căn cứ cho tàu chạy dọc biển Đông. Mãi đến năm 1890, khi Varella, một sỹ quan cho xây ngọn hải đăng ở điểm cực Đông của Việt Nam bây giờ, gọi là Mũi Điện (Phú Yên), sự kết nối Đá Bia và Mũi Varella (theo tên gọi sách địa lý hàng hải) mới thấy hết tầm vóc của những địa danh lịch sử. Trong cuốn ký sự Trên đường cái quan (Sur la route mandarine), nhà văn Pháp Roland Dorgelès trong lần đến Đèo Cả đầu thế kỷ XX thảng thốt: Những hòn đá cao quá bắt ngộ… những cây suôn đuột lên trời, bốn bên dây lá leo phủ, thật là một cảnh cỏ cây chen đá, lá chen hoa…
Lên bậc tam cấp, hơi sương quyện mặt người. Mây đá vờn nhau trên từng chóp núi. Đến dưới chân Đá Bia, phải ngửa mặt mới trông thấy tầng chót vót đỉnh cao ẩn hiện dưới màn sương trắng. Chốn linh sơn ghi dấu sự kiện khi vua Lê Thánh Tông thân chinh soái lãnh 26 vạn quân đánh dẹp quân Chiêm Thành quấy nhiễu bờ cõi, hạ thành Đồ Bàn (Quy Nhơn), thẳng tiến đến Vũng Rô - Đèo Cả và lấy núi Đá Bia làm ranh giới Việt-Chiêm từ năm 1470 vẫn còn ghi rõ trong các bộ sử Việt. Tương truyền trên Đá Bia khắc ghi niên hiệu Hồng Đức, như lời sách Đại Nam Nhất Thống Chí, có đoạn: “Vua Lê Thánh Tông đánh đuổi Chiêm Thành chạy khỏi núi Đại Lãnh, bèn cho khắc chữ vào Đá Bia làm mốc giới”. Song đây chỉ được xem là truyền khẩu bởi vết tích lưu lại không thấy gì ngoài một tảng đá cao sừng sững…
Từ xa xưa, chốn linh sơn từng thu hút hàng loạt các văn nhân, thi sĩ như Tản Đà, Hữu Loan… tìm đến để cảm tác. Hay trong dân gian, huyền tích Đá Bia được gợi nhắc qua nhiều bài thơ phú: Sông Bàn Thạch quanh co uốn khúc/ Núi Đá Bia cao ngất tầng mây/ Sông kia, núi nọ còn đây/ Mà người thuở trước ngày nay đâu rồi?
Hiếu chỉ về tay về phía chân Đèo Cả, bên những con đường đèo uốn lượn. Truyền thuyết chốn linh sơn như bất tận theo thời gian. Người Chăm H’Roi ở Tây Nguyên kể, Đá Bia được gọi nôm na là Hdươn Ktol, nghĩa là núi Cùi Bắp vì từ xa trông giống chiếc cùi bắp dựng trên đỉnh núi. Một ngày kia, nhận lệnh thử cung của thủ lĩnh bộ tộc Chăm, hàng ngàn vạn mũi tên của các chiến binh từ trên ngọn núi cao Chư Sê nhắm vào tiêu điểm núi Cùi Bắp xuyên thủng núi đá, tạo thành một đường hầm ra biển mà đến ngày nay người Chăm vẫn hướng vọng, tin tưởng.
Huyền tích theo thời gian rêu phủ giờ đang được hiện thực hóa bởi chính bàn tay, khối óc của những người thợ, quản lý mang thương hiệu hầm đường bộ Đèo Cả. Dưới chân núi Đá Bia, song song tuyến QL1, hai ống hầm xuyên núi đã và đang mở ra cánh cửa cho hiện thực.
Thi công vỏ bê tông hầm, dự án Đèo Cả đang hình hài từng ngày |
Tết cuối công trường Đèo Cả
Gió thốc mạnh cửa hầm Đèo Cả. Phó giám đốc Ban ĐHDA Đèo Cả Vũ Văn Phi tất bật cùng các đơn vị chức năng kiểm tra, giám sát các công đoạn hoàn thiện hầm. Đêm, công trường rực sáng cùng nhịp điệu hối hả của chục mũi thi công. Anh Phi bảo: Các mũi đổ bê tông vỏ hầm đạt “đỉnh tốc độ” 180m/tháng/mũi. Tết cũng là cao điểm nhiều mốc quan trọng: Cơ bản xong công tác bê tông vỏ hầm, tăng tốc khối lượng bê tông lòng hầm và triển khai các hạng mục hoàn thiện trang thiết bị đảm bảo mục tiêu khánh thành dự án vào tháng 7/2017 tới. Đặc biệt, 2 ống hầm phía Nam của nhà thầu Sông Đà 10 và Quản Trung dễ cán đích bê tông vỏ hầm đúng vào những ngày Tết.
“Công trình đạt hơn 70% tiến độ, kiểm soát chặt chất lượng. Các nhà thầu đều đăng ký thi công xuyên Tết để ghi lại thời khắc đáng nhớ trên công trường trong những ngày chuyển giao năm cũ - mới và là Tết cuối của lực lượng thi công dự án”, anh Phi nói. Quê Nghĩa Hưng (Nam Định), đầu năm 2014, Phi về đầu quân làm Tổ trưởng Quản lý hầm khi dự án hầm Đèo Cả bước vào giai đoạn mở cửa hầm. 3 cái Tết, anh Phi đều cùng phần lớn CBCNV Ban QLDA đến các đơn vị thi công “trực Tết” tại công trường. Năm nay, Tết cuối lại càng ý nghĩa.
Chiều 16/1, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Huỳnh Tấn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Hoàng Văn Trà, lãnh đạo Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cùng đón xuân trên công trường với hàng trăm công nhân. Lãnh đạo tỉnh chứng kiến không khí hăng say lao động, sự chia sẻ chân thành, tình cảm và nỗ lực của nhà đầu tư, nhà thầu, chuyên gia trong giờ phút xa nhà để hoàn thành các đốt hầm cuối cùng dưới ánh đèn xuyên đêm và âm thanh vang vọng, hứa hẹn một năm thắng lợi khi đưa dự án về đích. |
Phó tổng giám đốc thường trực Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Lê Quỳnh Mai cho hay: Khoảng 500 người sẽ đón Tết ngay tại các vị trí thi công hầm Đèo Cả. Công ty tổ chức thăm hỏi, đón Giao thừa, tặng quà Tết. “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ”, tất cả đều nỗ lực để có thể hoàn thiện sớm nhất hầm Đèo Cả, đưa vào vận hành, khai thác.
Ba lần ăn Tết Việt trên công trường Đèo Cả nhưng với kỹ sư thường trú Gói thầu số 1A2 Tadahiro Nezu (quốc tịch Nhật Bản) vẫn luôn thấy hào hứng. “Mọi người dành cho nhau những câu chúc đầu năm rồi bắt tay vào công việc. Niềm vui đón Tết cũng chính là niềm vui tiến độ - an toàn - hiệu quả”, ông Nezu nói. Theo vị kỹ sư ngoại quốc này, đặc thù giai đoạn hoàn thiện hầm có mũi thi công nhiều, công địa hẹp nhưng công tác quản lý, điều phối, triển khai giữa các nhà thầu, các khâu đoạn nhịp nhàng. Chỉ tính riêng công tác đổ bê tông vỏ hầm đang đạt tiến độ tốt nhất.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Thành Trí, Giám đốc Sở GTVT Phú Yên chia sẻ: Không riêng bề dày lịch sử, các thế hệ lãnh đạo Phú Yên, Khánh Hòa từ lâu đã mơ ước một đường hầm thông Đèo Cả phá thế cách trở, mở thêm cánh cửa thông thương, phát triển cho các địa phương, khu vực. Mỗi lần ra công trường Đèo Cả với ông Trí và lãnh đạo địa phương là một bất ngờ, bởi sự thay đổi nhanh, rõ rệt trong từng tiến độ triển khai. Không phải ngẫu nhiên trong các đợt thăm, kiểm tra dự án, lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành chức năng đều dành sự biểu dương, khích lệ cho công trình mang tầm vóc ngành GTVT. Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đánh giá: Đến công trình Đèo Cả, người Việt làm chủ công nghệ, bản lĩnh thi công hầm. Tầm vóc Đèo Cả đã và đang được chứng minh qua hàng loạt góc nhìn thực tiễn: Dự án quy mô nhất, đột phá cơ chế chính sách đến quản lý điều hành dự án, bản lĩnh nhà thầu và các chủ thể liên quan, đặc biệt khẳng định tên tuổi nhà đầu tư tầm cỡ cùng những dự án hầm đường bộ trọng điểm đang được Công ty CP Đầu tư Đèo Cả mở rộng: Hầm Cù Mông, hầm Hải Vân giai đoạn 2…
Giữa đất trời Đèo Cả xen lẫn âm thanh máy móc thi công, tôi liên tưởng sự kết nối chốn linh sơn Đá Bia, trên dòng chảy lịch sử, văn hóa đầy huyền tích của Đèo Cả về sự chinh phục thiên nhiên, chinh phạt để bình định thiên hạ… giờ như hội tụ vào những con đường hầm đầy hứa hẹn. Đèo Cả không chỉ là địa danh, tên “đại công trình”, đó còn là khát vọng, bản lĩnh, niềm mơ ước và tự hào của người Việt. Như có lần Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng từng mượn lời nhà thơ Huy Cận: Lưng mang gươm tay mềm mại bút hoa, sống hiên ngang mà nhân ái chan hòa để nói về khí chất người thợ Đèo Cả hôm nay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận