Theo đó, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang chủ trì đoàn công tác của Bộ GTVT làm việc với HVS về thực hiện Nghị quyết số 220 của Chính phủ, Quyết định số 136 của Bộ GTVT và tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh các công ty của SBIC tại Khánh Hòa.
Báo cáo với Thứ trưởng, ông Lê Văn Toàn - Phó tổng giám đốc HVS cho biết, doanh nghiệp đang ngày càng khẳng định uy tín không chỉ trong thị trường khu vực mà còn trên thế giới về chất lượng cao, đúng tiến độ, thái độ trách nhiệm trong lĩnh vực đóng tàu.
Năm 2023, công ty HVS đã hạ thủy được tàu 12 tàu. Tạo việc làm cho hơn 6.000 lao động. Trong đó có hàng ngàn lao động là người Khánh Hòa. Trong năm, Công ty HVS đã đóng góp 2,5 tỷ đồng cho công tác an sinh xã hội cho địa phương.
Theo ông Toàn, dự kiến năm 2024 xây dựng thêm 1 cầu tàu 200m, mở rộng thêm ụ tàu số 1 thêm 120m. Trong những tháng đầu năm nay, HVS đã bàn giao 6 tàu cho khách hàng.
Sau khi nghe lãnh đạo HVS báo cáo, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang đánh giá cao về quy mô, năng lực của nhà máy, xứng đáng là một trong những nhà máy đóng tàu tốt nhất Việt Nam.
Thứ trưởng ghi nhận, chất lượng tàu đóng bàn giao cho khách hàng trong và ngoài nước, cách thức hoạt động, triển vọng phát triển của nhà máy. Cách tổ chức sản xuất đảm bảo an toàn lao động, đảm bảo môi trường vì việc đảm bảo môi trường như hiện nay rất quan trọng.
"Tôi đánh giá cao công sức mà các thế hệ lãnh đạo người Hàn Quốc và Việt Nam đã dày công gây dựng và tạo được cơ ngơi nhà máy như hiện nay. Với vai trò là Bộ chủ quản của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC, đơn vị góp 30% cổ phần của nhà máy), tôi mong muốn nhà máy sẽ triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới. Minh chứng cho mối quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam và Hàn Quốc", Thứ trưởng chia sẻ.
Thứ trưởng cũng chính thức thông báo về việc SBIC trong thời gian tới sẽ triển khai thủ tục phá sản. Chủ trương của Bộ GTVT là mặc dù trong trong thời gian chờ thủ tục phá sản nhưng các đơn vị đóng tàu vẫn phải đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, không dừng sản xuất. Vì vậy, HVS yên tâm việc phá sản không ảnh hưởng gì nhiều đến hoạt động của công ty.
"Thực tế, từ lúc có Nghị quyết 220 đến nay, các doanh nghiệp đều đang ổn định sản xuất. Các khách hàng trong và ngoài nước vẫn tiếp tục tin tưởng và ký kết hợp đồng. Chúng tôi đang nỗ lực, làm sao để quá trình chuyển giao cho chủ sở hữu mới, các doanh nghiệp đóng tàu có được sự phát triển tốt hơn", Thứ trưởng nói.
Theo Thứ trưởng, liên quan đến 30% vốn của SBIC trong HVS, tòa án đấu giá công khai. Đơn vị trúng đấu giá sẽ là một bên liên doanh mới của HVS. Tin rằng, đơn vị trúng thầu có năng lực và phải kế thừa quyền lợi và trách nhiệm của SBIC trong liên doanh. Bộ GTVT sẽ chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với các bên để đẩy nhanh thủ tục này.
Liên quan đến những đề xuất của nhà máy kéo dài thời gian đầu tư của VHS thêm 20 năm, Thứ trưởng cho rằng, trên cơ sở kết quả sản xuất kinh doanh, tạo ra công ăn việc làm cho hàng ngàn người, nộp ngân sách ngày càng tăng, đảm bảo các yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Bộ GTVT và SBIC hoàn toàn ủng hộ đề xuất này.
"Chúng tôi sẽ trao đổi với lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa để tỉnh chỉ đạo Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong sớm hỗ trợ. Trong đề án phát triển năng lực đóng tàu Việt Nam, Bộ GTVT sẽ đề cập nội dung này để báo cáo Thủ tướng", Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nói.
Thứ trưởng cũng đồng ý việc đầu tư mở rộng cầu cảng phù hợp với quy hoạch chung. Các bên liên quan tính toán đầu tư 1 luồng chung phục vụ cho các cảng khu vực Nam Vân Phong. Bởi có được luồng chung, nhà máy chỉ kết nối từ luồng chung vào nhà máy, giảm chi phí và tập trung đóng mới. Các bên cũng tính toán phương án làm đê chắn sóng ngoài cửa vịnh Nam Vân Phong để đưa vào đề xuất bố trí nguồn vốn trung hạn sắp tới.
Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cũng đề nghị lãnh đạo VSH tăng cường hơn nữa công tác an toàn lao động, phòng chống cháy nổ, đảm bảo môi trường trong và ngoài nhà máy.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận