Mất hàng tiếng để đồng thuận về 1 từ trong thỏa thuận
Hội nghị thượng đỉnh khí hậu COP26 năm nay khép lại vào sáng 14/11 (theo giờ Việt Nam) với việc đạt được Hiệp ước khí hậu Glasgow vào phút chót nhưng các bên tham gia không thể vỡ oà vui mừng vì nhiều mục tiêu đặt ra từ đầu COP26 đã không thể đạt được.
Chỉ cách thời điểm đạt thỏa thuận ít giờ, hội nghị diễn ra trong không khí căng thẳng khi hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Ấn Độ và Trung Quốc phản đối đến cùng, yêu cầu bỏ cụm từ “phase out” (loại bỏ hoàn toàn) than đá trong tuyên bố của COP26.
Cuộc họp căng thẳng kéo dài. Đến phút cuối, các phái đoàn thống nhất sửa 1 chữ “out” trong cụm từ trên thành “down”, đồng nghĩa “giảm sử dụng than đá dần dần”.
Chủ tịch Hội nghị COP26 Alok Sharma phát biểu trong Hội nghị COP26 ngày 13/11 theo giờ Việt Nam. Ảnh: Reuters
Chủ tịch Alok Sharma gõ búa, báo hiệu gần 200 phái đoàn hiện diện tại Glasgow, từ các cường quốc sử dụng than đá/khí đốt, các nhà sản xuất dầu cho đến những quốc đảo ở Thái Bình Dương đang đứng trước nguy cơ bị nuốt chửng vì mực nước tăng… không có ai phản đối.
Thỏa thuận đạt được, những người tham gia ôm chầm nhau, đập tay nhưng đâu đó vẫn có tiếng thở dài và trầm tư. Chủ tịch Sharma nói: “Tôi rất xin lỗi vì quá trình đàm phán lại diễn ra như thế này! Thực sự xin lỗi”. Một số quốc gia như Fiji (quốc đảo ở Thái Bình Dương), nơi đang hứng chịu hậu quả nặng nề của nước biển dâng, còn chưa hài lòng nhưng vẫn phải chấp nhận.
Dẫu sao, việc đạt được tới mức này cũng là đáng mừng vì đây là lần đầu tiên nhiên liệu hóa thạch được đề cập rõ ràng trong một thỏa thuận về khí hậu của Liên Hợp Quốc, theo tờ Bưu điện Hoa Nam (SCMP).
Tại sao lại khó bỏ than đá đến vậy?
Khói dày đặc bốc lên từ nhà máy thép sử dụng năng lượng than tại làng Hehal, bang Jharkhand, Ấn Độ. Ảnh: AFP
Theo hãng tin AP, trong số 3 loại nhiên liệu hóa thạch (than đá, dầu và khí tự nhiên hóa lỏng), than đá là kẻ thù lớn nhất của khí hậu. Loại nhiên liệu này chịu trách nhiệm cho 20% tổng khí thải nhà kính trên toàn cầu.
Việc đốt than để sử dụng còn gây nhiều hệ lụy về môi trường như làm ô nhiễm không khí, gây sương mù, mưa axit và dẫn đến các bệnh về hô hấp.
Trung Quốc, đất nước đông dân nhất, từng là “công xưởng” thế giới và đang là quốc gia tiêu thụ than đá lớn nhất toàn cầu, theo sau là Ấn Độ và Mỹ.
Trong năm 2019, Trung Quốc sản xuất 4.876 TWh điện (tương đương 4.876 tỷ KWh điện) từ than, bằng gần như cả phần còn lại của thế giới cộng lại - theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).
Nhưng nếu xét về quy mô dân số thì tỷ lệ lại khác: Australia có tỷ lệ khí thải từ than đá tính trên đầu người cao nhất trong nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Theo sau là Hàn Quốc, Nam Phi, Mỹ và Trung Quốc, hãng tin AP dẫn phân tích của cơ quan năng lượng và khí hậu Ember cho biết.
Thực chất, đây là loại nhiên liệu tương đối dễ thay thế vì đã có sẵn nhiều loại nhiên liệu có thể tái tạo thay cho điện than trong hàng thập kỷ qua. Nhưng tại sao các quốc gia trên thế giới vẫn đốt than? Câu trả lời đó là vì than rẻ và nhiều.
Kể cả các nguyên liệu có thể thay thế khác có giá cạnh tranh hơn thì việc “cai” than cũng khó đạt được. Nhu cầu năng lượng có xu hướng tăng do dân số bùng nổ và tăng trưởng toàn cầu. Nhiên liệu tái tạo không thể đủ để đáp ứng nhu cầu đó.
IEA dự báo, Ấn Độ sẽ cần phải bổ sung 1 hệ thống năng lượng cỡ như của cả Liên minh châu Âu thì mới có thể đáp ứng tăng trưởng trong nhu cầu điện trong 20 năm tới.
Vai trò cốt cõi của than trong ngành sản xuất điện vẫn không thay đổi trong 5 thập kỷ qua. IEA ước tính, lượng than được sử dụng để sản xuất điện trên toàn cầu trong năm 1973 là 38% và đến năm 2019, con số này vẫn ở mức 37%.
Như vậy, dù là lần đầu tiên được đề cập trong thỏa thuận khí hậu nhưng ở mức nửa vời nên tương lai loại bỏ than đá sẽ vẫn còn mờ mịt.
Tại Mỹ, vài năm gần đây, nước này đã sử dụng khí đốt tự nhiên để thay cho than đá vì lý do kinh tế nhưng xu hướng sử dụng than bắt đầu quay trở lại trong năm nay vì giá khí đốt tăng cao.
Kể từ Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015, nhiều quốc gia đã đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 (Net Zero). Áo, Bỉ, Thụy Điển đã đóng cửa các nhà máy than cuối cùng.
Anh dự tính bắt đầu chấm dứt sản xuất điện than vào năm 2024. Nhưng Mỹ chưa có những cam kết như vậy. Với các nước phụ thuộc vào than đá hàng đầu như Ấn Độ hay Trung Quốc thì lại càng khó.
Một số điểm nhấn trong Hiệp ước khí hậu Glasgow
Ngoài thỏa thuận về điện than, Hiệp ước còn đạt được bước tiến yêu cầu, vào cuối năm 2022, các bên phải “xem xét và củng cố” các mục tiêu cắt giảm khí thải tính đến năm 2030, tùy theo hoàn cảnh quốc gia khác nhau, để thực hiện mục tiêu hạn chế gia tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris.
Hiệp ước nhấn mạnh cần huy động tài trợ khí hậu từ mọi nguồn để đạt mức cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu của Hiệp định Paris, bao gồm việc tăng đáng kể hỗ trợ cho các nước đang phát triển, vượt quá 100 tỷ USD/năm.
Ngoài ra, Hiệp ước cũng thúc giục các nước phát triển đến năm 2025 tăng ít nhất gấp đôi tài trợ thích ứng với biến đổi khí hậu cho các nước đang phát triển so với mức năm 2019. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những “cam kết”, “thúc giục” chứ chưa phải hành động thực tế.
Chủ tịch COP26 Alok Sharma nêu rõ, dù Hiệp ước Glasgow “chưa hoàn hảo” nhưng phần nào cho thấy “sự đồng thuận và ủng hộ” vì một “Hành tinh Xanh”.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận