Ngày 15/5, cơ quan chức năng Indonesia cho biết, nước này đã thực hiện kỹ thuật "gieo hạt" trên mây để hạn chế mưa lớn tại khu vực vốn chịu hậu quả nghiêm trọng vì lũ quét tại nhiều khu vực trên đảo Sumatra khiến ít nhất 58 người thiệt mạng và 35 người mất tích.
Theo đó, đêm 11/5, mưa lớn đã gây sạt lở đất bùn và dung nham lạnh từ núi Marapi, khiến các dòng sông vỡ bờ, gây ra lũ quét thảm khốc nhấn chìm hàng trăm ngôi nhà ở tỉnh Tây Sumatra.
Người phát ngôn Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia Abdul Muhari cho biết, tính đến ngày 15/5, hơn 1.500 gia đình phải di dời khẩn cấp đến các nơi trú ẩn tạm thời, trong khi đã tìm thấy 58 thi thể dưới đống bùn đất và dưới sông, còn lại 35 người đang mất tích.
Dự báo mưa lớn còn tiếp diễn, Cơ quan Khí tượng, Khí hậu và Địa vật lý Indonesia cho biết, lực lượng không quân nước này đã được điều động để bắn các tinh thể muối vào các đám mây, giải phóng nước trước khi tiếp tục gây mưa tại các khu vực bị lũ quét tàn phá.
Phương pháp này được gọi là “gieo hạt” trên mây để ngăn mưa đến các vùng lũ lụt, từ đó làm thay đổi thời tiết.
Lực lượng không quân Indonesia đã kết hợp với Cơ quan Công nghệ Indonesia (BPPT) để thực hiện ba đợt "gieo hạt” trên mây vào ngày 15/5, sử dụng khoảng 15 tấn muối.
BPPT cho biết, tất cả đám mây gây mưa di chuyển về phía các vùng lũ lụt ở Tây Sumatra sẽ được phân nhỏ bằng muối.
“Chúng tôi đang triển khai công nghệ thay đổi thời tiết để mưa không rơi xuống vùng khẩn cấp trong giai đoạn ứng phó khẩn cấp này”, Giám đốc Cơ quan Quản lý Thảm họa Quốc gia phát biểu khi đến thăm vùng xảy ra thảm họa và cho biết, hoạt động ứng phó khẩn cấp sẽ kết thúc sau ngày 25/5.
Theo AP, Indonesia thường xuyên hứng chịu mưa lớn gây lở đất và lũ quét, với hàng triệu người sinh sống tại các khu vực dễ bị ảnh hưởng bởi loại hình thiên tai này.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận