Ngày 4/4, hãng tin CNN dẫn thông tin giới chức Israel cho biết tuyến đường này được mở cho phép nhân viên cứu trợ có thể tiếp cận khu vực Dải Gaza đang bị nước này phong tỏa.
Ngoài ra, Nội các Israel cũng phê chuẩn việc mở Cảng Ashdod giúp tăng số lượng hàng hóa cứu trợ được chuyển vào Gaza.
Liên Hợp Quốc đã hoan nghênh quyết định của Israel nhưng thể hiện một cách thận trọng. Người phát ngôn Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Stephane Dujarric nêu rõ: "Tất nhiên đây là một thông tin tích cực nhưng chúng tôi phải chờ xem quyết định này được thi hành như thế nào. Chúng tôi cần một lệnh ngừng bắn nhân đạo và một lượng hàng hóa cứu trợ khổng lồ".
Hiện các tổ chức nhân đạo hỗ trợ người tị nạn Palestine vẫn bị Israel ngăn cản tiếp cận Dải Gaza, đặc biệt là ở phía Bắc nơi nạn đói đang hoành hành ở mức cao nhất và đã có báo cáo về số lượng lớn người thiệt mạng do chết đói.
Quyết định của Israel được đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế phẫn nộ về vụ không kích của Israel khiến 7 nhân viên cứu trợ từ tổ chức World Central Kitchen tại Dải Gaza thiệt mạng. Dù Israel đã lên tiếng nhận trách nhiệm nhưng khẳng định, đây chỉ là sự vô ý.
Tổng thống Mỹ Joe Biden cùng ngày nhấn mạnh, tình hình nhân đạo ở dải Gaza hiện nay là không thể chấp nhận được. Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ông Biden cảnh báo Israel nên giải quyết vấn đề nếu không muốn đối mặt với hệ lụy nghiêm trọng.
Kể từ khi Hamas thực hiện các vụ tấn công hồi tháng 10/2023, Israel đã tiến hành các vụ tấn công đáp trả và bao vây cô lập Dải Gaza khiến gần 33.000 người thiệt mạng gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo toàn diện khiến 3/4 dân số sống ở phía Bắc Gaza chịu nạn đói khủng khiếp.
Những tuyến đường huyết mạch để đưa hàng cứu trợ vào Gaza đã bị Israel phong tỏa. Nhiều cơ quan cứu trợ đã cáo buộc Israel chặn nỗ lực viện trợ nhân đạo vào khu vực đang xảy ra xung đột dữ dội này dù Israel nhiều lần khẳng định họ "không giới hạn" số lượng hàng cứu trợ đi vào Gaza.
Nỗ lực cứu trợ chỉ diễn ra nhỏ giọt vào Gaza thông qua con đường Rafah vào cuối tháng 10 sau áp lực từ phía Mỹ. Mãi đến tháng 12, Israel mới bắt đầu cho xe chở hàng cứu trợ đi qua Kerem Shalom nhưng ở mức thấp hơn rất nhiều so với con số 500 xe hàng/ngày trước khi xảy ra vụ Hamas tấn công.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận