Ngày 21/3, tham dự Hội nghị Thượng đỉnh EU ở Brussels (Bỉ), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi các nhà lãnh đạo tiếp tục đoàn kết, tôn trọng các điều khoản đã được quy định trong Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
“Nguyên tắc cơ bản của luật nhân đạo quốc tế là bảo vệ dân thường. Chúng ta phải tuân thủ các nguyên tắc ở Ukraine tương tự như ở Gaza, tránh ‘tiêu chuẩn kép’”, ông Guterres phát biểu.
Thái độ trước vấn đề Israel và Palestine cũng như cuộc xung đột thảm khốc tại Dải Gaza từ lâu đã gây chia rẽ nội bộ liên minh 27 nước châu Âu. Tuy nhiên khi số người Palestine thiệt mạng tại Gaza lên tới gần 32.000 người, ngày càng nhiều quốc gia lên tiếng kêu gọi hai bên ngừng bắn.
Trái lại, gần như toàn bộ khối EU coi cuộc xung đột kéo dài hai năm ở Ukraine là mối đe dọa hiện hữu, từ đó rót hàng tỷ euro cung cấp vũ khí, đạn dược và vực dậy nền kinh tế Ukraine đang bị tàn phá bởi giao tranh.
“Thành thật mà nói, châu Âu đã không phản ứng phù hợp trước cuộc khủng hoảng kinh hoàng ở Palestine”, cựu Thủ tướng Ireland mới từ chức Leo Varadkar tuyên bố, “Các quốc gia Nam bán cầu và gần như toàn bộ thế giới đã so sánh hành động của châu Âu trước hai cuộc xung đột, gọi đây là ‘tiêu chuẩn kép’. Tôi thấy họ cũng có lý khi đưa ra quan điểm trên”.
Trong khi đó, Thủ tướng Bỉ Alexander De Croo cũng lên tiếng về phản ứng của châu Âu đối với cuộc xung đột tại Gaza, mô tả những gì đang xảy ra trên dải đất là hết sức nghiêm trọng.
“Nhiều người đã phải ăn cỏ sống qua ngày, bị đẩy đến bờ vực của nạn đói. Châu Âu phải đi tiên phong chứ không phải chỉ chấp hành làm theo. Đã đến lúc chúng ta phải lên tiếng yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức, yêu cầu giải phóng các con tin”, nhà lãnh đạo Bỉ nói với báo giới.
Mối quan ngại của các quốc gia ngày càng gia tăng khi Israel quyết tâm tiến hành mở cuộc tấn công vào thành phố Rafah ở phía Nam, nơi hơn 1,5 triệu trong tổng số 2,3 triệu người Gaza đang lánh nạn.
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu vẫn giữ quan điểm Israel không thể đạt được mục tiêu “chiến thắng toàn diện” trước Hamas nếu không tiến vào Rafah.
Trước tình hình trên, các nhà lãnh đạo EU kêu gọi chính phủ Israel kiềm chế hoạt động trên bộ ở Rafah, tránh làm tình hình nhân đạo vốn đã thảm khốc lại càng thêm nghiêm trọng và không được gây khó khăn cho các hoạt động nhân đạo.
Ngày 17/3 vừa qua, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã có chuyến thăm đến quốc gia đồng minh Israel, bày tỏ phản đối kế hoạch tổ chức tấn công của Israel ở Rafah, kêu gọi ngừng bắn, trao trả con tin và bàn giao thi thể người chết.
Tại hội nghị, ông Josep Borrell, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại EU khẳng định, những gì xảy ra ngày hôm nay ở Gaza là thất bại của toàn nhân loại. Nguyên nhân “không phải do động đất hay lũ lụt gây ra, đó lại là từ bom đạn”.
Cuối hội nghị, các nhà lãnh đạo đã bày tỏ thương tiếc về những mất mát chưa từng có về tính mạng người dân và tình hình nhân đạo thảm khốc, đồng thời kêu gọi ngừng bắn lâu dài đối với cuộc xung đột tại Gaza.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận