4 binh sĩ đối mặt với 1.000 con chuột
Nôn mửa, chảy máu mắt, đau nhức dữ dội... là những triệu chứng bệnh lây nhiễm do nạn chuột hoành hành khắp các chiến hào quân sự tại điểm nóng xung đột Nga - Ukraine. Có những vị trí chỉ biên chế 4 binh sĩ nhưng có tới 1.000 con chuột.
“Hãy tưởng tượng khi bạn đi ngủ, một con chuột bò vào trong quần áo, liên tục cắn vào ngón tay của bạn thì sẽ kinh khủng như thế nào" - cô Kira, một nữ quân nhân Ukraine sợ hãi chia sẻ với CNN.
Cô Kira ước tính, trong hầm trú ẩn của cô, tuy chỉ có 4 lính nhưng phải sống chung với khoảng 1.000 con chuột.
Đây không phải lần đầu cô đối mặt với vấn đề này. Trước đó vào mùa thu năm 2023, tiểu đoàn của cô cũng đã bị chuột "bao vây" khi đang chiến đấu tại Zaporizhzhia.
Các đơn vị đã tìm đủ mọi cách xua đuổi chuột như rắc thuốc độc, phun amoniac hay thậm chí là cầu nguyện cho loài chuột biến mất.
Cô Kira cùng nhiều người lính khác phải nuôi thêm mèo để xua đuổi chuột nhưng do số lượng chuột quá áp đảo nên giải pháp này cũng bất khả thi.
“Chúng tôi nuôi một chú mèo tên Busia. Ban đầu nó cũng giúp bắt chuột nhưng sau, do có quá nhiều chuột nên Busia không thể bắt nổi. Một chú mèo có thể bắt được 1-2 con chuột, nhưng nếu có tới 70 con thì quả thực không thể”, cô Kira bày tỏ.
Các video được binh lính Nga và Ukraine chia sẻ trên mạng xã hội cho thấy mức độ chuột hoành hành ở tiền tuyến. Chuột nhắt bò lổm ngổm quanh gầm giường, trong ba lô, máy phát điện, áo khoác và vỏ gối. Trong khi đoạn video khác cho thấy đàn chuột đang lao ra từ khẩu súng.
Một video khác còn ghi lại cảnh chú mèo đang vồ chuột trên một chiếc ghế thì bất ngờ hàng chục con chuột khác rơi xuống, khiến chú mèo bị áp đảo nên đành rút lui.
Nỗi ám ảnh “chết người” thời Thế chiến thứ nhất
Tình báo quân sự Ukraine vào tháng 12/2023 đã báo cáo về đợt bùng phát “cơn sốt chuột” ở nhiều đơn vị quanh khu vực Kharkov. Đó là căn bệnh lây truyền từ chuột sang người do hít phải bụi từ phân chuột hoặc phân chuột lẫn vào thức ăn.
Cơ quan quân sự Ukraine cho biết thêm các triệu chứng của “cơn sốt chuột” bao gồm sốt, phát ban, huyết áp thấp, chảy máu mắt, nôn mửa, gây ra các cơn đau nhức dữ dội, làm suy giảm đáng kể khả năng chiến đấu cho các binh lính trên tiền tuyến.
Ngoài gieo rắc nỗi ám ảnh tinh thần và bệnh tật cho binh lính, chuột còn tàn phá các thiết bị và cơ sở hạ tầng. Các quân nhân báo cáo chuột thậm chí chui được vào trong các hộp kim loại và nhai đứt dây điện, gây gián đoạn liên lạc trên chiến tuyến. Chúng cũng gặm cả bình xăng và bánh xe quân sự.
Có những hầm trú ẩn thiệt hại tới 1 triệu hryvnia (hơn 650 triệu đồng) do chuột tấn công mọi thứ, từ radio, ô tô đến các dây cáp, bộ phát tín hiệu,...
Ông Ihor Zahorodniuk, nhà nghiên cứu tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Ukraine, nhấn mạnh thiệt hại có thể nghiêm trọng hơn do chuột phá hoại các thiết bị kết nối, gây gián đoạn liên lạc, dẫn tới nhiều thương vong hơn.
Tình trạng chuột hoành hành được nhà lãnh đạo lực lượng vũ trang Ukraine, ông Valery Zaluzhny, liên tưởng tới thảm họa tương tự hồi Thế chiến thứ nhất, diễn ra cách đây hơn 100 năm.
Khi đó, xác chết và chất thải dồn đống tạo điều kiện cho chuột sinh sôi nảy nở. Chúng tung hoành khắp các chiến trường, hoạt động mạnh nhất vào ban đêm khi binh sĩ nghỉ ngơi, gây ra căng thẳng lo âu cho các đơn vị chiến đấu.
Tại chiến tuyến xung đột Nga - Ukraine hiện nay, các nhà nghiên cứu cho rằng sự bùng nổ của loài chuột là do vụ lúa năm 2022 ở nhiều nơi không được thu hoạch hết, trở thành nguồn thức ăn dồi dào cho chuột phát triển.
Khi mùa đông kéo đến, lũ chuột càng tăng cường nhắm mục tiêu vào các căn cứ, chiến hào để tìm kiếm thức ăn và nơi trú ngụ ấm áp, gây suy giảm thể chất, tinh thần, ảnh hưởng tới khả năng chiến đấu của các quân nhân.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận