Quản lý

Kết nối camera giao thông để không lãng phí

08/03/2021, 06:25

Hiện nay, gần như những hệ thống camera trên quốc lộ và cao tốc vẫn chưa được kết nối dữ liệu dùng chung và phục vụ việc xử lý “phạt nguội”.

img

Từ năm 2017, đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác hệ thống camera thông minh để giám sát giao thông trên tuyến và phối hợp xử lý vi phạm. Hiện Cục CSGT đang triển khai lắp hệ thống camera riêng, hoạt động độc lập với hệ thống camera của đường cao tốc

Đề án đầu tư hệ thống camera toàn quốc vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là một phần của hệ thống giao thông minh (ITS), góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc, tai nạn. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào kết nối được với dữ liệu hệ thống camera hiện có của các dự án giao thông đã triển khai trước đó để phát huy hiệu quả và tránh lãng phí?

Đầu tư đơn lẻ, thiếu kết nối

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt đề án đầu tư hệ thống camera trên toàn quốc với mục tiêu là nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy Cục CSGT, bảo đảm việc kết nối hệ thống camera của các đơn vị trong và ngoài ngành Công an.

Tuy nhiên, trước khi đề án này được phê duyệt, thời gian qua đã có rất nhiều dự án giao thông đầu tư lắp đặt hệ thống camera để quản lý, điều hành, giám sát giao thông tại các đô thị và trên các tuyến cao tốc. Các dự án này mang tính chất thí điểm, đơn lẻ và vẫn chưa có kết nối tổng thể dữ liệu dùng chung.

Tìm hiểu của Báo Giao thông, trên tuyến QL1 đoạn từ Ninh Thuận đến Đồng Nai, Cục CSGT (Bộ Công an) đã lắp đặt và bàn giao hệ thống camera cho địa phương quản lý và bước đầu phát huy hiệu quả.

Trên tuyến có hàng trăm camera hiện đại và đang chờ kết nối toàn tuyến. Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Thuận cho biết, vào cuối tháng 1/2021, Cục CSGT đã lắp đặt 37 vị trí trên đoạn đường QL1 dài gần 200km qua địa bàn tỉnh. Qua hơn 1 tháng đưa vào sử dụng (từ ngày 3/2 đến 1/3), hệ thống camera đã phát hiện 4.044 trường hợp vi phạm giao thông.

Đại tá Lê Mai, Trưởng phòng CSGT công an tỉnh Ninh Thuận cho biết, gần 1 tháng đưa vào vận hành, hệ thống camera hỗ trợ rất đắc lực và xử lý nhiều trường hợp vi phạm giao thông trên QL1. “Hiện hệ thống camera vẫn đang trong quá trình hoạt động thử nghiệm. Trước khi kết nối đồng bộ camera trên QL1, Cục CSGT sẽ tổ chức tập huấn cho các đơn vị địa phương”, Đại tá Lê Mai cho hay.

Tại Đà Nẵng, Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng cho biết, hiện thành phố đã đầu tư lắp đặt camera giám sát giao thông tại 47 vị trí với 143 camera, tập trung tại các nút giao thông trọng điểm.

“Dữ liệu hình ảnh, thông tin thu được thông qua hệ thống camera ngoài việc phục vụ công tác xử lý vi phạm hành chính, còn hỗ trợ tích cực trong công tác phát hiện, ngăn chặn, điều tra, truy xét, xử lý tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác”, Đại tá Truyền cho biết.

Trung tâm quản lý Đường hầm sông Sài Gòn cũng đang quản lý hơn 1.000 camera giám sát, quản lý giao thông bằng hình ảnh. Ông Đoàn Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm cho hay, từ hệ thống, trung tâm phối hợp tốt với một số đơn vị để chia sẻ các dữ liệu.

Dữ liệu dùng chung giúp các đơn vị quản lý có thể cùng nhau lưu trữ file, tài liệu, dễ dàng tìm kiếm và truy cập vào các tài liệu được chia sẻ. Từ những dữ liệu này, Phòng CSGT Công an TP HCM tiến hành “phạt nguội” nhiều trường hợp xe vi phạm qua hầm Sài Gòn.

“Về đề án đầu tư hệ thống camera trên toàn quốc mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện nay mới đang ở trong giai đoạn chuẩn bị, khi nào thực hiện chúng tôi sẽ có những phân tích, đánh giá cụ thể”, ông Tấn cho hay.

Trên các tuyến cao tốc, từ năm 2017, Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E) đơn vị quản lý cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây đã đưa vào khai thác hệ thống camera thông minh để giám sát giao thông trên tuyến và phối hợp xử lý vi phạm, cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc.

Từ dữ liệu hình ảnh của camera, các hành vi vi phạm giao thông được chuyển qua lực lượng CSGT để xác minh và đã xử lý nhiều trường hợp “phạt nguội”. Hiện Cục CSGT đang triển khai lắp hệ thống camera riêng, hoạt động độc lập với hệ thống camera của đường cao tốc. Như vậy trên tuyến cao tốc sẽ có 2 hệ thống camera giám sát.

Chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn chung

img

Hệ thống camera giám sát trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã và đang phát huy hiệu quả trong công tác quản lý Nhà nước về bảo đảm TTATGT và xử phạt vi phạm hành chính (Trong ảnh: Chiến sĩ Đội TTKS giao thông đường bộ cao tốc số 1 xử lý các phương tiện vi phạm thông qua hệ thống camera hiện đại với độ phân giải cao). Ảnh: Ngọc Hải

Ngoài cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, cao tốc TP HCM - Trung Lương, Hà Nội - Hải Phòng cũng đều được lắp đặt hệ thống camera giám sát hiện đại. Tuy nhiên, hiện gần như vẫn chưa được kết nối dữ liệu dùng chung và phục vụ việc xử lý “phạt nguội”.

Trả lời PV về việc kết nối dữ liệu hệ thống camera trên các tuyến giao thông, ông Nguyễn Viết Tân, Giám đốc Công ty CP Dịch vụ Kỹ thuật đường cao tốc Việt Nam (VEC E - đơn vị quản lý đường cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây) cho biết, hai hệ thống sẽ hoạt động độc lập hoặc cùng chia sẻ dữ liệu trong công tác đảm bảo giao thông.

Thực tế, các hệ thống trên đã phần nào mang lại hiệu quả trong quản lý, điều hành giao thông nhưng nhìn ở góc độ công nghệ các chuyên gia cho rằng, hiện tại ứng dụng công nghệ trong giao thông đang thiếu đồng bộ, chưa có sự kết nối dữ liệu đồng bộ giữa các hệ thống. Việc kết nối dữ liệu gặp một số vướng mắc khi mỗi dự án sử dụng những giải pháp công nghệ khác nhau.

Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Công nghệ Trí Nam cho rằng, hiện có nhiều hệ thống giám sát, quản lý điều hành giao thông, nhưng các hệ thống còn hoạt động độc lập, thiếu đồng bộ.

Các hệ thống này không được kết nối và không có khả năng điều khiển tập trung. Mỗi hệ thống chủ yếu phục vụ cho nhu cầu riêng của từng ngành, chưa có tiêu chuẩn chung, quy chuẩn dữ liệu.

“Dù hệ thống camera dọc quốc lộ đã được nhiều địa phương đầu tư, song đến thời điểm này, việc tích hợp dữ liệu thu được từ hệ thống không thể thực hiện do hệ thống phần mềm khác nhau”, ông Dân nói.

Nguyên nhân theo ông Dân là do chưa xây dựng khung kiến trúc, các tiêu chuẩn ITS, chưa có cơ sở hạ tầng truyền dẫn chung, chưa có trung tâm điều hành giao thông khu vực để kết nối quản lý các hệ thống điều khiển. Cùng đó, hiện chưa có một quy trình quy hoạch cụ thể cho tích hợp chức năng các hệ thống. Còn tích hợp kỹ thuật cũng gặp nhiều khó khăn khi chúng ta chưa làm chủ được công nghệ. Hiện cũng chưa chưa có khung chính sách để gắn kết các hoạt động giữa các Bộ, ngành.

Theo một chuyên gia giao thông nhiều kinh nghiệm tại TP HCM, hiện dữ liệu do các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chưa được kết nối liên thông để dùng chung. Các địa phương đã đầu tư hệ thống camera chỉ dùng được cho địa phương mình mà chưa có kết nối dữ liệu với các Bộ, ngành hay địa phương khác, thậm chí bị “cát cứ” dữ liệu.

Bên cạnh đó, chưa có sự kết nối giữa trung tâm ITS của các tỉnh, thành phố với trung tâm ITS các tuyến đường cao tốc, quốc lộ. Các dự án đường cao tốc dù đã có trung tâm ITS nhưng chưa có trung tâm ITS khu vực để kết nối dữ liệu điều hành chung.

“Chính vì chưa có trung tâm ITS khu vực nên chưa có ai đưa ra yêu cầu cần chuyển hay kết nối dữ liệu gì. Cũng chưa rõ cơ quan nào quản lý dữ liệu, thông tin dữ liệu từ các hệ thống camera đã triển khai đưa về trung tâm này thế nào”, vị chuyên gia này nói.

Kết nối cách nào?

Ông Trần Anh Tú, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi) khẳng định, về mặt công nghệ, kỹ thuật hoàn toàn có thể thực hiện kết nối dữ liệu dự án đường cao tốc. “Vấn đề quan trọng là đường truyền có đáp ứng được hay không, để giám sát điều hành hình ảnh ổn định phải bằng đường truyền cáp quang. Điều này cần trung tâm điều hành giao thông thông minh theo vùng để tích hợp kết nối tất cả các tuyến đường cao tốc theo vùng và liên vùng”, ông Tú nói.

“Đầu năm 2020, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 2.0. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã ban hành tiêu chuẩn Việt Nam 12836: Hệ thống giao thông thông minh - Kiến trúc mô hình tham chiếu cho hệ thống ITS. Quá trình liên thông dữ liệu sẽ không bị ảnh hưởng. Chúng ta có nhiều công ty, nhiều công nghệ nhưng vẫn có một nguyên lý chung, vẫn có chuẩn kết nối là chung”.
Ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel


Sau khi thực hiện đề án của Thủ tướng cần phải thành lập các trung tâm giám sát, điều khiển giao thông thông minh tại 3 khu vực. Đây là nơi gắn kết giữa các đơn vị trong việc giám sát, điều khiển một cách hiệu quả.

“Trung tâm hoàn chỉnh sẽ đảm nhiệm 10 chức năng: Giám sát, điều khiển, cung cấp thông tin, hỗ trợ xử lý vi phạm, giám sát điều hành giao thông công cộng, tích hợp dữ liệu thanh toán điện tử, quản lý nhu cầu, vận tải hàng hóa, chia sẻ thông tin, quản lý tài sản kết cấu hạ tầng”, ông Tú nói.

Theo một chuyên công nghệ, không phải công nghệ khác nhau mà không có sự kết nối, vấn đề quan trọng là cơ quan quản lý đưa ra “đầu bài” thế nào để kết nối dữ liệu. Cơ quan quản lý muốn quản lý, kết nối dữ liệu gì, còn về công nghệ để kết nối không khó. Ra được đầu bài sẽ ra được phương án công nghệ.

Hệ thống điều khiển giao thông và xử phạt vi phạm giao thông là hai hệ thống khác nhau. Hệ thống camera dùng cho xử phạt khác với camera dùng cho quản lý giao thông. Camera dùng cho quản lý giao thông đo dòng xe, lưu lượng xe, tốc độ nên có độ quan sát rộng. Ngược lại camera xử phạt cần tầm nhìn hẹp hơn. Việc tích hợp hai loại camera này cũng là vấn đề khó khăn. Vì vậy, các ngành cần ra yêu cầu chung, nếu không sẽ đầu tư trùng.

“Cần đẩy nhanh thành lập các trung tâm ITS vùng, đầu tiên phải có trung tâm sau đó yêu cầu kết nối và gửi dữ liệu, hệ thống đầu tư cũ nâng cấp để phù hợp và các trung tâm mới phải tuân thủ theo yêu cầu. Các trung tâm này hoạt động thế nào, lấy ngân sách từ đâu, chi phí đường truyền, nhân sự và quyền hạn của trung tâm này trong quá trình điều tiết giao thông như thế nào thì mới triển khai được. Để kết nối dữ liệu giữa các Bộ, ngành, địa phương cần Chính phủ đứng ra chỉ đạo, nếu không sẽ khó thành công”, vị chuyên gia nói.

Phân tích cụ thể hơn, ông Võ Anh Tâm, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho rằng, về mặt kỹ thuật, nếu camera cùng một chuẩn thì hoàn toàn có thể kết nối được với nhau.

Chính phủ cần yêu cầu Bộ Công an chủ trì đầu tư vào các “vùng lõm” về hệ thống camera và các vị trí trọng điểm về giao thông. Bên cạnh đó, tài nguyên dữ liệu hiện có của các Bộ, ban, ngành đã được đầu tư, giờ cần có một chuẩn nhất định về mặt thông số kỹ thuật để tích hợp vào hệ thống của Bộ Công an sẽ đầu tư sau này. Đồng thời phải xây dựng được trung tâm điều hành giám sát tập trung, lưu trữ và xử lý tín hiệu từ camera ở điểm đã được lắp đặt trước đó.

“Về kỹ thuật công nghệ hoàn toàn có thể thực hiện việc kết nối liên thông hệ thống trên toàn quốc. Tuy nhiên, đó là về mặt kỹ thuật, thành công kết nối được hay không còn phụ thuộc vào sự “dẫn dắt” của Bộ Công an”, ông Tâm nói.

Cũng theo ông Tâm, năm 2019, Bộ TT&TT đã ban hành khung tham chiếu hạ tầng, nền tảng công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) phát triển đô thị thông minh. Nếu các địa phương tuân thủ theo các tiêu chuẩn theo khung này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến việc kết nối dữ liệu trong tương lai.

Đại tá Đỗ Thanh Bình (Phó Cục trưởng Cục CSGT):
Đánh giá lại hiệu quả hệ thống camera sẵn có

img

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án “Đầu tư lắp đặt camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự và xử lý vi phạm hành chính”, triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025.

Tổng kinh phí thực hiện Đề án khoảng 2.150 tỷ đồng, chia thành 3 dự án tại Cục CSGT (dự kiến khoảng 850 tỷ đồng), Phòng CSGT Hà Nội và CSGT TP HCM (mỗi dự án khoảng 650 tỷ đồng).

Hiện, Cục CSGT đang tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện đề án này. Lực lượng CSGT sẽ đánh giá lại hiệu quả của hệ thống camera sẵn có. Mục tiêu thứ nhất là sẽ lựa chọn công nghệ sát thực tiễn, đảm bảo tiết kiệm, có tính hệ thống cao nhất. Thứ hai, phải làm sao để có thể huy động được hệ thống camera không chỉ của công an, ngành GTVT mà cả của người dân vào dữ liệu dùng chung.

Vì vậy, một trong những phần việc quan trọng của đề án là Cục CSGT sẽ tham mưu cho Bộ, ngành, mà đặc biệt đối với Bộ GTVT, đề nghị khi tuyến đường mới đưa vào khai thác, các hợp phần, gói thầu của cao tốc Bắc - Nam đều phải có hệ thống camera giám sát để kết nối vào hệ thống chung.

Hiện Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 75 về hệ thống giám sát giao thông, nhưng để thực hiện được Đề án, tới đây tiêu chuẩn về hệ thống giám sát giao thông sẽ phải nâng lên thành tiêu chuẩn Quốc gia để áp dụng chung, chứ không phải riêng của lực lượng công an.

Cục CSGT sẽ tính toán, tham mưu để ban hành tiêu chuẩn hệ thống giám sát giao thông có thể sử dụng, phát huy tối đa hiệu quả giám sát giao thông của các hệ thống camera sẵn có của ngành công an, GTVT, camera của người dân, doanh nghiệp... Hướng tới, cứ đủ tiêu chuẩn thì sẽ được kết nối chung, dùng chung.

Chúng tôi dự kiến, một số tuyến đường sẽ quy định khoảng cách bao nhiêu km thì lắp đặt 1 camera. Ngoài ra, lắp đặt ở những khu vực nào có khả năng vi phạm nhiều nhất như lối ra vào tuyến cao tốc, ra vào khu dân cư. Các vị trí thường xuyên xảy ra TNGT cũng sẽ được ưu tiên lắp trước. Trong phố sẽ ưu tiên lắp đặt nhiều hơn. Còn con số cụ thể, thì chúng tôi chưa tính được.

Khi công nghệ thay thế một phần việc của CSGT, phải tính tới biên chế CSGT đó sẽ làm gì. Ví dụ, trên những tuyến áp dụng camera để xử phạt các vi phạm dừng đỗ, đi sai phần đường, làn đường, quá tốc độ... CSGT sẽ tăng cường phát hiện, xử lý những vi phạm camera không phát hiện được như nồng độ cồn, ma tuý, chở quá số người...

Văn Huế (Ghi)

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.