Liên quan đến vấn đề khai thác cát biển, đáp ứng nhu cầu san lấp các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL)", Bộ Tài nguyên và Môi trường kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đối với diện tích B1, tỉnh Sóc Trăng đủ điều kiện chuyển giao đơn vị khai thác ngay theo NQ43/2022/QH15.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, đến thời điểm hiện nay, dự án đã hoàn thành báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên cát biển khu B1, tỉnh Sóc Trăng.
Cụ thể, khoanh định được thân khoáng cát biển có diện tích 160,3km2, tài nguyên khoáng sản cát biển làm vật liệu san lấp cấp 333 + cấp 222 đạt 680 triệu m3. Trong đó, cấp tài nguyên 222 là 145 triệu m3, phân bố tại khu vực biển độ sâu phổ biến 2-5m, cách bờ (cửa Định An tính đến biên gần nhất) 20km, có điều kiện khai thác khả thi. Độ sâu khai thác từ 3-4m.
Kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 (tỉnh Sóc Trăng) cũng cho thấy, phương pháp và thiết bị khai thác cát bằng cách sử dụng tàu xén thổi tự hành công suất nhỏ hơn hoặc bằng 100.000 m3/ngày, chiều sâu hút cát thấp hơn 10m, hút cát đổ lên sà lan và vận chuyển vào bờ theo tuyến luồng Định An. Sau đó, vận chuyển bằng sà lan tải trọng 2.000- 3.000m3 vào khu vực tập kết.
"Tổng lượng cát khai thác 100 triệu m3, công suất khai thác đề nghị mức 30.000-50.000 m3/ngày, thời gian khai thác liên tục trong 10 ngày và phù hợp nhất từ tháng 3 đến tháng 8 hàng năm", báo cáo kết quả đánh giá tài nguyên khoáng sản cát biển khu B1 nêu.
Theo đánh giá của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, việc khai thác cát biển làm cát xây dựng hoặc san lấp đường cao tốc ở trong nước còn hạn chế, chưa phổ biến.
Nhưng đã có nhiều đề tài, công trình nghiên cứu, thử nghiệm và cho thấy, cát biển đáp ứng cơ bản được các yêu cầu, tiêu chuẩn về vật liệu đầu vào để san lấp nền đường ô tô và có khả năng xử lý tuyển rửa để làm cốt liệu bê tông, vữa xây.
Trên thực tế, Bộ Giao thông vận tải đang thí điểm sử dụng cát biển làm vật liệu đắp nền tại đường hoàn trả ĐT978, Hậu Giang - Cà Mau (thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía đông giai đoạn 2021 - 2025).
Kết quả thử nghiệm đến tháng 11/2023 cho thấy cát biển có thể sử dụng san lấp nền đường; quan trắc môi trường xung quanh khu vực thi công chưa thấy biểu hiện ô nhiễm môi trường.
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, cát biển ở khu B1 là nguồn tài nguyên của Quốc gia nằm trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, chứ không phải tài nguyên của tỉnh Sóc Trăng, nên tỉnh sẵn sàng chia sẻ tài nguyên này cho các dự án trọng điểm của Quốc gia, không chỉ riêng của ĐBSCL.
"Tỉnh Sóc Trăng cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để đưa vào khai thác, khi đầy đủ các cơ sở pháp lý", ông Lâu nói.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, trên địa bàn tỉnh có 5 mỏ cát vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, mỏ MS 03 thuộc khu 4 của quy hoạch, diện tích 52,9833ha, trữ lượng 1.190.520m3 (xã Nhơn Mỹ, huyện Kế Sách); mỏ MS 05 thuộc khu 5 có diện tích 100ha, trữ lượng 3.360.000m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); mỏ MS 06, thuộc khu 5, diện tích 57,3ha, trữ lượng 1.978.133m3 (xã An Thạnh Nhất, huyện Cù Lao Dung); mỏ MS 11, thuộc khu 6 với diện tích 73,62ha, trữ lượng khoảng 1.987.740m3 (thị trấn Trần Đề, huyện Trần Đề và xã An Thạnh Nam, huyện Cù Lao Dung); mỏ MS 14, thuộc khu 5, với diện tích 167,93ha, trữ lượng 2.518.950m3 (xã An Thạnh Đông, huyện Cù Lao Dung).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận