Đường bộ

Kết quả thí điểm cát biển làm cao tốc rất khả quan

19/12/2023, 20:54

Kết quả thí điểm vật liệu cát biển đắp nền đường cao tốc bước đầu cho ra những kết quả tương đối khả quan.

Các chỉ tiêu sau thi công đều trong giới hạn cho phép

Chiều nay (19/12), Bộ GTVT tổ chức hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng. 

Kết quả thí điểm cát biển làm cao tốc rất khả quan - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học công nghệ đánh giá kết quả thực hiện thí điểm việc sử dụng cát biển làm vật liệu xây dựng thu hút nhiều chuyên gia, nhà khoa học.

Báo cáo kết quả thí điểm cát biển, đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, trên cơ sở đề cương tổng quát, đề cương chi tiết được lập theo hướng triển khai cụ thể các nội dung nghiên cứu theo phương án 1 (thi công lớp K98 bằng cát sông, đắp nền K95 bằng cát biển, mái taluy đắp đất dính thông thường), vị trí được lựa chọn thí điểm là đoạn đường hoàn trả ĐT978 thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Đây là vị trí nhạy cảm về môi trường (hai bên là ruộng lúa và ao nuôi tôm), là vị trí có thể đảm bảo thông xe ngay sau khi thi công.

Theo thiết kế thí điểm, đoạn 1 hạ âm dài 60m và đoạn 2 dài 240m chia thành 3 phân đoạn với taluy có độ dốc khác nhau.

Khối lượng cát biển cho đoạn tuyến thí điểm khoảng 5.800m2. Cát biển sử dụng cho đoạn tuyến được khai thác bằng tàu xói hút tại khu vực mỏ thuộc xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh.

Trải qua quá trình vận chuyển trên biển đến cửa sông Hậu thuộc xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh, bơm sang mạn tàu vận chuyển, cát tiếp tục vận chuyển bằng đường sông đến đoạn sông gần vị trí thi công tại xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu, cự ly khoảng 170km. Sau đó được bơm lên bãi tập kết và vận chuyển đến vị trí thi công bằng ô tô tự đổ để thi công.

"Việc thi công được bắt đầu từ ngày 24/3/2023 ở đoạn giữa tuyến (bao gồm 300m đắp cát biển).

Sau khoảng 2 tháng, đến ngày 23/5/2023, đơn vị thi công đắp xong cát K95 gồm cả cát biển và cát sông trên toàn bộ tuyến đường hoàn trả ĐT978.

Công tác thi công láng nhựa mặt đường toàn tuyến đường được hoàn thành vào tháng 8/2023", đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận thông tin, đồng thời cho biết, theo kết quả đánh giá Viện Khoa học và Công nghệ GTVT đưa ra, mẫu cát biển được phân tích đánh giá chất lượng trầm tích khoáng sản thông qua phân tích 19 chỉ tiêu hóa học và so sánh với các giá trị giới hạn các thông số chất lượng trầm tích nước ngọt, nước mặn và nước lợ cho thấy, các chỉ tiêu đã được phân tích đều nằm trong giới hạn cho phép.

Cũng theo kết quả quan trắc các thông số môi trường đã thực hiện tháng 4, 5, 6, 7, 9, 11 (đang thực hiện) của Viện Khoa học và Công nghệ GTVT, đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy việc thi công cát biển tại ĐT978 có ảnh hưởng đến môi trường.

Cát biển khai thác tại mỏ Trà Vinh có các chỉ tiêu cơ lý đáp ứng các yêu cầu đối với vật liệu đắp nền theo quy định của Tiêu chuẩn TCVN 9436:2012 "Nền đường ô tô - Thi công và nghiệm thu"; công tác thi công đầm nén được thực hiện tương tự cát sông và đạt yêu cầu về độ chặt.

Nếu được Hội đồng thẩm định chấp thuận cho sử dụng, cần nghiên cứu mở rộng quy mô sử dụng cát biển thi công đắp nền đường ở phạm vi lớn hơn, chọn một số đoạn cao tốc còn đủ thời gian như Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và các dự án sắp khởi công ở khu vực ĐBSCL.
Đại diện Ban QLDA Mỹ Thuận


Liên quan đến công tác xây dựng định mức trong ứng dụng thi công cát biển, đại diện Viện Chiến lược và Phát triển GTVT cho biết, căn cứ theo hướng dẫn của Thông tư 13/2021 của Bộ Xây dựng, công tác xây dựng định mức mới liên quan đến công tác khai thác, vận chuyển và thi công thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường làm căn cứ xây dựng đơn giá, xác định dự toán chi phí đầu tư xây dựng công trình đã được thực hiện.

Đến nay Ban QLDA Mỹ Thuận đã có Văn bản trình Bộ Xây dựng, xin hướng dẫn và góp ý về định mức.

Cụ thể, 28 định mức đã được xây dựng. Trong đó, 11 mã định mức được xây dựng mới, gồm: 1 mã khai thác; 7 mã vận chuyển trên sông và trên biển; 3 mã thi công bơm và đắp cát biển.

17 mã được rà soát, áp dụng theo Thông tư 12/2021 của Bộ Xây dựng, gồm: 12 mã vận chuyển bằng ô tô tự đổ; 5 mã bơm cát biển lên bãi tập kết.

Nhiều tín hiệu tích cực trong thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc - Ảnh 3.

Đoạn tuyến thi công thử nghiệm lấy cát biển làm vật liệu đắp nền thuộc dự án cao tốc đoạn Hậu Giang - Cà Mau.

Hành lang pháp lý đã có?

Chia sẻ tại hội thảo, ông Lê Đức Tuân, Phó giám đốc Ban QLDA Mỹ Thuận cho biết, khu vực ĐBSCL cát sử dụng được cho san lấp làm nền đường chủ yếu tập trung ở Đồng Tháp và An Giang.

Những năm vừa rồi, mỗi tỉnh mới chỉ cấp phép từ 5 - 7 triệu m3/năm. Tổng trữ lượng của hai tỉnh cấp khoảng 10 -14 triệu/năm, chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu thi công dự án mỗi năm tại Đồng Tháp, An Giang (khoảng 30 triệu m3).

Trong năm 2023, Bộ GTVT và các địa phương khởi công hai dự án cao tốc lớn là cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau (nhu cầu cá 18,5 triệu m3) và cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (nhu cầu cát hơn 20 triệu m3). Tổng nhu cầu cát khoảng 40 triệu m3 phân bổ chủ yếu trong năm 2023, 2024 và một phần vào năm 2025.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, các tỉnh: Tiền Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long đã bố trí được cho dự án hơn 16 triệu m3. Song, chúng tôi mới làm xong thủ tục được khoảng hơn 5 triệu m3.

Để dự án cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau về đích đúng tiến độ, yêu cầu đặt ra đến 30/6/2024 phải hoàn thành công tác đắp gia tải, xử lý nền đất yếu.

Cát biển sau khi xử lý đều đáp ứng yêu cầu kỹ thuật nhưng kết quả phân tích cho thấy, thành phần hạt cát biển có sự khác so với cát sông. Do đó, việc thi công thí điểm rút ra quy trình kỹ thuật đầm nén có gì khác cũng phải nói rõ.
TS. Nguyễn Ngọc Lân, Trưởng bộ môn VLXD - Trường Đại học GTVT

Thực trạng hiện nay, mỗi mỏ bình quân chỉ khai thác được 1.000 - 1.500m3/ngày. Mỏ lớn nhất cũng chỉ khai thác được 1 triệu m3/năm, mỏ nhỏ từ 400.000 - 500.000m3. Trong thời gian còn lại, việc hoàn thành thủ tục khai thác toàn bộ 16 triệu m3 địa phương bố trí cho dự án là rất khó khả thi.

"Kết quả thí nghiệm trong phòng cho thấy, cát biển được lựa chọn thí nghiệm đáp ứng tiêu chuẩn sử dụng đắp nền đường, thực tiễn thi công đến nay, kết quả quan trắc môi trường, độ chặt nền đường cũng chưa có dấu hiệu bất thường.

Chúng tôi mong muốn vật liệu cát biển sẽ sớm được chấp thuận, cho phép sử dụng trong thi công nền đường cao tốc, đưa dự án về đích đúng kỳ vọng", ông Tuân nói và nhấn mạnh, để làm được điều này, quan trọng nhất là tính pháp lý.

"Làm sao để đưa loại cát này vào thi công ngay?", ông Tuân đặt vấn đề và nói thêm, hiện nay, khu B1 được Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TN&MT) quy hoạch chủ yếu cách bờ 20km nhưng cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác khu vực này vẫn chưa rõ ràng. Khu vực Sóc Trăng cũng chưa có quy hoạch sử dụng cát ven biển.

Nhận định khó khăn là rất lớn, song, lãnh đạo Ban QLDA Mỹ Thuận cũng nhận định, tín hiệu đáng mừng hiện này là từ năm 2018, HĐND tỉnh Trà Vinh đã có Nghị quyết số 61 quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản cát san lấp ven biển tỉnh Trà Vinh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là pháp lý để lấy được nguồn cát tại đây.

Theo Nghị quyết của tỉnh Trà Vinh, quy hoạch tài nguyên cát ven biển cấp 333 giai đoạn 2020 - 2030 là hơn 123 triệu m3. Khu vực quy hoạch từ 5,2km ra ngoài khoảng 7,5km (trong phạm vi địa phương có thẩm quyền quản lý, cấp phép theo quy định).

Nhiều tín hiệu tích cực trong thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc - Ảnh 5.

Ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng)

Theo ông Lương Văn Hùng, đại diện Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), từ năm 2000 đến nay, nhu cầu cát xây dựng (cả cát bê tông và cát san lấp) tăng trưởng 15%/năm. Từ khối lượng khoảng 73 triệu (2006) đến nay, nhu cầu đến 2020, hàng năm nhu cầu khoảng 130 - 145 triệu m3 cát bê tông, chưa kể cát san lấp.

Thế nhưng, trung bình công suất cấp phép khai thác cát sông hàng năm hàng năm chỉ đáp ứng 30 - 40% nhu cầu thực tế.

Nhấn mạnh cát biển hoàn toàn có khả năng sử dụng trong các công trình xây dựng, ông Hùng cho biết, năm 2019, Thủ tướng đã phê duyệt đề án phát triển vật liệu xây dựng cho biển đảo. Trong đó, yêu cầu chú trọng nguồn cát biển và cát nhiễm mặn để phục vụ các công trình xây dựng.

Một điều đáng mừng là ngày 15/12 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng ban hành quyết định 1626 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời ký 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, Bộ Xây dựng được giao xây dựng phương án thăm dò, khai thác và sử dụng cát biển làm VLXD.

"Tới đây, trên cơ sở tài liệu điều tra Bộ TN&MT công bố, Bộ Xây dựng sẽ có quy hoạch, sắp xếp lại theo từng vùng cát biển xây dựng phương án quy hoạch khai thác cát không chỉ trong 6 hay 12 hải lý mà còn là cát ngoài khơi, đáp ứng nhu cầu VLXD trong tương lai", ông Hùng nói.

Nghiên cứu ứng dụng từng phần

"Về mặt kỹ thuật, cát biển hoàn toàn có thể dùng được thi công dự án ngành GTVT", đưa ra khẳng định tại hội thảo, ông Lê Trung Thành, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, kinh nghiệm của ngành vật liệu xây dựng cho thấy, muốn sử dụng được cát biển, nếu cát mặn nhiều thì có giải pháp rửa bớt. Thành phần hạt khác nhau thì có giải pháp bổ sung.

"Trong khi chưa rõ cơ sở, chúng ta nên theo hướng thay thế dần dần, tỷ lệ sử dụng trong thi công từ 30 - 50% tiến dần tới 70% để tạo nên độ tự tin cho người làm.

Như bên ngành xây dựng, để không con sợ cát biển ăn mòn cốt thép, chúng tôi đã nghiên cứu để tỷ lệ sử dụng sao cho tỷ lệ muối của vật liệu không ảnh hưởng đến cốt thép.

"Với ngành GTVT cũng thế, chúng ta tìm tỷ lệ muối trong cát biển phù hợp để cây trồng không chết. Tìm ra được tỷ lệ này, cát biển đưa vào sử dụng thi công nền đường dự án giao thông sẽ có được điểm khống chế để đảm bảo an toàn", ông Thành chia sẻ.

Nhiều tín hiệu tích cực trong thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Văn Thành, Q.Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thành, Q.Viện trưởng Viện Khoa học công nghệ GTVT cho biết, đến thời điểm hiện tại, công tác thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền đường đã cho ra một số kết quả tương đối khả quan: đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, môi trường; Có thể lu lèn đạt được độ chặt K95 theo yêu cầu với lu thông thường; Kết cấu quan trắc độ lún, biến dạng qua thời gian qua bước đầu cho thấy nền đường ổn định.

Ông Thành cho biết, với dữ liệu có được, thời gian tới, Viện dự kiến báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép giai đoạn trước mắt sử dụng cát biển ở những nơi đã bị nhiễm mặn.

Phạm vi đắp nền đường giai đoạn đầu cũng nên hạn chế, có thể chỉ dùng cát đắp bù cho phần cào bóc hữu cơ, đắp phần nền đường với chiều cao nhất định chứ không đắp hết. Chiều cao cụ thể bao nhiêu phải tiếp tục tính toán.

"Quá trình sử dụng cát biển cũng cần nghiên cứu dùng vải địa kỹ thuật, màng chống thấm hạn chế sự nhiễm mặn của cát biển ra môi trường xung quanh", ông Thành nêu quan điểm.

Nhiều tín hiệu tích cực trong thí điểm cát biển làm vật liệu đắp nền cao tốc - Ảnh 7.

Ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT).

Sẽ xây dựng chỉ dẫn kỹ thuật từng bước

Đánh giá cao sự đóng góp tích cực của các cơ quan quản lý, cơ quan nghiên cứu, nhà khoa học, doanh nghiệp, ông Lê Văn Dương, Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường (Bộ GTVT) cho biết, 9 báo cáo và 16 ý kiến trao đổi tại hội thảo đã cơ bản thống nhất phạm vi dùng cát biển như: thi công lớp K95 và vùng không chịu tải trọng động trong quá trình khai thác nền đường...

“Trên cơ sở các nội dung tại Hội thảo ngày hôm nay và báo cáo kết quả thử nghiệm của dự án thí điểm, ngày 20/12/2023 Hội đồng KHCN của Bộ GTVT tiếp tục tổ chức họp để xem xét, đánh giá một cách khách quan, khoa học, chính xác kết quả dự án thí điểm. 

Sau khi có kết quả họp Hội đồng Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện báo cáo gửi cấp có thẩm quyền xem xét. Trong đó, chỉ dẫn kỹ thuật sẽ thống nhất định nghĩa vật liệu, quy định liên quan đến công tác thiết kế, thi công, nghiệm thu nền đường đắp bằng vật liệu cát biển. Tiếp tục, phối hợp với các Bộ, ngành xem xét tháo gỡ và giải quyết các vướng mắc (nếu có)”, ông Dương khẳng định.

Tại hội thảo, đại diện Tập đoàn Geleximco cũng bày tỏ trăn trở khi công nghệ rửa cát nhiễm mặn ở Việt Nam hiện còn thiếu thiết bị chuyên dụng.

"Tôi đã từng ngồi tàu 50.000m3 khai thác từ Malaysia về Singapore, đường ống chuyền tải cát có đường kính tới 1,5m với công nghệ hiện đại. Công nghệ tốt giảm được gần 30% chi phí so với công nghệ Việt Nam đang làm", vị này nói.


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.