Tài chính

Khai thác “mỏ vàng” tín chỉ carbon

03/09/2024, 07:37

Việt Nam hiện đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được cả nghìn tỷ đồng nhờ bán tín chỉ.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia cho rằng, Việt Nam có tiềm năng rất lớn và hoàn toàn có thể khai thác được "mỏ vàng" này.

Khai thác “mỏ vàng” tín chỉ carbon- Ảnh 1.

Ông Lê Xuân Nghĩa.

Cuộc đua chuyển đổi xanh

Tín chỉ carbon được nhắc tới rất nhiều thời gian qua, theo ông cách hiểu đơn giản là gì?

Thị trường tín chỉ carbon bắt nguồn từ Nghị định thư Kyoto của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu, được thông qua vào năm 1997. Theo Nghị định thư Kyoto, các quốc gia có dư thừa quyền phát thải được bán, cho hoặc mua từ các quốc gia phát thải nhiều hơn hoặc ít hơn mục tiêu cam kết. 

Cần có quỹ quốc gia về chuyển đổi xanh. Hiện nay, quỹ của Bộ Tài nguyên và Môi trường mới có khoảng 1.000 tỷ đồng, tương ứng với 450 triệu USD. Trong khi đó ngân hàng thế giới tính toán, Việt Nam cần khoảng 360 tỷ USD để có thể chuyển đổi xanh đạt mục tiêu net-zero năm 2050.

Ông Lê Xuân Nghĩa

Từ đó, trên thế giới xuất hiện loại hàng hóa mới là các chứng chỉ giảm/hấp thụ phát thải khí nhà kính. Do carbon (CO2) là khí nhà kính quy đổi tương đương của mọi khí nhà kính nên các giao dịch được gọi chung là mua bán, trao đổi carbon, hình thành nên thị trường carbon hay thị trường tín chỉ carbon.

Phải chăng vì vậy mà không quốc gia nào nằm ngoài xu hướng "chuyển đổi xanh", thưa ông? 

Đúng vậy. Chuyển đổi xanh, cốt lõi là phải thay đổi công nghệ. Thế giới đặt mục tiêu nghiên cứu để chuyển đổi xanh toàn bộ nền kinh tế bằng cách chuyển đổi năng lượng hóa thạch sang năng lượng thiên nhiên là mặt trời, gió, hidrogen…

Hai là áp dụng các loại công nghệ để tiết kiệm tiêu hao năng lượng, giảm khí thải nhà kính. Và thứ ba là duy trì, phát triển rừng để tạo ra "mỏ" tín chỉ carbon. 

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn loay hoay với chuyển đổi xanh, họ chưa biết bắt đầu từ đâu, theo ông vì sao lại như vậy? 

Muốn chuyển đổi phải kiểm kê mình phát thải bao nhiêu. Báo cáo này phải được thẩm định bởi tổ chức có thẩm quyền. 

Tuy nhiên, hoạt động kiểm kê khí nhà kính vô cùng phức tạp, gồm nhiều cấp. Để có thể kiểm kê đúng, đủ, đòi hỏi những cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ kiểm đếm có một cơ sở dữ liệu đủ lớn, với hàng trăm công thức.

Họ cần có trung tâm về khoa học và xử lý dữ liệu, phải xây hệ thống phân tích bằng công cụ trí tuệ nhân tạo (AI), đòi hỏi chi phí rất lớn. 

Đây cũng là lý do khiến số lượng doanh nghiệp thực hiện kiểm kê mới đạt tỷ lệ 10%. Trong số này, trường hợp được kiểm định quốc tế chỉ đếm trên đầu ngón tay.  

"Tác động khốc liệt"

Hậu quả thế nào nếu doanh nghiệp không tuân thủ việc chuyển đổi xanh theo lộ trình, thưa ông? 

Doanh nghiệp sẽ phải trả giá theo tính chất, mức độ vi phạm cam kết. Ví dụ, nếu không có báo cáo, hoặc báo cáo không được thẩm định, họ sẽ không xuất khẩu được hàng hóa. Nhẹ hơn sẽ bị phạt thuế carbon theo lộ trình quy định.

Khai thác “mỏ vàng” tín chỉ carbon- Ảnh 2.

Với tỉ lệ che phủ rừng lớn, Việt Nam có nhiều tiềm năng để bán tín chỉ carbon rừng.

Ngay từ tháng 11/2024, 5 mặt hàng đầu tiên sẽ bị phạt thuế carbon khi xuất khẩu vào một số thị trường, gồm sắt, thép, nhôm, xi măng, phân bón, điện, hidrogen. Bước sang năm 2026, việc này sẽ áp dụng cho tất cả các mặt hàng, với mức thuế carbon 2,5%. 

Giả sử giá carbon thời điểm xuất khẩu là 100 USD thì doanh nghiệp xuất khẩu phải chi trả 2,5 USD cho mỗi tấn carbon phát thải vượt mức quy định. Mức thuế này là 49% vào năm 2030. Như vậy, mức độ tác động của chính sách này rất khốc liệt. 

Với các doanh nghiệp mà thị trường tiêu thụ chủ yếu là nội địa, sức ép chuyển đổi có nhẹ nhàng hơn không?  

Tổ chức, doanh nghiệp nào cũng phải chuyển đổi. Tùy theo quy mô, lĩnh vực hoạt động, sẽ được cơ quan quản lý cấp hạn ngạch phát thải ứng với từng giai đoạn. 

Giả sử, công ty A chuyên sản xuất thép, hiện đang phát thải 20 tấn carbon/năm, đến năm 2025 bắt buộc giảm lượng phát thải còn 15 tấn/năm, đến năm 2030 còn 10 tấn, năm 2035 còn 5 tấn.

Đến năm 2025, nếu công ty vẫn phát thải đến 18 tấn/năm thì phải tìm mua 3 tấn tín chỉ carbon để bù vào. Ngược lại, nếu đến 2025, công ty chỉ phát thải 10 tấn carbon, họ sẽ được phép bán 5 tấn "vượt kế hoạch" đó cho đơn vị nào đang thiếu. 

Vậy nếu doanh nghiệp chấp nhận chịu phạt thay vì chuyển đổi, lúc đó sẽ thế nào, thưa ông?

Hiện giá tín chỉ carbon tại châu Âu xấp xỉ 100 USD/tấn song các nước đang phát triển còn "nương tay", tức hạn ngạch về phát thải vẫn rất cao, đồng nghĩa giá tín chỉ carbon còn thấp. Mà chừng nào việc sử dụng công nghệ cũ vẫn chưa bị trừng phạt, hoặc trừng phạt không đáng kể, người ta sẵn sàng nộp phạt.

Ngân hàng Thế giới đã tính toán: Chừng nào giá tín chỉ carbon lên tới 147 Euro/tấn thì lúc bấy giờ mới có hiệu ứng thật sự để giảm phát thải khí nhà kính. 

Tức là lúc đó chính sách đủ mạnh để trừng phạt những ai phát thải nhiều. Đó cũng là phần thưởng cho những ai trồng rừng nhằm giảm phát thải. Bởi vậy, công cuộc chuyển đổi xanh của doanh nghiệp Việt phụ thuộc rất lớn vào thiết kế lộ trình đánh thuế carbon của Chính phủ. 

Có thể thu 300 triệu USD/năm

Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng thị trường này ở Việt Nam và làm thế nào để khai thác hiệu quả "mỏ vàng" này? 

Việt Nam có tiềm năng lớn về rừng, với hơn 14,7 triệu ha, đạt tỷ lệ che phủ trên 42%. Bên cạnh đó là tiềm năng từ ngành nông nghiệp, đặc biệt là canh tác lúa, các dự án thủy điện… 

Hiện Việt Nam đứng thứ 5 trong các nước tạo tín chỉ carbon và đã thu được 1.200 tỷ đồng nhờ bán tín chỉ này. Nếu thực hiện được các giao dịch tương xứng, trước mắt có thể bán tín chỉ carbon với giá trị khoảng 300 triệu USD/năm. 

Việt Nam cần có chiến lược phát triển, phục hồi lại rừng tự nhiên. Hiện tôi và cộng sự đã có được kinh nghiệm sau 4 năm phục hồi 4.000m2 rừng tự nhiên (từ rừng trồng keo, tràm) tại Quảng Bình. Từ kinh nghiệm này, chúng tôi đang tư vấn trồng và phục hồi rừng cho khoảng 100.000ha ở Việt Nam và 39.000ha bên Lào. 

Việt Nam đang xây dựng hành lang pháp lý và kỹ thuật cho sàn giao dịch carbon. Theo ông, sàn này nên hoạt động như thế nào để hiệu quả? 

Theo dự thảo mới nhất của Bộ Tài chính, mô hình sàn carbon của ta khá giống với Nhật Bản. Tức là dùng ngay thị trường chứng khoán, chỉ cần thêm vào đó mã carbon là giao dịch được, nhà đầu tư chứng khoán có thể đầu tư carbon cùng lúc. 

Cảm ơn ông! 


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.