Việt Hải vẫn tồn tại những ngôi nhà đắp đất đặc trưng
Nằm lọt thỏm giữa biển khơi, bao bọc bởi núi cao và rừng già của Vườn Quốc gia Cát Bà, thuộc đảo Cát Bà (huyện đảo Cát Hải, Hải Phòng), xã đảo Việt Hải thường được gọi là “đảo của đảo”.
Việt Hải giờ đây đã trở thành một địa điểm du lịch nổi tiếng với du khách nước ngoài. Trong khi đó, hầu hết du khách Việt khi đến với Cát Bà thường chỉ dừng chân ở thị trấn Cát Bà tắm biển, ăn hải sản, mà không nhiều người biết rằng cách đó không xa, có một ngôi làng đặc biệt nên khám phá.
Nhà không khóa, xe để ngoài đường không lo trộm
Hơn 5h sáng, anh Vũ Quang Mạnh, cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Cát Bà - người dẫn đường cho chúng tôi đã í ới đánh thức mọi người dậy để kịp băng rừng vào Việt Hải. Mới vượt qua đỉnh dốc Ánh Rạng - đỉnh dốc đầu tiên trong gần 10 đèo dốc để đến được Việt Hải, mặt mũi ai cũng tái mét, thở phì phò.
Những năm gần đây, trường mầm non và tiểu học của xã có đủ 5 lớp tiểu học và 2 lớp mầm non.
Trước đó, như năm 2007 - 2008, trường tiểu học chỉ có 3 lớp, trống lớp 3 và lớp 4 vì… không có học sinh. Trong 2 năm liền cả xã chỉ có thêm vài công dân mới, không đủ mở lớp nên các thầy cô phải ghép các cháu này vào lớp trên.
Trong giờ học, cô giáo phải dạy cả học sinh lớp 4 và lớp 5. Là xã thuộc diện vùng sâu, vùng xa nên Việt Hải không có trường THCS, THPT nên sau khi học xong bậc tiểu học, con em Việt Hải được vào đất liền học tại Trường Dân tộc nội trú Đồ Sơn.
Bà Phạm Thị Mai Anh, Chủ tịch UBND xã Việt Hải
Anh Mạnh cho biết, nhìn trên bản đồ địa chính, xã Việt Hải là điểm cuối cùng của Vườn quốc gia Cát Bà thuộc đảo Cát Bà, huyện Cát Hải.
Lựa chọn con đường xuyên qua Vườn Quốc gia Cát Bà để di chuyển tới xã Việt Hải cũng đồng nghĩa với việc phải mất rất nhiều công sức, thời gian có thể lên đến 6 tiếng.
Tuy nhiên, khi đã lựa chọn, du khách sẽ không phải cảm thấy hối tiếc, bởi dọc đường đi, sẽ được trải nghiệm những điều kỳ thú. Trên đường đi, chúng tôi đi qua một đầm nước tuyệt đẹp có tên Ao Ếch.
Đây cũng được coi là khu rừng ngập nước hiếm hoi của miền Bắc, có diện tích 3,2ha, nằm lưng chừng núi ở độ cao 80m so với mực nước biển.
Nơi đây mọc lên rất nhiều loại cây lạ, như cỏ Hạ Long thân cao vút, hay cây Và nước ước (cây cao 5 - 10m, mọc trên nước thành một quần thể bí ẩn), chỉ có ở Ao Ếch. Sở dĩ có tên Ao Ếch là vì ở đất có rất nhiều ếch.
Quanh đầm, những loài cua đá hiếm gặp bò lổm ngổm trên bờ. Nước đầm trong vắt, có thể nhìn thấy vô số loài cá lạ bơi phía dưới. Cá nhiều đến nỗi chỉ cần buông cần xuống, vài giây sau đã có thể đưa cá lên.
Tiếp đó là dốc Dài, đồi Yên Ngựa... mà người đi qua chỉ có thể len qua bằng đường mòn. Ở đây loài sưa trắng mọc rất nhiều, đặc biệt có nhiều loài cây quý hiếm được bảo tồn.
Nếu không thích đi đường bộ, du khách có thể lựa chọn đi tàu từ bến Bèo, thị trấn Cát Bà với thời gian khoảng 45 phút, vượt qua vịnh Lan Hạ với vô số các đảo nhỏ thơ mộng, để đến với Việt Hải.
Du khách nước ngoài băng rừng tới thăm Việt Hải
“Với vị trí cách biệt như vậy, Việt Hải vẫn giữ nguyên được nét đẹp hoang sơ của một làng chài cổ đặc trưng của vùng duyên hải Bắc bộ.
Khách du lịch người Việt Nam tới Cát Bà thường chỉ dừng chân ở thị trấn Cát Bà tắm biển, ăn hải sản, sử dụng các dịch vụ vui chơi giải trí tại đây. Tuy nhiên, với nhiều du khách nước ngoài ưa khám phá thì Việt Hải mới là điểm du lịch hấp dẫn với họ”, anh Mạnh nói.
Hơn 9 cây số xuyên rừng với vô vàn muỗi, vắt, chiêm ngưỡng nhiều loài cây, hoa lạ lùng, cuối cùng chúng tôi cũng tới được Việt Hải.
Làng cổ hiện ra với những mái nhà cổ lợp mái lá, ngói cổ nằm ẩn nấp, xen kẽ với những ngôi nhà mới xây theo phong cách mới.
Tuy có sự xuất hiện của những ngôi nhà mái ngói hay nhà 2 tầng, những Bungalow (nhà mái Thái) dành cho khách du lịch đang ngày càng mọc lên nhiều hơn, nhưng Việt Hải vẫn thấp thoáng những ngôi nhà cổ đắp đất hoặc xây gạch, lợp mái rạ. Những ngôi nhà cổ này đang được chính quyền địa phương khuyến khích người dân bảo tồn để giữ lại nét độc đáo của làng quê.
Ông Nguyễn Văn Thảo, một người dân trên đảo nhớ lại: “Cách đây chừng 20 năm, chưa có đường bê tông, không điện, không phương tiện thông tin liên lạc, Việt Hải thực sự tách biệt với đất liền. Mỗi tháng 2 lần, chiếc tàu gỗ chở người từ xã vượt qua vịnh Lan Hạ vào đảo Cát Hải để mua nhu yếu phẩm.
Ngày đó, voọc Cát Bà (loài linh trưởng chỉ có ở Cát Bà, nằm trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), có nguy cơ tuyệt chủng cao nhất thế giới) còn chạy đầy đường làng Việt Hải. Những loài khác như nai, chồn, cáo… thì nhiều vô kể”.
Tới nay, người dân Việt Hải vẫn giữ những thói quen tồn tại từ xa xưa: Các ngôi nhà có cổng vào, cửa nhà nhưng tuyệt nhiên chẳng thấy chiếc khóa nào.
Anh Thái, người dẫn đường cho chúng tôi thản nhiên kéo cổng, đi qua sân vào thăm các nhà. Chủ nhà đi vắng, anh lại khép cửa dẫn chúng tôi đi thăm nhà khác.
Chỉ vào những chiếc xe đạp, xe máy ở mép đường, anh Thái nói: “Ở đây người dân toàn để xe máy ngoài sân, vệ đường mà không lo trộm cắp bởi ở đây lâu lắm rồi chẳng ai mất cắp gì. Người làng thì chẳng ai trộm cắp, mà có tên trộm nào tắt mắt muốn lấy trộm thì cũng chẳng mang đi được”.
Phát triển du lịch cộng đồng
Anh Vũ Quang Mạnh giới thiệu với du khách về địa danh Ao Ếch
Xã Việt Hải có diện tích rộng 6.817,1ha với 95 hộ dân và 280 nhân khẩu. Trung tâm xã nằm trong thung lũng rộng 141,3ha, bao quanh là núi rừng hùng vĩ, đất đai ở đây màu mỡ, có suối chảy quanh năm tạo nên khung cảnh sơn thủy hữu tình.
Tới Việt Hải thời điểm trước khi bùng phát dịch bệnh Covid-19 rất dễ dàng nhận thấy từng tốp khách du lịch nước ngoài thăm quan.
Tới đây, du khách sẽ cảm nhận được không gian yên bình, nhịp sống dường như chậm lại, được đi bộ hoặc đạp xe khám phá cảnh đẹp rừng núi hoang sơ kỳ vĩ, tham gia trải nghiệm nghề nông của người dân trong xã, được leo núi, ngắm biển hay đến thăm những ngôi nhà cổ nằm sâu trong thung lũng bao quanh là núi non trùng điệp...
Đến Việt Hải, không thích homestay, nhà hàng, du khách có thể ghé bất cứ nhà dân nào đề nghị “góp gạo thổi cơm chung” và ngủ nhờ qua đêm.
Những món ăn dân dã, những câu chuyện chân tình luôn là thứ níu chân du khách quay lại với Việt Hải. Vui nhất, dù nhà nhà, người người Việt Hải làm du lịch, chẳng ai toan tính giá trị kinh tế xem lỗ lãi bao nhiêu. Với họ, có khách đến nhà, thăm quê hương là niềm vui không gì sánh bằng.
Bà Phạm Thị Mai Anh, Chủ tịch UBND xã Việt Hải cho biết: Những năm trước, mỗi năm Việt Hải đón khoảng 25 nghìn lượt khách du lịch trong và ngoài nước tới thăm.
Năm 2020 do tình hình dịch bệnh Covid-19 nên Việt Hải mất đi lượng khách du lịch nước ngoài rất lớn, chỉ còn khách nội địa tới thăm nên cả năm chỉ có khoảng 17 nghìn lượt khách tới Việt Hải.
Tới nay, ngoài thời gian làm nông nghiệp, đánh bắt cá thì có tới 80% người dân Việt Hải làm du lịch. Tuy vậy, cách làm du lịch của họ cũng rất đặc biệt, không có sự xô bồ thường thấy ở các điểm du lịch.
Khi có đoàn khách nào đến thăm quan, tới bữa, tạt vào nhà dân nói với chủ nhà muốn ăn một bữa cơm, chủ nhà bắt gà, cá làm cơm rồi cả chủ nhà và khách cùng ăn.
Khách sẽ căn cứ vào giá trị bữa ăn mà chủ nhà đã bỏ ra để trả cho chủ nhà một số tiền tương ứng. Còn người Việt Hải cũng chẳng biết tính giá trị bữa ăn bao nhiêu tiền để thu của khách.
“Mong rằng Việt Hải vẫn giữ lối sống chất phác thế này, không bị biến đổi khi khách du lịch đổ về đây ngày càng nhiều”, anh Vũ Quang Mạnh tâm sự.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận