Làng Trạch Xá (xã Hòa Lâm, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội) nổi tiếng bởi nghề may áo dài thủ công. Tục làng nghề này không truyền cho phụ nữ giờ đã được phá bỏ, nhưng tỷ lệ thợ cứng của làng chủ yếu vẫn là đàn ông.
Nét riêng áo dài Trạch Xá
Cách trung tâm thành phố Hà Nội 60km, làng Trạch Xá (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) vẫn còn giữ được nhiều nét đặc trưng của làng quê Việt, với đường làng lát gạch, cây đa cổ thụ, giếng nước giữa làng, sân đình cổ kính...
Đi sâu vào trong làng, trong căn phòng khách khang trang thơm mùi vải vóc, ông Đỗ Minh Tám (SN 1967, làng Trạch Xá) - một thợ may áo dài nổi tiếng của làng Trạch Xá đang tỉ mẩn từng mũi khâu trên tấm lụa xanh. Ông Tám cho biết, nhà ông đã nhiều đời may áo dài, từ nhỏ ông đã lớn lên bên lụa là, gấm vóc, kim chỉ. Như phần lớn trẻ em ở Trạch Xá, 8 - 9 tuổi là ông đã một buổi đi học, một buổi cầm kim phụ cho bố khâu áo dài.
“Áo dài của làng Trạch Xá khâu tay thủ công toàn bộ, cách cắt, khâu cứ từ đời bố truyền cho con, từ thế hệ này sang thế hệ khác, máy móc không thể thay thế được”, ông Tám nói.
Theo ông Tám, từ 30 - 40 năm trở lại đây xuất hiện máy may “5 con bướm” của Trung Quốc, nhưng các thợ làng Trạch Xá chỉ dùng để xử lý công đoạn máy cổ áo, gấu tay áo mà thôi, còn toàn bộ sản phẩm áo dài vẫn là thợ tự tay cắt từng miếng vải, tự tay khâu từng mũi kim.
“Để làm xong 1 chiếc áo dài, thợ lành nghề cũng phải miệt mài mất 1 ngày, 1 đêm. Sản phẩm áo dài của làng Trạch Xá, các người thợ không dùng chỉ công nghiệp, mà dùng chính bằng sợi chỉ của tấm vải đó để khâu nên chất liệu đồng nhất. Do đó, áo dài Trạch Xá khác hẳn nơi khác, khi giặt, sản phẩm không bị co rút, tạo khối đồng nhất, mềm mại. Nếu dùng chỉ công nghiệp khi giặt, là, thân áo sẽ bị co dưới tác động của nhiệt, nước, nên tà áo dài sẽ bị cứng”, ông Tám giải thích.
Cụ Nguyễn Văn Nhiên (86 tuổi, ở xóm Đông Tiến, làng Trạch Xá) được coi là nghệ nhân cao niên nhất của làng nhớ lại, theo tương truyền, nghề may áo dài Trạch Xá có từ hàng nghìn năm nay.
Cụ Nhiên cho hay, theo tài liệu dã sử lưu truyền trong dân gian và thần tích, thần phả các di tích thì Vua Đinh Tiên Hoàng có 5 bà Hoàng hậu. Trong đó, bà Nguyễn Thị Sen là Tứ phi Hoàng hậu.
“Do rất giỏi trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa và may vá, bà chịu trách nhiệm may áo trong cung đình. Đến năm 968, Vua Đinh Tiên Hoàng bị sát hại, bà về làng Trạch Xá lánh nạn, mang nghề may áo dài dạy lại cho người dân nơi đây. Khi bà mất, dân làng tôn bà là Thánh tổ nghề may và lập đền thờ. Cứ vào ngày 12/12 Âm lịch hàng năm. dân làng Trạch Xá lại tổ chức tế lễ tri ân, tôn vinh bà tổ nghề may của làng”, cụ Nhiên kể.
Theo cụ Nhiên, nghề may áo dài trường tồn ở Trạch Xá, bởi áo dài ở đây có nét riêng biệt, đó là những đường nét cắt, khâu nhuần nhuyễn và hoàn hảo đến độ “như dán phết hồ”.
“Thông thường ở những địa phương khác, may áo chủ yếu bằng kĩ thuật khâu tay ngang nhưng ở Trạch Xá, chúng tôi đều sử dụng kĩ thuật khâu tay dọc. Ưu điểm của kĩ thuật này là tạo nên những mũi khâu đều, mềm mại ôm vừa khít người mặc, không bị cứng tà, cứng các góc cắt may”, cụ Nhiên nói.
Phá bỏ tục chỉ truyền nghề cho nam giới
Ngồi cạnh ông Tám, có 3 người phụ nữ các độ tuổi khác nhau. Những người phụ nữ ấy cũng thực hiện các thao tác khâu, thêu thành thục. Ông Tám cho biết, việc cắt vẫn là của thợ chính, chủ yếu là đàn ông. Nhưng giờ đây, nhiều phụ nữ cũng bắt đầu học hỏi, tham gia vào công việc này.
“Trước đây, nghề may áo dài chỉ được truyền cho nam giới, bởi các cụ quan niệm nghề này đi cắt may khắp nơi, phụ nữ không phù hợp. Vì vậy, đã có một thời gian, người ta cứ mặc định đàn ông Trạch Xá chỉ ở nhà may áo, việc lớn nhỏ ngoài xã hội do đàn bà cáng đáng, thực tế không phải vậy...”, ông Tám tâm sự.
Xác nhận thực tế này, bà Tạ Thị Hoa (SN 1960, ở làng Trạch Xá) chia sẻ: “Nhà có 3 anh em, tôi là út trên có 2 anh trai, hồi bé nói thế nào bố tôi cũng không truyền nghề cho bí quyết khâu tay áo dài. Bố tôi bảo, là con gái ở nhà nội trợ, chỉ có đàn ông người ta nay đây mai đó, nghề này không phù hợp với con gái nên bố tôi nhất quyết không truyền lại cho tôi”, bà Hoa nói.
Cụ Nguyễn Văn Nhiên giải thích, trước đây thợ may của làng Trạch Xá chỉ có cái kéo, cái thước gập là “khăn gói quả mướp” đi khắp các tỉnh thành, chuyến đi ít cũng phải hàng tuần, hàng tháng, có khi vài tháng. Do đó, công việc này chỉ phù hợp với nam giới, vì vậy các cụ mới không truyền nghề cho nữ giới.
“Nhưng khoảng năm 2005 trở về đây, người Trạch Xá không còn đi lang thang may áo dài dạo, mà về làng lập nghiệp. Khi không còn lang thang nay đây mai đó, thì nghề may áo dài thích hợp với nữ hơn nam”, ông Tám cho biết.
Em Lê Thị Thúy Huyền (16 tuổi, người làng Trạch Xá) cho biết, hiện em đang học lớp 10, những buổi không đến lớp thì em lại đến đây để học khâu áo dài.
Tương tự, em Đỗ Thanh Huyền (20 tuổi, người làng Trạch Xá) nói, em đang phụ khâu áo dài ở đây, chưa cắt được nhưng em làm các việc như khâu, thêu, là áo. “Công việc nhẹ nhàng phù hợp với phụ nữ, lương cũng vài trăm nghìn một ngày, tuy nhiên cần cẩn thận, tỉ mỉ, và cả khéo tay nữa”, Huyền nói.
Ông Tám cho biết, công thợ cũng tùy thuộc vào tay nghề, mức thấp khoảng 300 nghìn đồng/ngày, công còn thợ có tay nghề cao thì khoảng 600 nghìn đồng/ngày. “Thường bộ áo dài khâu tay đẹp giá hơn 1 triệu đồng/bộ. Từ năm 2016 trở lại đây, áo dài cổ, kiểu ngũ thân truyền thống lên ngôi, chúng tôi quay lại may theo kiểu này, sẽ khó hơn may áo dài cách tân”, ông Tám nói.
Theo lãnh đạo UBND xã Hòa Lâm, xã có 7 thôn nhưng chỉ duy nhất làng Trạch Xá làm nghề may. Làng Trạch Xá hiện có khoảng 520 hộ gia đình với 2.032 nhân khẩu, trong đó độ tuổi lao động là 1.680 người thì có tới 95% số người này làm thợ may, trong đó hơn một nửa là phụ nữ.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận