Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn kiểm tra khu vực an ninh soi chiếu tại sân bay Tân Sơn Nhất chiều 21/4
Khai thác vượt công suất
Những ngày gần đây, tình trạng ùn tắc tại sân bay Tân Sơn Nhất diễn ra nhức nhối. Dù chưa phải dịp cao điểm lễ, Tết nhưng dòng người vẫn ken đặc xếp hàng làm thủ tục.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho hay: “Nguyên nhân sâu xa là ga quốc nội Tân Sơn Nhất quá tải từ rất lâu. Cảng chỉ có một cao trình (khách đi, khách đến cùng một tầng), lại phải cơi nới nhiều lần”.
Tìm hiểu của PV Báo Giao thông, CHK quốc tế Tân Sơn Nhất có tổng công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm (trong đó, ga nội địa 15 triệu khách, ga quốc tế 10 triệu khách).
Tuy nhiên, do nhu cầu tăng, sân bay này đang phải khai thác quá tải công suất thiết kế từ năm 2016 đến nay. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải nhà ga hành khách, đặc biệt là trong các giờ cao điểm.
Cụ thể, năm 2016, sản lượng thông qua sân bay này đạt gần 32,2 triệu hành khách. Riêng khách nội địa đạt 20,37 triệu lượt, quá tải hơn 5 triệu lượt khách; năm 2017, sản lượng khách tiếp tục tăng lên 36 triệu lượt, trong đó hơn 22,3 triệu khách nội địa.
Trong hai năm 2018, 2019, số liệu tương ứng là 38,3 triệu khách và 41,2 triệu lượt khách qua cảng, riêng khách nội địa tương ứng là 23,41 triệu khách và 25,6 triệu khách. Mức tăng trưởng này chỉ giảm trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19.
Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV) Nguyễn Đức Hùng cho biết, tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất những ngày qua là do lượng khách tăng bất ngờ sau những nỗ lực kích cầu của ngành hàng không, du lịch.
“Năng lực thông qua cửa an ninh soi chiếu là 1.728 khách/h tại sảnh A và 1.584 khách/h tại sảnh B. Tuy nhiên, từ ngày 14 - 19/4, trong các khung giờ buổi sáng, lượng hành khách thông qua vượt xa ngưỡng này. Điển hình, từ 6 - 7h sáng ngày 17/4 có khoảng 2.706 khách/h tại sảnh A; ngày 18/4 là 2.400 khách/h (vượt công suất thiết kế khoảng 25 - 35%)”, ông Hùng thông tin.
Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng cho rằng: “Muốn xử lý triệt để, tận gốc tình trạng ùn tắc tại Tân Sơn Nhất, phải đẩy nhanh xây dựng nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất”.
Sớm nhất tháng 10/2021 mới khởi công
Năng lực thông qua cửa an ninh soi chiếu của sân bay Tân Sơn Nhất là 1.728 khách/h tại sảnh A và 1.584 khách/h tại sảnh B nhưng từ ngày 14 - 19/4, trong các giờ buổi sáng, lượng hành khách vượt xa ngưỡng này dẫn đến ùn ứ. Ảnh: Phan Tư
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Phó tổng giám đốc ACV Đỗ Tất Bình cho biết, doanh nghiệp này đang nỗ lực tối đa để có thể khởi công dự án đầu tư xây dựng nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất vào tháng 10 năm nay.
Cụ thể, theo ông Bình, do tính cấp bách của dự án và thời gian thực hiện rất ngắn nên ngay sau khi có Quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (tháng 5/2020 - PV), ACV đã tích cực chuẩn bị đầu tư dự án. Sau khi đấu thầu lựa chọn đơn vị tư vấn lập báo cáo nghiên cứu khả thi, tư vấn thiết kế kỹ thuật, đến nay báo cáo nghiên cứu khả thi đã cơ bản hoàn thành.
“Chúng tôi sẽ nỗ lực để khởi công dự án vào tháng 10 năm nay. Việc đầu tư xây dựng sẽ hoàn tất sau 24 tháng”, ông Bình nói và cho biết: “Việc hoàn thành xây dựng dự án sẽ góp phần nâng cao năng lực khai thác của CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc tại cửa ngõ thành phố, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, du lịch cho TP HCM và các tỉnh phía Nam.
Nhà ga hành khách T3 có công suất 20 triệu hành khách/năm và các công trình phụ trợ đồng bộ, phục vụ khai thác nội địa tại CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, đáp ứng yêu cầu khai thác, phù hợp với quy hoạch và phân chia sản lượng khai thác giữa sân bay Long Thành và Tân Sơn Nhất. Nhà ga T3 sẽ góp phần giảm tải cho nhà ga T1 hiện đang quá tải, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách.
Cũng theo ông Bình, vấn đề quan trọng nhất hiện nay vẫn chỉ là câu chuyện bàn giao đất. “Hiện Bộ Quốc phòng đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện trước việc bàn giao mặt bằng khu đất 16,05ha do Quân chủng Phòng không - Không quân đang quản lý thuộc phường 4, quận Tân Bình, TP HCM với hình thức chuyển giao cho địa phương quản lý để xây dựng nhà ga T3 và đưa diện tích đất trên vào quy hoạch sử dụng đất quốc phòng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn TP HCM”, ông Bình nói.
Cũng theo ông Bình, theo đúng quy định, phải chờ điều chỉnh xong quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng trên toàn quốc, trong đó có việc đưa khu đất quốc phòng bàn giao để xây nhà ga T3 ra khỏi quy hoạch.
Nếu làm như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian, do đó cơ quan chức năng mới đề nghị tách điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng kỳ cuối (2016 - 2020), quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất TP HCM kỳ cuối (2016 - 2020) đối với khu đất xây dựng nhà ga hành khách T3 riêng ra làm trước.
Sau khi được Thủ tướng chấp thuận, Bộ Quốc phòng sẽ chỉ đạo Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân phối hợp với UBND TP HCM, các cơ quan chức năng của địa phương và Bộ Quốc phòng hoàn thành các thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng và bàn giao cho địa phương quản lý.
Sau khi được bàn giao, UBND TP HCM sẽ tiến hành giao đất theo quy định của Luật Đất đai, Luật Hàng không dân dụng và các quy định liên quan.
“Đề xuất trên của Bộ Quốc phòng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc gỡ tiến độ của dự án hay nói cách khác, đến thời điểm này, các công việc đều cơ bản đảm bảo, lo nhất chỉ là mặt bằng”, ông Bình nói và cho rằng, tiến độ thực hiện dự án phụ thuộc rất lớn vào công tác GPMB, thu hồi và giao đất”, lãnh đạo ACV khẳng định.
Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tổng vốn đầu tư của dự án nhà ga hành khách T3 Tân Sơn Nhất khoảng 10.990 tỷ đồng bằng nguồn vốn hợp pháp của ACV (không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước). Dự án có thời hạn hoạt động 50 năm, kể từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất. Theo ACV, sơ bộ tổng mức đầu tư Dự án được lập dựa trên cơ sở tham khảo suất đầu tư của các dự án tương tự về mức độ đầu tư về kỹ thuật.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận