Thị trường

Khan hiếm nhân lực hiện đại ngành Logistics

17/02/2023, 18:48

Nhiều doanh nghiệp logistics đầu tư hiện đại, các cơ sở đào tạo cần nắm bắt cơ hội để tiếp cận xu thế mới, đáp ứng nhân lực chất lượng.

Thiếu nhân lực, yếu chuyên môn

Những năm qua, ngành dịch vụ logistics Việt Nam (bao gồm các hoạt động: Giao - nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác…) có tốc độ tăng trưởng tương đối cao, đạt 12-14%/năm, đóng góp khoảng 4-5% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Theo dự báo của Viện Nghiên cứu và phát triển logistics Việt Nam, đến năm 2030, ngành logistics nước ta cần bổ sung 2,2 triệu nhân lực, trong đó có khoảng 200.000 nhân lực chất lượng cao có bằng cấp chứng chỉ chuyên môn, có kỹ năng nghiệp vụ và năng lực ngoại ngữ.

img

Nhân lực ngành logistics còn thiếu thực tế dẫn đến việc tiếp cận mô hình chất lượng cao sau khi ra trường còn bỡ ngỡ.

Lực lượng nhân lực logistics Việt Nam chưa đáp ứng được các nhu cầu như: Kỹ năng về công nghệ thông tin, ngoại ngữ, khả năng sử dụng các phần mềm logistics, kiến thức và kỹ năng quản trị thu mua, vận tải, kho hàng…

Một trong những nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do nguồn nhân lực ngành logistics thiếu về số lượng, yếu về chất lượng; chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu nhân sự toàn ngành; sự chuẩn bị về kiến thức, kỹ năng, tính chuyên nghiệp của nhân lực logistics Việt Nam để đón nhận cơ hội phát triển chưa cao…

Đáng chú ý, 95% trong số 30.000 doanh nghiệp dịch vụ logistics đang hoạt động trong nước là doanh nghiệp nội, phần lớn có quy mô nhỏ.

Đại diện phía doanh nghiệp ông Hoàng Trọng Kiểm, Giám đốc công ty TNHH Đầu tư và Phát triển SLS Việt Nam cho rằng năng lực của đội ngũ nhân lực logistics, bao gồm cả nhân lực trực tiếp và cán bộ quản lý, chỉ ở mức trung bình.

“Khi tuyển chọn nhân sự, đa phần chúng tôi dựa trên tiêu chí đủ, doanh nghiệp phải tự đào tạo ngắn hạn trong và ngoài nước về nghiệp vụ để đáp ứng yêu cầu công việc”, ông Kiểm cho biết.

Đáp ứng nhân lực chất lượng

Hiện các đơn vị đào tạo cung cấp nguồn nhân lực logistics ở cả bậc đại học và đào tạo nghề đều đang khá hạn chế về cơ sở vật chất thực hành kỹ năng cũng như đội ngũ giảng viên trình độ cao trực tiếp giảng dạy. Sinh viên chưa có nhiều trải nghiệm thực tế và kết nối doanh nghiệp nên còn mang tính chất lý thuyết cao.

Trước những bối cảnh đó, để nâng cao chất lượng nhân lực ngành logistics, chia sẻ với Báo Giao thông, Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương cho biết, cần đẩy mạnh hợp tác giữa các cơ sở đào tạo thành viên trong việc tăng cường cơ sở vật chất, đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, đáp ứng yêu cầu về đào tạo, trình độ kĩ thuật hiện đại.

img

Tăng cường hợp tác giữa các trường đại học đào tạo ngành logistics và thực tế tại Kho lạnh AJ Total Phố Nối - Hưng Yên.

Theo PGS. TS Trịnh Thị Thu Hương, logistics có thể nói là một trong lĩnh vực được ứng dụng IT (công nghệ thông tin) mạnh mẽ, từ IT trong vận tải giao nhận, đến quản lý kho bãi, hàng hóa trong kho. Bên cạnh đó, trong bối cảnh “VUCA” (dùng để mô tả thế giới đa cực, biến động (Volatility), không chắc chắn (Uncertainty), phức tạp (Complexity) và mơ hồ (Ambiguity), ngành logistics cũng phải đối mặt với rất nhiều xu hướng mới, có rất nhiều thay đổi bất ngờ.

“Nhân lực ngành cần đáp ứng các tiêu chí kiến thức về nguyên lý vận hành của hệ thống IT chung cũng như trong lĩnh vực logistics; kiến thức ngành sâu (logistics, quản lý chuỗi cung ứng).

Ngoài ra ngoại ngữ cũng như kỹ năng quản trị sự thay đổi (linh hoạt thay đổi,...) những yếu tố quan trọng. Đa số robot hoạt động theo nguyên lý lập trình sẵn, con người cần có chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao, tránh những rủi ro đáng tiếc xảy ra, ví dụ đơn giản như tai nạn lao động”, Phó Chủ tịch VALOMA cho biết.

Doanh nghiệp logistics hiện đại là để tiết kiệm sức người, để tối ưu, chứ không phải là xóa bỏ sự tồn tại của con người trong đó, mà con người thật phải quản lý được robot, quản lý được IT”, bà Hương nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.