Đồng thuận xây dựng cao tốc
Đó là quan điểm chung của lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hoà và Lâm Đồng tại cuộc làm việc vào chiều 9/12, tại TP Nha Trang, để trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến đề xuất đầu tư dự án cao tốc Nha Trang (Khánh Hoà) – Đà Lạt (Lâm Đồng).
Đây là cuộc làm việc liên quan đến triển khai Thông báo số 503/TB-VPCP ngày 5/12/2023 của Văn phòng Chính phủ về Kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại buổi làm việc về tình hình thực hiện các công trình giao thông trọng điểm quốc gia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.
Trước đó, ngày 2/11, đoàn công tác của UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã làm việc với tỉnh Lâm Đồng để trao đổi, thống nhất một số nội dung liên quan đến việc nghiên cứu, đề xuất và triển khai đầu tư xây dựng cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.
Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà cho biết, UBND tỉnh Khánh Hòa tổ chức buổi làm việc với đoàn công tác tỉnh Lâm Đồng là để tiếp tục góp ý và đề xuất đầu tư dự án nhằm hoàn thiện báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Dự án xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Nha Trang – Đà Lạt, trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
"Đầu tư xây dựng cao tốc Nha Trang – Đà Lạt nhằm hình thành trục ngang kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ; kết nối với các trục dọc, phát huy hiệu quả các dự án đã và đang đầu tư; kết nối các trung tâm kinh tế, cảng biển, đáp ứng nhu cầu vận tải.
Qua đó, tạo dư địa, động lực, không gian phát triển vùng Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại.
Cao tốc Nha Trang – Đà Lạt còn góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh, xóa đói giảm nghèo; nâng cao năng lực cạnh tranh, từng bước thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương", ông Nguyễn Tấn Tuân nói.
Đơn vị tư vấn thiết kế cũng đã báo cáo sơ bộ đề xuất chủ trương đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.
Có 4 phương án hướng tuyến của cao tốc được đưa ra. Sau khi phân tích, đơn vị tư vấn đã đề xuất lựa chọn phương án 1A (tuyến đi song song với QL27C).
Phương án này có điểm đầu dự án kết nối với Cao tốc Nha Trang - Cam Lâm và điểm kết thúc tại Đà Lạt, chiều dài hơn 80km.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, sau khi nghiên cứu, đơn vị tư vấn đề xuất chọn phương án 1A. Bởi đây là phương án có chiều dài xây dựng ngắn nhất, số lượng hầm và chiều dài hầm 1,5km/1 hầm. Tổng mức đầu tư thấp nhất với quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh.
"Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư PPP, hợp đồng BOT có sự hỗ trợ của Nhà nước. Tuyến đi song song QL27C với khoảng cách từ 1 - 7km, thuận tiện trong việc kết nối với hệ thống giao thông hiện có của khu vực, có tác dụng hỗ trợ khi QL27C đèo dốc hiểm trở, hay sạt trượt trong mùa mưa bão.
Phạm vi nghiên cứu cho toàn tuyến Nha Trang – Liên Khương, để đảm bảo tính kết nối đồng bộ với các dự án Dầu Giây – Tân Phú – Bảo Lộc – Liên Khương. Tuy nhiên, do nhu cầu vận tải và tính khả thi cho dự án BOT, đề xuất trước mắt chỉ đầu tư đoạn nối từ Nha Trang đến Đà Lạt", đại diện đơn vị tư vấn nói.
Thống nhất chủ trương đầu tư
Sau khi trao đổi về hướng tuyến, phương án kỹ thuật, phương án tài chính…, lãnh đạo hai tỉnh thống nhất cao chủ trương đề xuất đầu tư dự án cao tốc Nha Trang – Đà Lạt.
Ông Trần Văn Hiệp, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho hay, Văn phòng Chính phủ ngày 5/12 cũng thông báo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, giao hai tỉnh thống nhất với Bộ Giao thông vận tải báo cáo Thủ tướng xem xét đề xuất đầu tư cao tốc Nha Trang - Liên Khương.
Hai tỉnh có nhiệm vụ nghiên cứu mô hình phát triển đô thị gắn với tuyến cao tốc này; điều chỉnh quy hoạch để khai thác hiệu quả hạ tầng kinh tế - xã hội liên quan đến tuyến đường.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở GTVT Khánh Hoà Nguyễn Văn Dần cho rằng, Sở đã kết nối với nhà đề xuất đầu tư là Tập đoàn Sơn Hải và đơn vị tư vấn để tổng hợp ý kiến lãnh đạo hai tỉnh, các ngành liên quan rồi sẽ nghiên cứu tham mưu cho UBND tỉnh để báo cáo với Chính phủ triển khai những thủ tục cần thiết để thực hiện những bước tiếp theo.
Ông Nguyễn Viết Hải, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Nhà đầu tư đề xuất chủ trương đầu tư) khẳng định: "Việc đầu tư tuyến đường sẽ có nhiều khó khăn, nhất là đi qua núi rừng hiểm trở, mức đầu tư lớn.
Lãnh đạo hai tỉnh đã tin tưởng giao cho Tập đoàn Sơn Hải đề xuất chủ trương đầu tư. Mong lãnh đạo hai tỉnh tiếp tục ủng hộ và tạo điều kiện để nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo".
Về phần mình, lãnh đạo hai địa phương cũng yêu cầu nhà đầu tư cùng đơn vị tư vấn cần phải tính toán, làm rõ thêm mục tiêu đầu tư tuyến đường cao tốc này.
Bởi đây là tuyến đường chiến lược đảm bảo quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.
UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại dự án. Tỉnh Lâm Đồng sẽ phối hợp chặt chẽ với tỉnh Khánh Hòa để hoàn thiện các thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư để báo cáo với các cấp có thẩm quyền.
Cao tốc Nha Trang - Đà Lạt có điểm đầu Km0 giao với cao tốc Nha Trang - Cam Lâm (tại xã Diên Thọ, huyện Diên Khánh, Khánh Hòa); điểm cuối tại Km81+500 (ngã ba Đarahoa, tại phường 12, TP Đà Lạt, Lâm Đồng).
Tổng chiều dài xây dựng khoảng 81,5km, trong đó đoạn qua địa phận tỉnh Khánh Hòa khoảng 44km, qua địa phận tỉnh Lâm Đồng khoảng 37,5km. Quy mô đầu tư, làm một lần hoàn chỉnh theo quy hoạch đường rộng từ 22 - 24,75m.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận