Bộ Công thương cho biết, khẩu trang được bán đúng giá ở hầu hết các siêu thị lớn.
Trước việc người dân rục rịch mua khẩu trang về dự trữ sau thông tin bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam xuất hiện chủng virus mới, hôm nay (30/1), Bộ Công thương đã họp khẩn về phương án điều tiết nguồn hàng trên địa bàn các tỉnh.
Cụ thể, Bộ đã yêu cầu các chuỗi siêu thị lớn chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến mới, có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các vùng sản xuất, tăng lượng cung ứng cho địa bàn các tỉnh, thành phố có dịch bệnh, cần cách ly hoặc giãn cách xã hội.
Báo cáo ngày 29/1 cho thấy, hiện nay, các chuỗi siêu thị lớn Saigon Coopmart, Vincomerce (bao gồm các cửa hàng Vinmart và Vinmart+), Big C, BRG Retail, Bách hoá Xanh, Satra, MM Mega Market, AEON, Lotte Mart với gần 3.000 điểm bán hàng sẵn sàng cung ứng đủ cho người dẫn tiếp cận mua sắm khẩu trang vải, dùng cho phòng chống dịch.
Lượng hàng dự trữ đối với mặt hàng khẩu trang và nước rửa tay tại một số hệ thống phân phối lớn điển hình như: Big C dự trữ 300% khẩu trang và nước rửa tay so với tháng trước; Công ty Vincommerce (Vinmart, Vimart+) còn tồn rất nhiều, trong hệ thống bán chậm, dự trữ còn gấp 3 lần so với bình thường.
Công ty BRG Retail bán chậm, còn dự trữ 30.000 khẩu trang vải. Đặc biệt, Liên minh Hợp tác xã Sài Gòn Coop dự trữ 30.000.000 khẩu trang vải, và lượng nước rửa tay đủ bán trong 1 năm trên toàn hệ thống.
"Khẩu trang vải tại các hệ thống phân phối hàng hóa lớn đảm bảo bán đúng giá, sẵn sàng phục vụ người dân phòng, chống dịch sau 45 ngày. Lượng khách đến mua khẩu trang vải cũng không nhiều, không có tình trạng sốt giá trên thị trường", Vụ thị trường trong nước cho biết.
Đối với việc cung ứng hàng hóa, tại Quảng Ninh, đến thời điểm hiện nay, nguồn hàng trên thị trường trong tỉnh vẫn ổn định, hàng hóa phong phú, không có hiện tượng khan hiếm hàng.
Các đơn vị đã chuẩn bị hàng hoá phục vụ tết trị giá gần 2.000 tỷ đồng, bao gồm các mặt hàng thiết yếu như: Gạo các loại, thực phẩm tươi sống; thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu bia, đồ uống giải khát, hàng may mặc, hàng trang trí nội thất và một số hàng tiêu dùng khác.
Tại Hải Dương, tổng trị giá hàng phục vụ Tết tại các siêu thị, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn đạt trên 1.000 tỷ đồng (duy trì luân chuyển liên tục). Đối với nhóm hàng thực phẩm tươi sống, hiện nguồn cung nhiều, không chỉ sẵn sàng phục vụ nhu cầu nhân dân trong tỉnh mà còn cung ứng phục vụ nhân dân tại Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phụ cận.
Thành phố thực hiện chương trình bình ổn thị trường (BOTT) với 2 nhóm chính. Thứ nhất là nhóm hàng thiết yếu như lương thực (gạo, mỳ, phở khô…), thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, rau củ quả tươi, đường, dầu ăn, gia vị (nước mắm, nước chấm, muối, mỳ chính…), sữa (sữa nước, sữa bột…).
Thứ hai là các nhóm hàng có nhu cầu cao trong thời điểm mùa vụ như trong dịp Tết Nguyên đán như mứt tết, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát…
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận