Âm nhạc

Khi bảng xếp hạng âm nhạc Việt chỉ là “ao làng”!

16/04/2020, 07:35

Thị trường nhạc số phát triển cũng là khi hàng loạt bảng xếp hạng âm nhạc mọc lên như “nấm sau mưa”.

img
BXH nhạc số hầu hết là những cái tên lần đầu xuất hiện như: X2X, Thanh Hưng, Chung Thanh Duy, Kha…

Những “tên lạ” lọt top BXH

Hàng loạt trang nhạc số phát triển trong thời đại công nghệ đã kéo theo sự ra đời của nhiều bảng xếp hạng âm nhạc. Tính sơ sơ hiện nay, mỗi trang nhạc số đều có các BXH của riêng mình như BXH: Zing, Nhaccuatui, Keeng.vn… Đó là chưa kể một số “ông lớn” nhạc số nước ngoài nhảy vào thị trường Việt Nam như: Spotify, Apple Music cũng có BXH riêng. Việc “chia năm xẻ bảy” thị trường âm nhạc đã khiến các BXH bị phân tán khi các ca khúc lọt top xếp hạng bỗng xuất hiện nhiều cái tên không phải ai cũng “biết mặt chỉ tên”.

Có thể thấy, dẫn đầu trong các BXH nhạc số đang hầu hết là những cái tên lần đầu xuất hiện như: X2X, Thanh Hưng, Chung Thanh Duy, Kha… Họ đều có những sản phẩm đạt thứ hạng cao trong BXH và sở hữu hàng triệu lượt nghe. Cụ thể, top 10 BXH #Zing Chart của trong tuần đang thuộc về các ca khúc như: “Đừng lo anh đợi mà” (Mr. Siro - 9,6 triệu lượt nghe), “Sợ phải kết thúc” (Nhật Phong - 9,8 triệu lượt nghe), “Ai đợi mình được mãi” (Thanh Hưng - 27,2 triệu lượt nghe), “Là duyên không phận” (Chung Thanh Duy)… Trong khi đó, top 10 BXH NhacCuaTui thuộc về những cái tên như “Chân ái” (Orange, Khói), “Anh thanh niên” (HuyR), “Thiệp hồng người dưng” (X2X)…

Các cái tên “lạ” có vị trí cao trong bảng xếp hạng âm nhạc cũng dễ hiểu khi đáp ứng được các tiêu chí của mỗi bảng. Thực tế, mỗi BXH có những tiêu chí khác nhau nhưng nhìn chung đều dựa vào số lượt nghe, tải chỉ trên trang web nghe nhạc.

Cụ thể, BXH trên NhacCuaTui cập nhật vào thứ hai hàng tuần dựa trên số liệu thống kê thực tế trên desktop và mobile của trang nhạc này. Trong đó, những chỉ số quan trọng quyết định thứ hạng Top 20 gồm: Lượt nghe, thích, bình luận, chia sẻ, tải về… Mỗi tương tác của người dùng đều tác động đến kết quả cuối cùng của BXH. #Zingchart thì căn cứ vào số lượng người nghe thực theo giờ trên hệ thống Zing MP3. Trang Keeng cũng có bảng xếp hạng nhạc Việt được cập nhật mỗi tuần, thể hiện danh sách các bài hát đang được nghe, thích, bình luận, chia sẻ nhiều trên mạng xã hội này.

BXH Việt ở đâu so với “ông lớn”?

img
BXH #Zingchart xuất hiện nhiều ca sĩ mới

Thế nhưng, nếu nhìn vào các BXH danh giá như: Billboard của Mỹ, Gaon của Hàn Quốc hay Oricon của Nhật Bản thì chúng ta sẽ thấy nhiều sự khác biệt. Phần lớn, những BXH trên thế giới được xếp dựa trên thống kê của một hệ thống kiểm toán riêng ở 3 lĩnh vực: Số lượng băng đĩa bán ra trên toàn thế giới, số lần phát trên sóng phát thanh và số lượng mua ca khúc trên mạng.

Ngoài ra, để phù hợp với sự phát triển của nhạc trực tuyến, Billboard bắt đầu cập nhật lượt streaming (truyền phát) trên YouTube để bổ sung như một yếu tố của BXH album Billboard 200 bắt đầu từ năm 2020. Số lượt stream video từ các nền tảng như: Apple, Spotify, Tidal và Vevo cũng được tính. Oricon của Nhật cũng bắt đầu tính doanh số tải sản phẩm trên mạng khi lập bảng xếp hạng Digital Albums Chart.

Nhìn chung, mỗi BXH đều có tiêu chí khác nhau nhưng có chung điểm là cập nhật dữ liệu từ nhiều nền tảng khác nhau. Điều đó giúp phản ánh rõ nét sự thành - bại của mỗi sản phẩm ca nhạc do nghệ sĩ phát hành.

img
BXH Nhaccuatui cập nhật dựa trên lượt Nghe, Thích, Bình Luận, Chia sẻ, Tải

Trong khi đó, các BXH trên của Việt Nam đều lấy tiêu chí là lượt nghe/tải nội bộ nên tầm ảnh hưởng của nó đến đâu thì vẫn cần đặt dấu chấm hỏi. Chính nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cũng bày tỏ sự nghi ngờ về độ uy tín thực sự của các BXH khi có những bài hát anh chưa từng nghe qua: “Tôi là người trong nghề mà còn chưa nghe, thì liệu bài đó có thật sự là bản hit để lọt được vào BXH hay không?”.

Nhà sản xuất âm nhạc Trần Việt Dũng phân tích, trước đây, các BXH âm nhạc của Việt Nam dựa trên lượt vote (bỏ phiếu) của người nghe nên độ phản ánh thực tế cao hơn. Ngày nay, nhạc số phát triển và các BXH chỉ cập nhật dữ liệu online sẽ mất độ chính xác. Hệ thống bản quyền của Việt Nam kém, các bài hát phát hành miễn phí nên khán giả có hiện tượng “cày view” hoặc ca sĩ mua view.

Từ đó, các con số trên BXH mang tính chắp vá, không phản ánh thực tế, dẫn tới bảng xếp hạng thiếu uy tín. Chưa kể, khán giả hiện nay có nhiều lựa chọn và nhiều nền tảng để nghe nhạc. Sự phân tán này cũng là lý do khiến các BXH âm nhạc không còn chất lượng. Tuy nhiên, các BXH đang phản ánh đúng thực trạng nền âm nhạc của Việt Nam.

“Đến ca sĩ vẫn chỉ phát triển mang tính “ao làng”, chưa dám đi xa ra quốc tế thì khó kỳ vọng điều gì. Kinh doanh nhạc số ở Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, không thể mơ có một BXH âm nhạc vươn ra quốc tế được khi nền âm nhạc của Việt Nam còn chưa phát triển. Chúng ta chưa có nền công nghiệp âm nhạc như các nước Mỹ, hay Hàn, Nhật…”, ông Dũng nhận định.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.