Chuyện dọc đường

Khi bị chồng đánh thành chuyện... bình thường

28/08/2019, 09:49

Ở Việt Nam có rất ít người chồng phải ra toà, đi tù vì chỉ đấm đá vợ một vài ba cái, một tuần đánh vài ba lần.

img
Người chồng lực lưỡng, giỏi võ đã nhiều lần trút mưa đòn xuống vợ mình

Vụ người đàn ông tại Hà Nội được cho là võ sư tung cú đá cầu vồng, một đòn đánh sát thủ trong võ thuật để “tặng” vợ con mình đang trở thành đề tài nóng bỏng trên mặt báo và trên các trang mạng xã hội.

Nhiều người yếu bóng vía thậm chí không dám xem hết clip bởi những hành động bạo hành quá dã man của người chồng to khoẻ, lực lưỡng kể trên. Không chỉ đấm, đá, tát, anh ta còn dùng sỏi, điều khiển ti vi ném thẳng vào mặt người vợ đang ôm theo đứa con còn đỏ hỏn chưa đầy 2 tháng tuổi trên tay.

Nhiều người lo sợ cho tính mạng của đứa bé sơ sinh bất hạnh, chỉ cần 1 chút kém may mắn, nó có thể trở thành nạn nhân bởi chính những những cú đòn đầy tính sát thương được tung ra từ chính người mà nó sẽ gọi là bố.

Những câu chuyện bạo hành gia đình, đánh đập không nương tay đối vợ con, đánh vợ ngay trước mặt con trẻ như thế này thực ra đang xảy ra từng ngày, từng giờ, ở bất cứ gia đình nào. Những chuyện như vậy chỉ được “phát lộ” nhiều hơn từ khi camera giám sát hay điện thoại thông minh với chức năng ghi hình, chụp ảnh trở nên phổ biến như hiện nay.

Có thể bạn đọc sốc với cảnh tượng đánh vợ của người đàn ông được cho là võ sư kể trên, nhưng tôi thì không. Từ khi có nhận thức thì đến nay, trong “kho” ký ức của tôi, có vô số những câu chuyện bạo hành như vậy, thậm chí còn khốc liệt, rùng rợn hơn mà tôi đã từng chứng kiến.

Ông Phẩm, một người đàn ông làm nghề buôn sắt vụn ở sát vách nhà tôi, có lần khi đi mua sắt về muộn, vợ ông vẫn chưa kịp nấu cơm và sắp đồ nhậu, ông Phẩm đã gần như “nổi điên” túm lấy mái tóc rất dài của vợ rồi buộc vào song cửa sổ. Đó là cách ông ngăn vợ mình chạy trốn.

Sau khi buộc, ông Phẩm chậm rãi đánh vợ mình, giống như tận hưởng một “khoái cảm” mà ông luôn cần có trước mỗi bữa nhậu. 4 đứa con ông Phẩm hoảng loạn gào thét, van xin nhưng chẳng thể lay chuyển. Dần dần, cả 4 trở nên câm lặng, đôi khi dửng dưng bởi số lần ông Phẩm ra tay quá nhiều và nó lặp đi lặp lại hết ngày này qua tháng khác. Ông Phẩm chỉ thôi đánh vợ khi đã già yếu, bệnh tật.

Nhưng đó cũng chưa phải là trường hợp đánh vợ dã man nhất trong xóm tôi. Có người dìm vợ xuống ao trong những ngày đại hàn rét mướt, người vợ chết đi sống lại, tím tái mình mẩy, mặt mũi thâm đen vì những cú đấm, tát không nương tay. Có người nửa đêm đốt hết quần áo, cắt trụi mái tóc người đầu ấp, tay gối với mình rồi đuổi ra khỏi nhà...

Nhưng thật kỳ lạ, những chuyện như vậy được coi là bình thường “như cân đường hộp sữa” ở mọi chốn làng quê. Vài hôm sau những người phụ nữ ấy lại phải cung cúc làm lụng để phục vụ, phục tùng vô điều kiện kẻ đã đánh mình tới mức thân tàn ma dại.

Và điều đáng sợ là bây giờ, sau mấy chục năm, những cảnh tượng bạo hành đó dường như không có dấu hiệu giảm đi. Thậm chí có những người đàn ông được ăn học đàng hoàng ở ngay thủ đô vẫn trút mưa đòn xuống vợ của mình.

Người viết bài này không đưa ra các con số thống kê về số vụ bạo hành, tỷ lệ % những phụ nữ đã bị chồng đánh... bởi những con số đó thực tế gần như không có nhiều thay đổi qua rất nhiều năm. Tại sao lại như vậy?

Là bởi những chế tài, biện pháp xử lý đối với người chồng bạo hành quá nhẹ, gần như không có tác dụng răn đe hay giáo dục. Thường là sau mỗi trận đòn, nếu có sự can thiệp từ các cơ quan, đoàn thể, lời khuyên phụ nữ được nghe vẫn đại loại là các “điệp khúc”, thôi thì "chín bỏ làm mười", "một sự nhịn chín sự lành", bỏ qua vì con cái, "xấu chàng thì hổ ai"...

Ở Việt Nam có rất ít người chồng phải ra toà, đi tù vì chỉ đấm đá vợ 1 vài ba cái, 1 tuần đánh vài ba lần.

Khi pháp luật chưa đủ nghiêm để xử lý, răn đe những người đàn ông quen tay đánh vợ, khi người phụ nữ, người vợ chưa đủ mạnh mẽ, chưa đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ mình, khi xã hội, các cơ quan đoàn thể còn quen với điệp khúc "một sự nhịn chín sự lành" thì tất nhiên chuyện đánh vợ sẽ vẫn là một câu chuyện nói đi nói lại hàng năm.

Sự thiệt thòi, khốn khổ lớn nhất vẫn sẽ được “dành” cho phụ nữ. Nhưng sự tổn thương lớn nhất sẽ thuộc về những đứa trẻ, chúng phải trưởng thành trong môi trường bạo lực và có nguy cơ méo mó, biến dạng về nhân cách.

Rất có thể cái vòng luẩn quẩn sẽ lặp lại, đứa trẻ lớn lên và sẽ coi chuyện bạo lực trong gia đình là một chuyện... bình thường.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.