Văn hóa - Giải Trí

Khi cải lương và xiếc “góp gạo thổi cơm chung"

25/02/2020, 08:26

Thời gian qua, sân khấu xiếc và cải lương liên tục đổi mới, thử nghiệm; trong đó có dự án kết hợp xiếc và cải lương mang tên "Huyền sử Việt".

img
Ê kíp sáng tạo gặp gỡ chị Xuân Hồng, con gái của cố tác giả Hoàng Luyện, tác giả kịch bản “Chử Đồng Tử, Tiên Dung”

Đề cao tính giải trí

“Huyền sử Việt” là dự án kết hợp giữa Nhà hát Cải lương Việt Nam và Liên đoàn Xiếc Việt Nam.Dự án có những vở diễn kể về “Tứ bất tử” trong tín ngưỡng của người Việt.

“Huyền sử Việt” sẽ gồm những chương trình biểu diễn nghệ thuật với nội dung phản ánh những huyền thoại về “Tứ bất tử”, bốn vị thánh trong đời sống tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên Sơn Thánh, Phù Đổng Thiên Vương, Chử Đồng Tử và Công chúa Liễu Hạnh. Dự án sẽ được thực hiện trong giai đoạn 4 năm từ 2020 - 2023, các nhân vật sẽ được thể hiện qua các công trình nghệ thuật được dàn dựng liên tiếp trong từng năm.

Trong năm 2020, vở diễn đầu tiên dự kiến ra mắt là “Chử Đồng Tử - Tiên Dung” với kịch bản của cố tác giả Hoàng Luyện. Ông Lê Thế Song, con rể của cố tác giả sẽ là người chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện lại kịch bản sao cho phù hợp các đòi hỏi về tiêu chí, thời lượng vỏn vẹn 90 phút của vở diễn. Hiện tại, các nghệ sĩ đã bắt tay chuyển thể kịch bản và chuẩn bị casting nghệ sĩ, dự kiến tháng 6 bắt đầu triển khai và tháng 9 sẽ ra mắt vở diễn.

NSƯT Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam khẳng định, dự án lần này anh đã đau đáu suốt nhiều năm qua. Anh muốn mang tới những chương trình nghệ thuật mới mẻ, hấp dẫn nhất cho khán giả. Do đó, tính giải trí của chương trình này là một tiêu chí quan trọng để khiến khán giả mãn nhãn về thẩm mỹ, công nghệ và tạo cho khán giả không gian ảo.

Chương trình được dàn dựng theo phong cách nhạc kịch xiếc, kết hợp giữa ca kịch cải lương và xiếc mới. Khán giả sẽ không chỉ được thưởng thức những làn điệu cải lương mượt mà mà còn được xem những màn trình diễn xiếc dẻo dai, khéo léo được lồng ghép để tạo ra hiệu ứng cao nhất. Sự kết hợp này không chỉ giúp nâng tầm nghệ thuật xiếc và cải lương, mà còn là cơ hội để các nghệ sĩ xiếc được tiếp cận, trau dồi kỹ năng biểu diễn trên sân khấu và ngược lại, nghệ sĩ cải lương cũng được nâng cao kỹ năng biểu diễn thông qua các trò diễn xiếc phù hợp.

Sân khấu sử dụng không gian 3 chiều, ngoài sân khấu chính còn có một số sân khấu phụ để tạo ra sự tương tác với khán giả. Nghệ sĩ có thể xuất hiện bên cạnh khán giả, cất những tiếng hát cải lương để đưa khán giả như hòa nhập với trực tiếp các nghệ sĩ.

“Chia sân khấu ở những vị trí khác nhau trong không gian sân khấu tròn của xiếc sẽ giúp xử lý về sự tập trung của khán giả, dễ bề chuyển cảnh ở sân khấu chính. Sân khấu sẽ mang tính đương đại, có thể dùng công nghệ, ánh sáng và sử dụng phông cảnh. Cũng có thể phải sáng tạo các đạo cụ mới để diễn xiếc. Thậm chí, có thể có cát thật như sân khấu thực cảnh trong phân cảnh Chử Đồng Tử vùi mình xuống cát… Việc này có thể kết hợp với ảo thuật”, NSƯT Tống Toàn Thắng bật mí.

Không “phá” cải lương

Chương trình này không phải là vở xiếc hay vở cải lương, mà chỉ có tên dự án “Huyền sử Việt” và hình thức trình diễn gồm ca kịch, xiếc với nội dung là “Tứ bất tử”.
NSƯT Tống Toàn Thắng


Với một tác phẩm sân khấu kết hợp ca kịch cải lương và xiếc mới, đối tượng khán giả cũng được cân nhắc. Bởi lẽ, khán giả của cải lương và xiếc là hai đối tượng hoàn toàn khác nhau. Cải lương là loại hình nghệ thuật truyền thống sở hữu những đối tượng khán giả riêng, đa số là người lớn tuổi. Trong khi đó, sân khấu xiếc lại có đối tượng trẻ em chiếm đa số. Làm sao tác phẩm có thể thỏa mãn được cả hai đối tượng khán giả trên là một bài toán không dễ.

Để làm được điều ấy, về phần âm nhạc, NSND Triệu Trung Kiên, Quyền Giám đốc Nhà hát Cải lương Việt Nam tiết lộ, phần ca cải lương sẽ được chắt lọc để gạt bỏ những chi tiết rườm rà, lê thê và khó tiếp nhận. Sẽ chỉ phát huy những gì gần gũi với hệ thống âm nhạc là những bài lý của cải lương để các em nhỏ hay khán giả trẻ sẽ cảm thấy hay, nhẹ nhàng như dân ca, với giai điệu du dương êm ái. Những bài lớn sẽ tiết chế và chỉ đưa vào làm điểm nhấn cho những phân đoạn thực sự cần thiết.

“Cải lương từng kết hợp với chèo, với múa rối và đều mang về những kết quả tích cực. Tất nhiên luôn có những ý kiến trái chiều nhưng đại bộ phận đều thích thú. Những ý tưởng táo bạo thường có độ khó cao, làm không khéo có thể không đạt được kết quả mong muốn và có thể gây ra tác dụng ngược. Đó là điều buộc phải chấp nhận nếu làm cái mới”, NSND Triệu Trung Kiên bộc bạch về khả năng thành công của dự án này.

Anh cũng khẳng định, “Huyền sử Việt” khác hoàn toàn với các vở như: À Ố Show, Làng tre… vì dự án này cung cấp cho khán giả những nội dung riêng mà ở đó, các nhân vật có số phận, có câu chuyện của riêng mình.

Ngoài tinh gọn phần ca cải lương, âm nhạc sử dụng trong chương trình sẽ là tân cải lương với những bản beat mang tính trẻ trung, tiết tấu nhanh, hiện đại hơn để dễ hòa nhập với xiếc. Thời lượng cải lương - xiếc có thể sẽ phân 30:70 và hai đạo diễn của hai loại hình nghệ thuật sẽ chắt lọc những gì tinh túy nhất trong bộ môn nghệ thuật của mình để làm nên vở có độ nghệ thuật và tinh xảo.

Theo nghệ sĩ Tống Toàn Thắng, chương trình không “phá” cải lương truyền thống mà chỉ sử dụng tân cải lương để tạo ra sự hấp dẫn với khán giả. Anh nói thêm, phần xiếc sẽ là những màn xiếc mới, kết hợp ảo thuật, xiếc thú… thông qua cải lương để thể hiện nội dung, thỏa mãn nhu cầu giải trí cho mọi đối tượng khán giả.

Không tiết lộ về dự tính kinh phí cụ thể nhưng theo các nghệ sĩ, hai nhà hát “góp gạo thổi cơm chung” từ nguồn kinh phí do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đặt hàng hàng năm cho mỗi nhà hát. Đây cũng là định hướng liên kết giữa các nhà hát thuộc Bộ để tạo ra một sản phẩm bán vé hiệu quả.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.